Vợ chồng A Phủ lên sân khấu bắt 'khách' du lịch

Được chuyển thể từ truyện Vợ chồng A Phủ nổi tiếng của nhà văn Tô Hoài, vở diễn ca múa nhạc Mỵ ra đời với thời lượng gần 2 tiếng, nhằm quảng bá tới khách du lịch văn hóa Việt Nam.

“Mỵ” được chuyển thể từ tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài

5 tháng ròng rã hoàn thành Mỵ

Tác phẩm được chia thành 3 phần gồm: Lời yêu trên đỉnh núi, Con ma nhà Thống Lý và Chạy đi để vẽ nên bức tranh đặc trưng nhất về văn hóa dân tộc Mông, cũng như cho thấy những phẩm chất cao đẹp, sức sống mãnh liệt và khát vọng tự do cháy bỏng của những người con nơi núi rừng Tây Bắc. Dù vậy, mang tính quảng bá du lịch nên Mỵ không thiên quá nhiều về tâm lý mà chủ yếu muốn khơi gợi ra không gian văn hóa của vùng cao Tây Bắc, với những sinh hoạt đời thường và tâm tư tình cảm của các chàng trai, cô gái Mông thông qua hai nhân vật chính là Mỵ và A Phủ. Hủ tục cướp vợ, các tục lệ của người Mông cũng sẽ được tái hiện qua các trường đoạn ở nhà Thống Lý hay cuộc đối đầu giữa A Phủ và A Sử. Những điều này chủ yếu thể hiện trong chương 1 của tác phẩm gốc.

Nghệ sĩ Tuyết Minh, Tổng đạo diễn vở diễn chia sẻ, để thực hiện được vở diễn này, chị đã mất nhiều ngày cất công đi tìm các nghệ nhân người Mông về dạy và hướng dẫn cho diễn viên cách múa, cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống để làm nên những làn điệu nhạc. Khoảng 80 diễn viên của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tham gia vở cùng ê-kíp dàn dựng đã phải tập luyện ròng rã suốt 5 tháng trời, chỉnh lại nhiều lần mới ra được một vở diễn ưng ý.

Để tái hiện không khí văn hóa đậm nét của người Mông, chị quyết định không sử dụng nhạc điện tử mà dùng trực tiếp nhạc sống, mang những nhạc cụ đặc trưng của người Mông như dao, thớt, đàn môi, khèn lá, chảo thắng cố… lên sân khấu, sắp xếp và điều chỉnh để biểu diễn thành những giai điệu, đưa khán giả vào không gian văn hóa của người Mông. Riêng phần âm nhạc của vở đã quy tụ sự góp sức của những nhạc sĩ đình đám như: Lê Minh Sơn, Mạnh Tiến, Minh Đức, Mai Kiên…

Nhiều loại hình múa dân gian được sử dụng trong vở diễn như: Múa khèn, múa ô, múa giao duyên… Trong một số trường đoạn có sử dụng thêm múa đương đại. Cùng đó, một số động tác nhào lộn, đu dây cũng được đưa vào vở dưới sự tư vấn của những nghệ sĩ xiếc. Theo biên đạo múa Tuyết Minh, chị muốn có những phá cách nhất định trong bài múa dân tộc vì thời đại ngày nay, nghệ thuật luôn phải mới mẻ mới tiếp cận được công chúng hiện đại.

Tiếp cận khán giả trẻ và khách du lịch

Do muốn mở rộng đối tượng khán giả, vở diễn được dàn dựng mang hơi hướng đương đại để phù hợp với nhiều khán giả trẻ và cả khách du lịch. Phụ trách thiết kế trang phục cho các diễn viên trong vở diễn, nhà thiết kế Hoàng Tùng tâm sự, anh mất một tháng chỉ để chỉnh sửa bản mẫu. Mọi công đoạn làm trang phục tỉ mỉ trong từng khâu từ in lại hoa văn của người Mông, phác thảo vẽ tay rồi in lên vải thiết kế. Anh cho biết, đây là tác phẩm kinh điển nhưng đạo diễn lại muốn dàn dựng theo hơi hướng đương đại nên trang phục cũng phải hợp thời trang, gây hứng thú với khán giả trẻ. Phục trang không được diêm dúa, không lòe loẹt mà phải thực sự mộc.

Do đó, nhà thiết kế Hoàng Tùng phải chỉ thiết kế sao cho nhìn vào, người ta dễ nhận thấy đây là trang phục của người Mông, còn những đường cắt, form áo và chất liệu có chút phá cách để diễn viên dễ cử động, hợp với tính cách từng nhân vật trong từng thời điểm khác nhau. Đối với trang phục nam thì thông qua màu sắc, hoa văn và kiểu dáng trang phục, khán giả sẽ dễ nhận ra 2 mẫu nhân vật phản diện và chính diện.

“Vở có yếu tố giải trí nên tôi không muốn đánh đố khán giả, không muốn họ mất thời gian suy ngẫm ai là người tốt, ai là người xấu. Điều đó sẽ thể hiện rõ nét thông qua trang phục. Điều tôi hướng tới là trang phục phải thời trang. Có những bộ trang phục tôi phối tới 5 chất liệu để tạo được ấn tượng”, nhà thiết kế Hoàng Tùng chia sẻ.

Mỵ là vở diễn đặt hàng của Bộ VH, TT&DL với kinh phí lên đến 3 tỷ đồng. Số kinh phí này có một phần từ nguồn xã hội hóa. Vở diễn đã tạo dấu ấn khi lần đầu công diễn trong Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc vào tháng 6/2018 Cao Bằng. Tác phẩm đoạt 2 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và đoạt giải Chương trình ấn tượng nhất.

Theo kế hoạch, vở Mỵ bắt đầu công diễn từ 26/9 đến cuối năm 2018, vở diễn sẽ có khoảng 10 suất diễn nguyên vở với thời lượng hơn 2 tiếng. Sang năm 2019, vở sẽ được cắt ngắn thời lượng khoảng 30 phút để diễn cho khách du lịch khi kết hợp trong tour tham quan Nhà hát Lớn Hà Nội. Những phân đoạn như hút thuốc phiện, ca hát dài dòng sẽ được gọt bớt.

Ông Nguyễn Thành Nam, đại diện nhà sản xuất chương trình bộc bạch, 10 buổi diễn đầu mang tính chất quảng bá cho khán giả Thủ đô nên không đặt nặng chuyện bán vé. Còn lại, ban tổ chức sẽ cân nhắc đưa ra các mức vé phù hợp nhất với khách nước ngoài, để có thể thu hút nhiều khán giả tới xem. “Ngoài việc thể hiện bằng hình thức sân khấu, nhà sản xuất sẽ có phần thuyết minh bằng tiếng nước ngoài để khách quốc tế có thể vừa cảm nhận được cái hồn, văn hóa của dân tộc mà vẫn có thể hiểu được nội dung vở diễn”, ông Nam cho hay.

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/vo-chong-a-phu-len-san-khau-bat-khach-du-lich-d272084.html