Vô địch AFF Cup 2018, tuyển Việt Nam ở tầm cao mới

Với những gì thể hiện xuyên suốt 8 trận đấu, có thể khẳng định, đoàn quân áo đỏ đã ở một tầm cao mới...

Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2018 - Ảnh: AFF

Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chức vô địch AFF Cup 2018 - Ảnh: AFF

10 năm một chặng đường

Sau đúng 10 năm, kể từ đêm đông huyền diệu 2008, Việt Nam mới được hưởng niềm vui trọn vẹn tại đấu trường khu vực - AFF Cup. 10 năm, 4 giải đấu thất bại, quá nhiều dồn nén để Mỹ Đình ngày 15/12 chào đón nhà vua mới của bóng đá Đông Nam Á - Đội tuyển Việt Nam. Quá nhiều điểm chung giữa hai thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam. Cả hai đều chiến đấu với tinh thần tập thể, đoàn kết cao độ, dưới sự dẫn dắt của một nhà cầm quân tài năng, tâm huyết (HLV Henrique Calisto - 2008 và HLV Park Hang-seo - 2018).

Tuy vậy, lần thứ hai nâng cao chiếc cúp vàng danh giá, đội tuyển Việt Nam cho thấy hình ảnh khác hẳn so với cách đây 10 năm. Năm 2008, đoàn quân áo đỏ chỉ đăng quang nhờ bàn thắng của Lê Công Vinh ở phút bù giờ - tức ở thế rượt đuổi. Ngược lại, năm 2018, thày trò HLV Park Hang-seo lại bước lên đỉnh cao bằng sự chủ động tuyệt đối.

Sự chủ động được thể hiện từ vòng bảng, bán kết rồi chung kết, mỗi trận đấu, tuyển Việt Nam đều để lại sự yên tâm. Chính bởi vậy, ngay sau khi hòa Malaysia 2-2 ở chung kết lượt đi, rất nhiều người đã tin tưởng cúp sẽ về Việt Nam. Không phụ sự kỳ vọng của hàng triệu con tim, thày trò HLV Park Hang-seo tiếp tục trình diễn thứ bóng đá bài bản, khoa học, khiến Malaysia bị cuốn theo và phải nhận thất bại tâm phục. Ngay cả HLV Tan Cheng Hoe cũng thừa nhận tuyển Việt Nam mạnh hơn hẳn Malaysia và vô địch đầy xứng đáng.

Bình luận viên Ngô Quang Tùng cho rằng, khác biệt lớn nhất giữa hai thế hệ 2008 và 2018 là niềm tin: “Năm 2008, ngay cả khi thắng Thái Lan ở chung kết lượt đi, trận lượt về Việt Nam vẫn “cóng”. Điều này có thể xuất phát từ việc thiếu niềm tin vào chuyên môn. Còn năm 2018, các cầu thủ chơi với niềm tin vô địch rất lớn”.

Đồng quan điểm, chuyên gia Vũ Mạnh Hải nhận xét: “Rõ ràng năm 2008, chúng ta vô địch nhưng có cảm giác khá chênh vênh và vẫn ở dưới Thái Lan một bậc về đẳng cấp. Nhưng năm nay chúng ta vô địch, cho thấy sự vững vàng trên đỉnh. Tôi cho rằng, bóng đá Thái Lan vẫn nhỉnh hơn Việt Nam nhưng khoảng cách giờ là rất nhỏ. Ông Park đã nâng vị thế của đội tuyển Việt Nam lên một tầm cao mới”.

Những yếu tố nổi bật

Cũng theo chuyên gia Vũ Mạnh Hải, tài năng của HLV Park Hang-seo là một trong ba thành tố chính tạo nên thành công cho đội tuyển Việt Nam. Ngoài ra, bóng đá Việt Nam có một thế hệ tài năng, đồng đều, đã thi đấu cùng nhau một thời gian dài nên tạo được sự gắn kết và thế hệ này cũng có sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng, tâm lý khi thi đấu.

Đi vào vấn đề chuyên môn, chuyên gia Vũ Mạnh Hải đánh giá, sự chắc chắn nơi hàng thủ là mấu chốt đến chiến thắng: “Ông Park vẫn kế thừa phát huy những gì HLV Hữu Thắng để lại, đó chính là chơi bóng ngắn, ít chạm, nhanh, phối hợp nhỏ. Nhưng ông Park làm được điều mà Hữu Thắng và những người tiền nhiệm không làm được, đó là xây dựng hàng thủ vững chắc”.

Trong khi đó, bình luận viên Ngô Quang Tùng nhìn nhận, ngoài việc sở hữu hàng thủ chắc chắn, ổn định, tuyển Việt Nam còn có hai yếu tố chuyên môn nổi bật. “Đó là việc lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch cho từng trận đấu rất hoàn hảo. Điều này có phần may mắn vì chúng ta không phải có những xáo trộn nhân sự bất đắc dĩ. Bên cạnh đó, là tính bất ngờ trong tiếp cận trận đấu. Dù chiến thuật ổn định, tổ chức lối chơi ổn định nhưng ông Park luôn biết cách tạo ra bất ngờ cho đối thủ. Bất ngờ có thể tới từ nhân sự hay thay đổi bài vở trong những tình huống cụ thể. Tổng hòa các yếu tố, chúng ta thấy tuyển Việt Nam làm chủ được mình, đẩy các đối thủ vào thế bị động”, ông Tùng phân tích.

Hữu Hiệp

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vo-dich-aff-cup-2018-tuyen-viet-nam-o-tam-cao-moi-d282440.html