VỠ ĐẬP THỦY ĐIỆN Ở LÀO: Sớm tìm ra nguyên nhân

VH- Thảm họa này đã làm hàng trăm người chết và mất tích, hơn 6.000 người mất nhà cửa.

Thuyền sơ tán người dân Ảnh: ABC LAOS

Chạy đua tìm người sống sót

Theo AFP, giới chức tỉnh Attapeu điều động máy bay trực thăng và thuyền để sơ tán những người bị mắc kẹt tại các ngôi làng bị lũ nhấn chìm. Cho đến nay, chưa thể có con số chính xác số nạn nhân mất tích và thiệt mạng. Hãng thông tấn chính thức của Lào KPL cho biết, hàng trăm người đã mất tích nhưng không cung cấp chi tiết.

Tuy nước đang rút, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác cứu hộ, nhưng hệ thống giao thông đường bộ bị phá hủy nghiêm trọng khiến các phương tiện cơ giới lớn không thể đi qua. Lực lượng cứu hộ chủ yếu vẫn chỉ sử dụng thuyền và trực thăng để tiếp cận người dân.

Phó Bí thư, Phó Chủ tịch tỉnh Attapeu, ông Phonesamay Mienglavan cho biết trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh Attapeu và cụ thể là đơn vị cứu nạn đã huy động nhiều ban, ngành cùng tham gia công tác cứu hộ. Việc tiếp tế lương thực, thực phẩm cho những người còn đang bị cô lập bởi nước lũ cũng được đảm bảo triển khai liên tục. Ông Mienglavan cũng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu thuyền cứu hộ, khiến diện tích khu vực tìm kiếm bị thu hẹp, nhiều nơi vẫn chưa được tiếp cận trong đó có các điểm nhiều khả năng có người bị mắc kẹt.

Thảm họa được báo trước

Đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy nằm ở khu vực phía nam Lào trên dòng sông Xe Kong là dự án hợp tác trị giá 1,2 tỉ USD giữa Cty xây dựng và thiết kế SK Hàn Quốc (SK E&C), Cty Điện lực Đông Hàn Quốc, Cty General Holding của Thái Lan và một Cty điện lực của Lào. Công trình có công suất 410 MW, khởi công năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Cty SK E&C cho biết, đã phát hiện hiện tượng sạt lở bất thường ở phần đỉnh của công trình thủy điện vào lúc 21 giờ (giờ địa phương) ngày 22.7, tức 23 giờ trước khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện này. Công tác sửa chữa ngay lập tức được xúc tiến, song mưa lớn đã cản trở công tác này.

Đến sáng 23.7, một trong hai đập chính của dự án buộc phải xả lũ để giảm áp lực đối với đập Xe-Pian Xe-Namnoy. Tuy nhiên, SK E&C thông báo diễn biến ngày càng xấu đi vào buổi chiều cùng ngày, buộc Cty này đưa ra thông báo yêu cầu người dân tại vùng hạ lưu sơ tán.

Vụ vỡ đập đã gây ngập cho 10 bản ở hạ lưu và làm cô lập hoàn toàn huyện Sanamxay, trong đó có 5 bản ở huyện Sanamxay bị ngập hoàn toàn. Vụ vỡ đập đã làm trên 1.300 hộ gia đình với 6.600 người bị ảnh hưởng.

Tình nguyện viên nấu ăn cho người dân tại một nơi tạm trú Ảnh: NEW YORK TIMES

Không thể vỡ vì mực nước

Nói với Nikkei, một nguồn tin từ Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào ngày 25.7 cho biết chính phủ sẽ sớm mở cuộc điều tra về sự cố vỡ đập dự án thủy điện Xe-Pian Xe- Namnoy, rà soát khả năng có sai phạm trong vụ này. Chiều cùng ngày, Chính phủ Lào đã có cuộc họp khẩn và quyết định thành lập Đoàn chuyên trách, đồng thời giao cho Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone làm Trưởng đoàn, gồm có các bộ ngành liên quan và tỉnh Attapeu, huyện Sanamxay tiếp tục giải quyết cả trước mắt và lâu dài. Đoàn chuyên trách này sẽ đánh giá thiệt hại, tìm ra nguyên nhân chính làm xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện nêu trên, cùng với chủ đầu tư dự án kiểm tra trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên trong việc giải quyết sự cố lần này.

Cũng theo nguồn tin này, việc mực nước dâng cao vì mưa lớn có thể không phải là nguyên nhân duy nhất khiến con đập (đã hoàn thành xây dựng 90%) bị vỡ. Nhận định này trùng với nhận định của Giáo sư địa lý Ian Baird tại đại học Wisconsin-Madison và là một chuyên gia Lào rằng mưa lớn không đủ là nguyên nhân gây ra thảm kịch. Giảng viên Chainarong Setthachua, đại học Maha Sarakham (Thái Lan) cho rằng thảm họa đã có thể được ngăn chặn, nếu chủ dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn và có hệ thống phản ứng khẩn cấp. “Đập này không vỡ vì mực nước tràn trong hồ chứa, như nhiều quan chức Lào và các chủ dự án đã cố gắng biện minh. Hồ chứa không quá đầy khi một phần của con đập bị nứt vỡ và bị cuốn đi. Đây rõ ràng cho thấy nguyên nhân thực sự của thảm họa này là xây dựng không đúng cách, và bên xây dựng dự án này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tổn thất” - theo ông Chainarong. Ông cho rằng, các đối tác trong dự án phải bồi thường cho từng người bị ảnh hưởng vì đập vỡ. Nếu không xem như các đối tác này đã vi phạm các nguyên tắc kinh doanh và bảo vệ quyền con người.

Hỗ trợ Lào khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Cụ thể, Thủ tướng quyết định hỗ trợ 200.000 USD cho Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 để khắc phục khẩn cấp hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hình thức hỗ trợ phía Lào tại hiện trường sự cố vỡ đập thủy điện tại tỉnh Attapeu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.7.

Trước đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã gửi điện thăm hỏi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào. T. SƯƠNG

CHI MAI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/r%C6%B0ng-r%C6%B0ng-v%E1%BB%9Bi-mirai-em-g225i-%C4%91%E1%BA%BFn-t%E1%BB%AB-t%C6%B0%C6%A1ng-lai-c%E1%BB%A7a-%C4%91%E1%BA%A1o-di%E1%BB%85n-mamoru-hosoda