Võ cổ truyền Việt Nam khai triển đầu Xuân

Đầu xuân năm mới, những lễ hội về văn hóa, tâm linh được tổ chức trên khắp mọi miền của tổ quốc, trong đó, võ cổ truyền của dân tộc gần như là tiết mục không thể thiếu để đóng góp vào bức tranh tổng thể trong lễ hội văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Võ thuật là kĩ thuật hay phương thức dùng sức mạnh (nội lực, ngoại lực) để chiến thắng đối phương. Với tư cách là một nghệ thuật vận động sản sinh ra trong đấu tranh giữa con người với thiên nhiên (các loài thú dữ), con người với kẻ thù bên ngoài (địch thủ), và con người với kẻ thù bên trong chính bản thân anh ta (bệnh tật), võ thuật hướng đến mục tiêu đem lại cho con người sự chiến thắng trong các cuộc chiến, rèn luyện sức khỏe, và phục vụ một số nhu cầu cần thiết tùy thuộc vào từng bộ môn.

Trải theo thời gian, võ thuật hiện đại không còn nhấn mạnh vai trò chiến đấu và chiến thắng bằng mọi giá như trước, mà đã chú trọng hơn nhiều đến các mục tiêu khác như để rèn luyện sức khỏe, thực thi quyền tự vệ chính đáng khi hữu dụng. Một số môn phái được đưa ra thi đấu như những môn thể thao biểu diễn hoặc đối kháng với những điều luật khắt khe nghiêm cấm sử dụng các đòn đánh hiểm, độc.

Võ cổ truyền Việt Nam là di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, ra đời, tồn tại và phát triển song hành cùng cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Võ cổ truyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là những bài võ nhằm rèn luyện kỹ năng, thể chất của con người, nâng cao khả năng tự vệ, hướng tới sự hòa hợp về thể chất và tinh thần của con người mà thông qua việc tập luyện, Võ cổ truyền Việt Nam còn khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, tinh thần thượng võ và tính nhân văn của con người Việt Nam.

Võ cổ truyền Việt Nam hình thành và phát triển gắn liền với truyền thống lao động cần cù, tính hiếu học và tinh thần thượng võ của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của Lịch sử, Võ cổ truyền Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức và cách thức khác nhau, được truyền bá và lưu giữ từ đời này qua đời khác trong mỗi gia đình, dòng tộc cũng như các võ đường, lò võ trên các vùng miền của đất nước. Cũng qua những thăng trầm của sự phát triển đó, Võ cổ truyền Việt Nam đã thấm sâu vào máu thịt, vào tư tưởng, vào hành động của mọi người, trở thành một mảng văn hóa tinh thần đầy tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhân dân ta đã dùng võ để rèn luyện thân thể, nâng cao khả năng tự vệ, tôi luyện ý chí sắt đá và ứng dụng trong các trò chơi, lễ hội để tăng cường sự giao lưu trong cộng đồng.

Chính vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền, các võ sư, võ sinh của các môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam thường khai triển võ công, mang đậm bản sắc cổ truyền của dân tộc để phục vụ cho người dân vui Xuân – như gửi một lời chúc mừng năm mới mạnh khỏe và thành công đến tất cả mọi người.

Sau đây là những hình ảnh võ sinh thuộc môn phái Thiếu Lâm Hồng Gia Hà Châu biểu diễn trước đông đảo khán giả vào những ngày đầu của năm mới Kỷ Hợi 2019:

Đức Long

Nguồn NĐ&ĐS: http://baonhandao.vn/the-thao/vo-co-truyen-viet-nam-khai-trien-dau-xuan-18387