Vợ chồng Thủ tướng Israel tiếp tục bị thẩm vấn

Gần 1 tháng nữa (13-11) các công tố viên và luật sư của Đệ nhất phu nhân sẽ gặp nhau để thu hẹp bất đồng nhằm giải quyết vụ sử dụng sai công quỹ của bà Sara Netanyahu. Nhưng đây gần như là 'nhiệm vụ bất khả thi' bởi trong khi các công tố viên muốn Đệ nhất phu nhân nhận tội, nhưng các luật sư của bà Sara Netanyahu cương quyết bác bỏ.

Và điều này đồng nghĩa với việc những tranh cãi xung quanh cáo buộc gian lận công quỹ của bà Sara Netanyahu - bị nghi ngờ sử dụng hơn 100.000 USD tiền công quỹ (diễn ra trong giai đoạn 2010-2013) để chi cho hàng trăm bữa ăn của Đệ nhất phu nhân sẽ rơi vào bế tắc.

Vợ chồng Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Mấy ngày trước (7-10), bà Sara Netanyahu đã ra tòa để dự phiên điều trần đầu tiên sau khi bị cáo buộc sử dụng sai công quỹ, do các công tố viên đưa ra hồi tháng 6-2018. Theo cáo buộc của các công tố viên, Đệ nhất phu nhân và 1 quan chức chính phủ đã sử dụng sai mục đích hơn 100.000 USD - chi cho hàng trăm bữa ăn tại nhà hàng, trong khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu có đầu bếp riêng phục vụ tại dinh thự. Hơn 1 năm trước (tháng 9-2017), Bộ Tư pháp từng thông báo, Bộ trưởng Avichai Mandelblit từng cân nhắc kết tội bà Sara Netanyahu vì tình nghi sử dụng sai công quỹ.

Theo hãng Reuters, bà Sara Netanyahu đã phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng không đưa ra bình luận nào trước các câu hỏi của phóng viên có mặt tại phòng xử án. Nếu bị buộc tội, Đệ nhất phu nhân phải đối mặt với mức án lên tới 5 năm tù.

Theo các công tố viên, Đệ nhất phu nhân biết pháp luật cấm dinh thự thủ tướng không được phép gọi đồ ăn từ bên ngoài bởi họ có đầu bếp riêng, nhưng cố tình bỏ qua việc này. Theo giới luật sư, phiên điều trần hôm 7-10 chủ yếu giải quyết các vấn đề thủ tục, mọi việc sẽ được quyết định sau cuộc gặp giữa các công tố viên với luật sư của bà Sara Netanyahu diễn ra vào ngày 13-11.

Các luật sư của bà Sara Netanyahu từng gọi bản cáo trạng chống lại thân chủ là lố bịch. "Không có gian lận, bội tín hay bất kỳ hành vi phạm tội nào ở đây cả. Phu nhân của Thủ tướng, người không phải là công chức nhà nước, không hề biết các quy định và thủ tục và đã trả lời một cách trung thực các câu hỏi trong một bài kiểm tra nói dối", nhóm luật sư nhấn mạnh.

Hơn 1 tháng trước (31-8), tờ The Times of Israel từng đưa tin, bà Sara Netanyahu bị tình nghi nhận hối lộ từ tập đoàn viễn thông Bezeq. Và trước khi bà Sara Netanyahu phải xuất hiện tại phiên điều trần hôm 7-10, ngày 5-10, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng phải trải qua vòng thẩm vấn thứ 12, liên quan tới một số vụ việc có dấu hiệu sai phạm và có nguy cơ khiến ông phải từ chức.

Tại cuộc thẩm vấn hôm 5-10, các nhà điều tra chủ yếu tập trung làm rõ vai trò của ông Benjamin Netanyahu trong các vụ việc liên quan tới tập đoàn viễn thông Bezeq và cổ đông lớn nhất của tập đoàn này là ông Shaul Elovitch. Gần 2 tháng trước (17-8), cảnh sát từng thẩm vấn Thủ tướng Benjamin Netanyahu tại nhà riêng ở Jerusalem về cáo buộc tham nhũng liên quan đến tập đoàn viễn thông Bezeq.

Trước đó (10-7), ông Benjamin Netanyahu đã bị cảnh sát thẩm vấn xung quanh cáo buộc tham nhũng liên quan đến tập đoàn này. Theo giới truyền thông, Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông qua các chính sách ưu đãi có thể giúp tập đoàn viễn thông Bezeq kiếm được 280 triệu USD, sau khi ông Shaul Elovitch đưa tin tích cực về người đứng đầu chính phủ Israel trên trang tin tức Walla.

Trước đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu từng bị cáo buộc mua chuộc chủ sở hữu tờ báo hàng đầu Israel Yediot Aharonot để đăng những nội dung có lợi cho ông. Gần 8 tháng trước (18-2), ông Shlomo Filber, nguyên là lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông, phụ tá thân cận và là đồng minh của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hơn 20 năm đã quyết định ra làm chứng xung quanh cáo buộc tham nhũng tại tập đoàn viễn thông Bezeq.

Được biết, ông Shlomo Filber nằm trong số 2 phụ tá thân cận của ông Benjamin Netanyahu và 5 quan chức điều hành cấp cao của tập đoàn viễn thông Bezeq bị cảnh sát bắt hôm 18-2. Có người cho rằng, việc làm chứng của ông Shlomo Filber có thể đe dọa tới sinh mệnh chính trị của ông Benjamin Netanyahu.

Ngoài những cáo buộc kể trên, ông Benjamin Netanyahu còn bị thẩm vấn về thương vụ mua 3 tàu ngầm của Đức, cùng 2 vụ việc với cáo buộc tham nhũng, lừa đảo và bội tín. Thủ tướng Benjamin Netanyahu còn phải đối mặt với cáo buộc nhận các món đồ xa xỉ như trang sức, xì gà và rượu có trị giá lên tới 285.000 USD.

Theo giới truyền thông, cuộc điều tra mang tên "Case 3000" liên quan đến thương vụ mua bán tàu ngầm trị giá 2 tỷ USD giữa tập đoàn đóng tàu ThyssenKrupp Marine Systems của Đức với Israel. Trước đó, cảnh sát đã bắt 6 người để thẩm vấn xung quanh nghi án tham nhũng trong thỏa thuận mua tàu ngầm cho Hải quân Israel từ tập đoàn ThyssenKrupp.

Thiện Lân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/vo-chong-thu-tuong-israel-tiep-tuc-bi-tham-van-514791/