Vợ chém chết kẻ sát hại chồng mình: Đã khởi tố vụ án giết người

Cho rằng có dấu hiệu của tội phạm trong việc vụ vợ chém chết kẻ trộm đã sát hại chồng mình, Công an tỉnh Long An đã khởi tố vụ án 'Giết người' để điều tra làm rõ.

Ngày 13/3, Công an tỉnh Long An tổ chức họp báo về việc đã ra quyết định khởi tố vụ án Giết người tại xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc.

Theo đó, rạng sáng 11/3, anh Võ Tấn Hội (38 tuổi) cùng vợ là chị Nguyễn Thị Thúy Hằng (31 tuổi) ngủ trong phòng riêng. Bất ngờ, anh chị nghe tiếng động lạ phía sau bếp nên anh Hội ngồi dậy bật đèn, bước xuống kiểm tra.

Lúc này, Trung đã đột nhập vào trong nhà, núp sát vào cánh cửa, tay cầm hung khí. Khi anh Hội đi tới gần, gã liền vung dao chém liên tục vào người anh Hội khiến nạn nhân chết tại chỗ.

Trung tiếp tục chạy lên phòng ngủ cầm dao khống chế chị Hằng để lấy tài sản.

Lợi dụng lúc kẻ cướp sơ hở, chị Hằng vùng chạy thoát, đối tượng Trung cầm dao đuổi theo, gây thương tích chị Hằng. Trong lúc hoảng loạn, chị Hằng chụp được con dao quơ lại phía sau. Đối tượng Trung đang lao tới, bất ngờ bị trúng nhát dao của chị Hằng và tử vong sau đó.

Đại tá Cầu tại buổi họp báo. Ảnh: Tuổi trẻ

Đại tá Cầu tại buổi họp báo. Ảnh: Tuổi trẻ

Tại buổi họp báo, Đại tá Phạm Hữu Châu, Phó giám đốc Công an Long An cho biết, bước đầu chị Hằng khai lúc Trung tấn công có hỏi "vàng vòng để đâu?", còn thực hư thế nào còn phải tiếp tục điều tra.

"Trung bị giết có phải án không? Hành vi của chị Hằng là cố ý gây thương tích hay phòng vệ chính đáng thì công an đang tiếp tục làm rõ", đại tá Châu thông tin

Trước thông tin Công an Long An khởi tố vụ án giết người để điều tra, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, việc khởi tố là cần thiết và phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành. “Trong quá trình điều tra, nếu xét hành vi của chị Hằng là phòng vệ chính đáng thì cơ quan điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án”, luật sư Anh nói.

Bình luận về quy định này, luật sư Anh chia sẻ, theo khoản 1 (Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015) quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”.

Như vậy hành vi được xem là phòng vệ chính đáng phải có đủ các điều kiện sau đây: Hành vi đó phải nhằm bảo vệ các lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác; Các lợi ích đó phải còn đang bị xâm hại; Là hành vi chống trả ở mức độ cần thiết.

“Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như:

Mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ... Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ”, luật sư Anh bình luận

Nguyễn Hằng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/vo-chem-chet-ke-sat-hai-chong-minh-da-khoi-to-vu-an-giet-nguoi-20190313185447804.htm