Vợ chồng không đăng ký kết hôn, ly hôn thế nào?

*Bạn đọc hỏi: Nguyễn Thị Hoài, trú P.Tam Thuận (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi và chồng tôi chung sống với nhau từ năm 1995 nhưng không đăng ký kết hôn (ĐKKH) và đã có 2 cháu. Trong quá trình chung sống, hai vợ chồng có tạo lập được một khối tài sản là nhà và đất tại TP Đà Nẵng. Nay hai vợ chồng mâu thuẫn, không thể chung sống được với nhau nên tôi muốn ly hôn thì vấn đề về con cái và tài sản chung sẽ được giải quyết như thế nào?

*Luật sư Phạm Văn Thanh - Phó trưởng Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên danh tại TP Đà Nẵng, trả lời: Thứ nhất, về quan hệ hôn nhân, theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 3-1-2001 của TAND tối cao, Viện KSND tối cao và Bộ Tư pháp, trường hợp nam nữ chung sống với nhau từ ngày 3-1-1987 đến trước ngày 1-1-2001 thì họ có thời gian 2 năm (từ 1-1-2001 đến 1-1-2003) để thực hiện thủ tục ĐKKH, nếu quá thời gian này mà không ĐKKH sẽ không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng hợp pháp. Như vậy, bạn và chồng chung sống với nhau từ năm 1995 và đến nay vẫn không ĐKKH nên khi bạn nộp đơn ly hôn, tòa án sẽ không giải quyết ly hôn. Thứ hai, về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái: theo quy định tại Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HN&GĐ), dù nam nữ chung sống với nhau không được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng quan hệ giữa họ với con cái vẫn được pháp luật bảo vệ, họ vẫn có quyền cũng như trách nhiệm đối với các con của mình như: chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con... Do đó, khi nộp đơn ly hôn, tòa án vẫn giải quyết quyền nuôi con và cấp dưỡng cho con theo quy định. Nếu các bên không thỏa thuận được, tòa án sẽ căn cứ vào điều kiện nuôi con của các bên mà quyết định giao con cho ai và yêu cầu người còn lại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Thứ ba, về quan hệ tài sản: theo quy định tại Điều 16 Luật HN&GĐ, trong quá trình chung sống, giữa nam và nữ có tạo lập những tài sản chung với nhau thì về mặt nguyên tắc pháp luật đều ưu tiên giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Nếu các bên không tự thỏa thuận được, việc giải quyết sẽ được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Cụ thể: tài sản riêng của ai sẽ thuộc sở hữu của người đó, còn tài sản chung sẽ được phân chia theo công sức đóng góp của các bên. Tuy nhiên, việc giải quyết phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, con và công việc nội trợ, công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Phạm và Liên Danh tại TP Đà Nẵng. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3572456; 0903573138

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_230296_vo-chong-khong-dang-ky-ket-hon-ly-hon-the-nao-.aspx