Vợ con cho kẻ bạc bẽo về nhà

Đi nhiều nơi, vui nhiều chỗ, kết quả là chẳng còn nơi nào để tá túc. May sao Khánh vẫn được vợ con cho về nhà tránh dịch.

Đứa con gái đầu 5 tuổi, bằng số năm Khánh bỏ nhà theo ả đàn bà lớn tuổi góa chồng. Con mình thì không chăm, lại tháp tùng, đón đưa con đàn cháu đống của họ. Mỗi khi có ai nhắc đến tên chồng, chị Minh chỉ muốn có thể túm lấy hắn mà cào cấu, cắn xé.

Ngày tháng rồi cũng qua, nỗi đau đã chai lỳ, vật lộn với miếng cơm manh áo khiến chị không còn thời gian nghĩ chuyện vẩn vơ. Trong tâm trí, chị xem anh không còn tồn tại. Vậy mà, mới hôm kia khi thấy thằng con trai lớn về nhà bỏ ăn, gặng hỏi nó mới nói: "Con thấy ba chống nạng ngồi bên đường". Chị im lặng, nhưng có một nỗi hả hê trong lòng: "đúng là nghiệp quật", mà nghiệp này đến nhanh hơn chị tưởng tượng rất nhiều.

Nhưng rồi chị lại khổ tâm khi con nằng nặc: "Cho ba về đi mẹ, đang dịch bệnh thế này, ông ấy lang thang con thấy không ổn". Chị Minh đã không còn xem anh là chồng, nhưng dù sao vẫn là bố của thằng Thanh và cái Nguyệt. Chúng đã từng căm hận người ấy rất nhiều, nhưng máu mủ tình thâm, may phước ông ấy lại có những đứa con hiếu thảo.

Chị tưởng rằng, sẽ không bao giờ có thể nhìn mặt anh (Ảnh minh họa)

Chị tưởng rằng, sẽ không bao giờ có thể nhìn mặt anh (Ảnh minh họa)

Những ngày tiếp theo cũng vậy, sự bình thản đến lạnh lùng của chị khiến anh thấy ngột ngạt. Anh muốn rời đi. "Anh muốn đi đâu, tôi chở đi", lời chị nói khiến Khánh giật mình. Anh sợ âm sắc trong từng lời nói của chị.Chuẩn bị tâm lý sẽ bị khinh thường, nhận vô vàn lời đay nghiến chì chiết từ vợ, nhưng điều đó đã không xảy ra, Khánh xấu hổ khi thấy chị nói con: "Ra mời ba vào ăn cơm". Đôi chân cà niễng vì tai nạn giao thông đi lại đã khó khăn, giờ thêm chút ngượng ngùng, bữa ăn đầu tiên sau bao lâu xa cách khiến mọi người lặng lẽ.

Ngày trước, chị đã xin anh đừng chạy theo những người đàn bà khác bằng giọng của kể yếu thế, phải xuống nước. Vậy mà sau chừng ấy năm, chị quả quyết, rành rọt nghe đến lạ. "Cô ấy đã không còn là như trước", anh nghĩ.

"Nếu em thấy khó chịu vì sự xuất hiện của anh, cứ để anh đi", anh soạn đồ để đi, nhưng thằng con đã về, nó giật chiếc ba lô trên tay anh trách móc: "Mẹ đã để cho con đón ba về, thế mà ba không hiểu nữa à". Khánh đứng đó, rối bời, vợ anh cũng bước đi, chỉ có con bé nhỏ là chạy tới cầm tay anh, lay lui lay tới.

Bao năm theo tiếng gọi của tự do, của ái tình, vợ con nào có nhờ cậy được gì ở Khánh. Giờ thân đã tàn, tiền đã kiệt, anh ái ngại khi thấy mình là gánh nặng cho vợ con.

"Tôi đang cần người làm gấp các loại hàng dán giấy này, anh có thể làm để có thêm thu nhập", chị nói, vẫn lạnh lùng, mở ra cho anh cái cớ để khỏi mặc cảm tự ti. Đó là công việc anh làm được, cũng là cách mẹ con chị mưu sinh bấy lâu nay. Cảm giác hổ thẹn và nỗi ân hận trào dâng khi chính anh cũng không nghĩ rằng mình có thể được chị cho cơ hội.

Các con đã mở vòng tay tha thứ, chị cũng không nỡ nào (Ảnh minh họa)

Chẳng còn mặt mũi để hứa hẹn thề thốt gì, anh tự nhủ: "Đời này mình mắc nợ vợ con đã nhiều, nhưng vẫn còn cơ hội để làm lại".

Nắng vẫn chiếu trên hiên nhà, tiếng cắt giấy vẫn vang lên rột roạt, con bé Nguyệt chạy lăng xăng, thỉnh thoáng cất lên tiếng: "Ba ơi, mẹ ơi".

Theo Lâm Hoàng (phunuonline.com.vn)

Nguồn Phụ nữ: https://phunu.nld.com.vn/chuyen-trang-phu-nu/vo-con-cho-ke-bac-beo-ve-nha-20200501185919347.htm