Vợ chủ tịch Interpol bị Trung Quốc bắt lên tiếng

Những phát ngôn của vợ ông Mạnh được xem là 'có chiến thuật' chu đáo nhằm vào chính phủ Trung Quốc.

Hãng tin CNN hôm 9-10 (giờ Mỹ) có cuộc phỏng vấn với vợ ông Mạnh Hoành Vĩ, Giám đốc Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế đã bị Trung Quốc (TQ) bắt giữ, điều tra tham nhũng ngay khi ông Mạnh còn đương nhiệm.

Thách thức chính quyền Trung Quốc

Cuộc phỏng vấn được CNN mô tả là “đầy nước mắt” diễn ra tại TP Lyon (Pháp), nơi ông Mạnh cùng vợ là bà Grace Meng sinh sống trước khi ông “mất tích” trong chuyến trở về TQ vào cuối tháng 9.

Bà Mạnh nói với CNN chồng mình trở thành nạn nhân của sự “cưỡng ép” chính trị, đồng thời bày tỏ lo lắng về sự an toàn của ông. Theo CNN, bà Mạnh đang làm một công việc khó ai ngờ, đó là công khai đấu tranh chống lại các nhà chức trách Bắc Kinh, điều xưa nay hiếm có thành viên gia đình quan chức cấp cao nào của TQ bị buộc tội thực hiện.

CNN cho biết bà Mạnh khẳng định sẽ thách thức chính phủ hùng mạnh TQ và đảng Cộng sản TQ vì quyền lợi của “tất cả trẻ em TQ, tất cả người vợ TQ, tất cả người mẹ TQ và cả những người làm cha ở TQ”. CNN mô tả bà Mạnh sử dụng những từ ngữ mạnh mẽ và chạm đến những cảm xúc từ tận đáy lòng. Thậm chí cuộc phỏng vấn đã bị gián đoạn nhiều lần vì bà Mạnh khóc khi kể về chồng và những người con của họ.

Cũng theo bà Mạnh, một số người bà mô tả là các nhà ngoại giao TQ đã liên tục gọi điện thoại yêu cầu gặp riêng bà. “Bà ấy xuất hiện như một người hùng bất đắc dĩ, buộc phải phản ứng trước tình cảnh mà bản thân bà cũng hoàn toàn không thể ngờ rằng đang phải đối diện” - CNN tường thuật.

Bà Mạnh (quay lưng lại) trong cuộc phỏng vấn với CNN. Ảnh: CNN

Bà Mạnh (quay lưng lại) trong cuộc phỏng vấn với CNN. Ảnh: CNN

Phát ngôn có tính chiến thuật

Kể với CNN, bà Mạnh bày tỏ sự lo lắng và sợ hãi khi bản thân và hai người con trai song sinh liên tục nhận được nhiều tin nhắn đe dọa từ người lạ. Không mấy ai nghi ngờ về tình cảm, sự xúc động của bà Mạnh đối với sự việc của chồng nhưng theo CNN, nhiều nhà quan sát cho rằng bà Mạnh am tường chính trị hơn những gì bà đang thể hiện.

Sự phản ứng rất đáng chú ý của bà Mạnh đối với việc chồng bị cơ quan chống tham nhũng của TQ bắt giam rõ ràng đang được dẫn dắt bởi một chiến lược được vạch ra một cách chu toàn. CNN dẫn ý kiến một số nhà quan sát TQ cho rằng bà Mạnh đang chọn lọc một cách có chiến thuật các tình tiết trong câu chuyện về chồng để công bố.

Ví dụ, bà Mạnh bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc tham nhũng của chính quyền TQ nhằm vào ông Mạnh, đồng thời gay gắt cho rằng cái gọi là “chống tham nhũng” ở TQ thật ra chỉ là một thuật ngữ “bị nhiễm độc”. Tuy nhiên, bà Mạnh đã không động chạm đến tên tuổi Chủ tịch TQ Tập Cận Bình, người khai sinh ra chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” đã bắt giam hơn 1,3 triệu quan chức từ địa phương đến trung ương kể từ khi ông nắm quyền từ năm 2012. Trong khi nhiều người ghi nhận nỗ lực loại bỏ tham nhũng trong hàng ngũ đảng Cộng sản TQ, nhiều ý kiến cho rằng ông Tập, lãnh đạo quyền lực nhất TQ trong nhiều thập niên qua, đã sử dụng chiến dịch chống tham nhũng mang màu sắc chính trị.

Ngoài ra, “bà Mạnh nhấn mạnh chồng bà đang có thể chất tốt và cường tráng trước khi rời Pháp. Ông ấy trông như một vận động viên bơi lội và điền kinh, được chứng nhận tình hình sức khỏe hoàn toàn tốt trong đợt kiểm tra thể chất mới đây” - CNN cho biết. Mặc dù không dùng bất kỳ từ ngữ nào liên quan đến vấn đề “tra tấn” khi bị tạm giam, các phát ngôn này của bà Mạnh rõ ràng nhằm vào các nhà điều tra đang giam giữ và tiếp xúc với ông Mạnh, chuyển đi thông điệp chống cực hình hay các biện pháp khắc nghiệt trong quá trình điều tra chồng.

Ông Mạnh có thật sự tham nhũng?

Bà Mạnh còn khẳng định giá trị đạo đức của chồng, mô tả ông Mạnh là một quan chức cảnh sát trong sạch và tận tụy, đã bắt đầu công việc bằng một nền tảng khiêm tốn và khao khát được trông thấy môi trường thượng tôn pháp luật tại TQ. Tuy nhiên, nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động trong lĩnh vực quyền con người ở TQ cho rằng một quan chức an ninh như ông Mạnh vốn không chỉ tồn tại mà còn phát triển sự nghiệp trong nhiều thập niên qua tại TQ, không giống một nạn nhân vô tội.

Khi ông Mạnh trở thành giám đốc Interpol vào năm 2016, theo CNN, nhiều người lo ngại ông sẽ biến cơ quan cảnh sát quyền lực hàng đầu thế giới trở thành một công cụ chính trị của Bắc Kinh. Dù vậy, nhiều nhà hoạt động cho rằng chính phủ TQ cần đối xử công bằng với ông Mạnh, không tước đoạt những quyền lợi hợp pháp của ông ấy ngay cả khi các cáo buộc về nhận hối lộ đối với ông Mạnh được chứng minh là có thật.

Ông Mạnh bị bắt như thế nào?

Bà Mạnh kể trước khi “biệt vô âm tín” vào cuối tháng 9, ông Mạnh gửi cho bà một tin nhắn “chờ tôi gọi lại” cùng biểu tượng con dao. Các nhà chức trách Interpol nhận được bức thư từ chức của ông Mạnh vào hôm Chủ nhật và sau đó một ngày, Ủy ban Giám sát quốc gia (NSC) thông báo đã bắt giam ông Mạnh, cũng là thứ trưởng Bộ Công an TQ, để điều tra tham nhũng. Ông Mạnh được cho là đang bị NSC áp dụng hình thức “lưu giữ”, một hình thức giam giữ được đánh giá là khắc nghiệt.

Trung Quốc nói gì về việc bà Mạnh bị đe dọa?

Phát biểu hôm 10-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Lục Khảng cho biết các quan chức lãnh sự quán nước này đã tìm cách liên lạc với bà Mạnh là điều hoàn toàn “tự nhiên”. Ông Lục nhấn mạnh: “Nếu vợ ông Mạnh là công dân TQ thì các cơ quan ngoại giao TQ sẽ liên lạc với bà ấy. Mọi chính phủ đều làm vậy”. Ông Lục cũng cho biết ông không nắm được thông tin về việc bà Mạnh bị đe dọa qua điện thoại.

THÙY ANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/quoc-te/vo-chu-tich-interpol-bi-trung-quoc-bat-len-tieng-797236.html