Vỡ đập bãi thải nhà máy DAP số 2 ở Lào Cai: Đã cảnh báo, xử phạt, sự cố vẫn xảy ra!

Trưa 7.9, đập bờ bao hồ chứa chất thải rắn của Nhà máy DAP số 2 Lào Cai (ở KCN Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) bị vỡ khiến khoảng 45.000m3 nước và chất thải tràn ra môi trường. Đến sáng 9.9, theo ghi nhận của PV Báo Lao Động, sự cố trên đã được khắc phục. Điều đáng nói, việc mất an toàn đập chứa nước thải và việc gây ô nhiễm môi trường đã được Bộ TNMT, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội cảnh báo từ trước, nhưng sự cố vẫn xảy ra…

Đoạn vỡ đập dài khoảng 45m. Ảnh: PV

Vẫn chưa di chuyển dân ra khỏi vùng ảnh hưởng trực tiếp

Sáng 9.9, theo CTV Lao Động có mặt tại hiện trường, sự cố vỡ bờ bao hồ chứa chất thải về cơ bản đã khắc phục. Theo đó, với phần miệng bờ đập bãi thải GYP bị vỡ, Cty Cổ phần DAP số 2 đã tập trung nhân công, máy móc be đắp lại không để chất thải tràn thêm ra môi trường; đồng thời tiếp tục gia cố chắc chắn đề phòng tình huống tái xảy ra khi trời mưa.

Hiện, Nhà máy sản xuất phân bón của Cty này cũng đã tạm dừng hoạt động để không phát sinh thêm chất thải cho tới khi sự cố được khắc phục triệt để. Riêng lượng nước chảy ra từ bãi thải chứa hàm lượng lớn acid bị rò rỉ ra ngoài ước tính khoảng 45.000m3, UBND huyện Bảo Thắng và Cty đã huy động hơn 500 tấn vôi bột đổ xuống các suối nhằm trung hòa tối đa acid xâm nhiễm.

UBND huyện Bảo Thắng cũng đã có công điện khẩn gửi các xã, thị trấn lân cận, yêu cầu người dân và chi nhánh cấp nước đang khai thác các nguồn sau bãi thải GYP của Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 tạm ngừng sử dụng nước để đảm bảo an toàn.

Trong khi đó, xác nhận với PV Lao Động sáng 9.9, Thứ trưởng Bộ TNMT Võ Tuấn Nhân cho biết xác nhận, sự cố vỡ đập bãi thải nhà máy DAP số 2 Lào Cai đã khắc phục xong. Theo Thứ trưởng Bộ TNMT, sau khi xảy ra sự cố, Bộ TNMT đã cử tổ công tác lên Lào Cai phối hợp với chính quyền địa phương để khắc phục xử lý. “Đến nay, về cơ bản, sự cố đã được khắc phục, nguy cơ gây ô nhiễm ra môi trường đã không còn” - Thứ trưởng Nhân nói.

Tại báo cáo nhanh về tình hình khắc phục sự cố tràn và vỡ đập bãi thải Gyps của nhà máy DAP số 2 ngày 8.9, UBND tỉnh Lào Cai cho biết, việc khắc phục sự cố đã đạt kết quả tốt, đã khôi phục được phần đập bị vỡ, đã xử lý và khống chế được nguồn nước gây ô nhiễm. Theo kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nguồn nước các con suối bị ô nhiễm đã đạt ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, UBND tỉnh Lào Cai cho biết trước mắt di chuyển ngay 10 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp nằm phía dưới khu vực bị vỡ đập bãi thải; các hộ còn lại sau khi khắc phục xong sự cố sẽ tiếp tục di chuyển để ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Lao Động sáng 9.9, ông Hoàng Chí Hiền - Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng - cho biết, chưa di chuyển được hộ nào. Theo ông Hiền, việc di chuyển các hộ dân phụ thuộc vào thống kê thiệt hại và áp giá đền bù với các hộ dân di chuyển. “Huyện đang thống kê thiệt hại, việc này cơ bản đã xong. Còn áp giá thống kê đền bù cho các hộ dân di chuyển thì đang làm, khi làm xong sẽ chuyển cho nhà máy để nhà máy chi tiền cho các hộ dân” - ông Hiền nói.

Nhiều lần cảnh báo, xử phạt

Cty DAP số 2 thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) thành lập năm 2008 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỉ đồng. Cty hoạt động trong lĩnh vực chính là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm phân bón và hóa chất. Vào tháng 7.2018, UBND tỉnh Lào Cai đã ra quyết định xử phạt công ty này 150 triệu đồng về hành vi không vận hành đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường tại bãi thải đuôi quặng và yêu cầu doanh nghiệp có biện pháp xử lý không để nước thải tràn ra môi trường.

Trao đổi với Lao Động về nguyên nhân để xảy ra sự cố, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết, trước khi vỡ đập thì UBND huyện Bảo Thắng đã nhiều lần kiến nghị lên sở TNMT, UBND tỉnh về nhà máy gây ô nhiễm, và nguy cơ an toàn đập và kiến nghị di dời các hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. “Tuy nhiên, họ (nhà máy DAP số 2) cũng không thực hiện, trách nhiệm địa phương chỉ báo cáo lên UBND tỉnh để xem xét, có giải pháp” - ông Hiền nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Vy - Tổ trưởng tổ công tác Bộ TNMT đang có mặt tại hiện trường - cho biết, trách nhiệm để xảy ra sự cố trước tiên thuộc về Cty DAP số 2. Theo ông Vy, trước khi xảy sự cố thì Tổng cục Môi trường đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều lỗ hổng trong công tác bảo vệ môi trường.

“Tổng cục Môi trường có cảnh báo Cty DAP số 2 về việc phải gia cố đập này để đảm bảo an toàn. Và đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong tháng 8 lên giám sát cũng yêu cầu như vậy. Sau đó, Cty có báo cáo lên Bộ TNMT về giải pháp xây hồ mới để dồn nước về phía trong nhưng Cty mới gửi 29.8 vừa rồi” - ông Vy nói. T.CHÍ

Giám sát đặc biệt về môi trường với nhà máy DAP số 2

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Văn Thức - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TNMT - khẳng định, với nhà máy DAP số 2 tuy lượng nước thải ra môi trường dưới 1.000 m3/ngày, không thuộc trong danh mục phải lắp đặt quan trắc tự động nhưng nhà máy ở địa bàn xung yếu, gần sông Hồng nên thuộc trường hợp đặc biệt. Sắp tới đây, Tổng cục Môi trường phối hợp Sở TNMT sẽ giám sát đặc biệt việc gia cố hồ đập, việc xây hồ mới, sau đó buộc nhà máy phải lắp hệ thống quan trắc tự động.

“Nói chung, đây là trường hợp đặc biệt nên sắp tới sẽ giám sát đặc biệt” - ông Thức nói.

THÔNG CHÍ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/vo-dap-bai-thai-nha-may-dap-so-2-o-lao-cai-da-canh-bao-xu-phat-su-co-van-xay-ra-629972.ldo