Vỡ đập thủy điện ở Lào: Bài học và mối lo khác

Sự cố Xe Pian-Xe Namnoy cho thấy tình thế bị động, thiệt hại lớn về người và cách làm thủy điện lưu vực Mekong chưa đạt độ chuyên nghiệp, tin cậy.

Sự cố vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy (huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, CHDCND Lào) đã gây ra ảnh hưởng hết sức nặng nề và lần đầu tiên trong hàng chục thập kỷ qua, nhân dân Lào chịu ảnh hưởng lớn như vậy.

Đối với Việt Nam, trao đổi với Đất Việt, các chuyên gia đều khẳng định, sự cố này sẽ ít có khả năng ảnh hưởng lớn đối với ĐBSCL vì hiện nay đang là mùa lũ, nước chảy tràn trên diện rộng, hơn nữa đập Xe Pian-Xe Namnoy nằm ở dòng nhánh dù là cuối cùng đổ ra sông Mekong nhưng nằm cách Việt Nam khá xa khoảng trên 600km. Có thể trong vài ngày tới khối nước này về sẽ gây gia tăng mực nước ở Tân Châu, Châu Đốc vài cm, nên không đáng lo lắm.

Dù vậy, TS Đào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, sự cố vỡ đập ở Lào là bài học rất lớn cho vấn đề an toàn đập.

Ông cho biết, đập Xe Pian-Xe Namnoy vẫn chưa hoàn thành trước khi sự cố xảy ra và vết nứt đầu tiên được phát hiện trên đập một ngày trước khi vỡ. Dù sau khi phát hiện vết nứt, phía chủ thầu đã cảnh báo cho chính quyền địa phương và người dân sinh sống gần đập, một đội kỹ sư được cử đến gia cố vết nứt trên đập nhưng cuối cùng sự cố vẫn xảy ra gây ảnh hưởng hết sức nặng nề.

Những hình ảnh tang thương từ hiện trường vụ vỡ đập thủy điện ở Lào. Ảnh: BCEL OneHeart charity

"Đây là bài học rất đắt giá. Sự cố xảy ra ở vùng miền núi, còn nếu xảy ra vùng đồng bằng, đông dân thì không biết hậu quả thế nào.

Việt Nam có gần 7.000 hồ chứa thủy lợi và thủy điện, quy mô từ hàng ngàn đến nhiều tỷ mét khối nước. Chúng ta phải hết sức cẩn trọng bởi nếu xảy ra nó sẽ tràn từ trên xuống, tạo ra một phản ứng kinh khủng, ảnh hưởng đến sự an toàn ở hạ lưu", TS Đào Trọng Tứ nói.

Cũng theo vị chuyên gia, trong quá trình tính toán xây dựng các công trình thủy điện, Việt Nam đã nghiên cứu tác động tích lũy trong trường hợp vỡ đập. Tuy nhiên, hiện tượng vỡ đập chưa được nghiên cứu rõ, vỡ đập liên hoàn ra sao, vỡ đập đơn thế nào...

"Kịch bản là phỏng đoán về thời tiết trong quá khứ, có dự báo cho tương lai, nhưng câu chuyện ấy vẫn khác với thực tế. Qua bài học ở Lào sẽ thấy rằng Việt Nam cần phải có những kịch bản lớn hơn và cụ thể hơn khi xảy ra sự cố", TS Đào Trọng Tứ nhấn mạnh.

Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Ths Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL cho rằng, sự cố vỡ đập thủy điện ở Lào một lần nữa cho thấy vấn đề an toàn đập trên lưu vực Mekong là một vấn đề thực sự đáng lo ngại.

"Sự kiện vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy lần này không phải là lần đầu mà năm ngoái đã có đập Nam Ao ở tỉnh Xayxomboun vỡ đã làm ngập 7 làng. Như vậy, chuyện gì cũng có thể xảy ra.

Đối với ĐBSCL điều chúng ta lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền.

Có thể hình dung sông Mekong như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhánh lớn lại phân ra nhánh nhỏ thì ĐBSCL nằm ở gốc cây và đập Sambor nằm ở thân cây phía trên ĐBSCL. Đập Sambor sẽ gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên, bất cứ đập nào phía trên vỡ đều cuối cùng ảnh hưởng đến Sambor.

Sambor theo phương án ban đầu có chiều ngang 18km, cao 56m, có diện tích hồ chứa 620km2, tích trữ nước ở cao trình 40m trên mực nước biển, trong khi cao trình của ĐBSCL là chỉ khoảng 1 mét trên mực nước biên.

Đây sẽ là quả bom nước treo lơ lửng phía trên ĐBSCL. Nếu phía trên có đập vỡ lùa nước xuống vỡ dây chuyền thì Sambor sẽ vỡ và khi đó ĐBSCL sẽ bị dìm trong nước ngay tức khắc.

Trong số đập phía trên thì đập đáng lo ngại nhất là đập Xayaburi đã khởi công năm 2011. Xayaburi nằm trên đường đứt gãy địa chất đang hoạt động và các nhà khoa học của Đại học Chula Longkorn của Thái Lan đã cảnh báo rằng trong 30 năm tới có 30% khả năng xảy ra động đất trung bình và 10% khả năng xảy ra động đất lớn vùng này.

Thực tế năm 2011 đã có 2 vụ động đất ở vùng Xayaburi, may là lúc đó chưa có đập. Sau này khi đập Xayaburi hoàn tất, với sức nặng của nước trong hồ chứa có thể đè lên vỏ trái đất gây động đất kích thích. Nếu sự cố xảy ra với Xayaburi, nước sẽ lùa xuống đập kế tiếp bên dưới, cũng đang đầy nước, và lùa tiếp xuống đập kế tiếp với số nước 2 đập cộng lại và tiếp tục như thế đến đập Sambor thì Sambor chắc chắn sẽ khó an toàn", Ths Nguyễn Hữu Thiện phân tích.

Một điều nữa đáng lo ngại được vị chuyên gia chỉ ra, đó là vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy cho thấy tình thế rất bị động và xảy ra thiệt hại lớn về người, cho thấy cách làm thủy điện trong lưu vực Mekong chưa đạt độ chuyên nghiệp, tin cậy.

"Lẽ ra khi thiết kế đập thì đã có mô phỏng các tình huống vỡ đập, đi kèm là các kế hoạch khẩn cấp để không có thiệt hại lớn. Tình hình của vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy đã không chứng minh được điều đó.

Các nhà môi trường đã luôn luôn cảnh báo rằng lợi ích của thủy điện Mekong là quá nhỏ so với rủi ro đối với con người và môi trường trong toàn vùng", Ths Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/vo-dap-thuy-dien-o-lao-bai-hoc-va-moi-lo-khac-3362500/