Vở cải lương 'Thầy Ba Đợi': Sống lại một trang sử bi hùng

Sau 3 đêm diễn thành công tại TP Hồ Chí Minh và Long An, vở cải lương 'Thầy Ba Đợi' vừa có 2 đêm diễn tại Nhà hát Lớn, Hà Nội vào tối 27 và 28/5. Nhiều nghệ sĩ và những người yêu nghệ thuật cải lương có chung nhận định rằng: 'Thầy Ba Đợi' là cú hích giúp cải lương định hướng thay đổi để bước vào giai đoạn mới.

Cảnh trong vở diễn “Thầy Ba Đợi”. Ảnh: Thành Công.

Ngày 28/4, vở diễn “Thầy Ba Đợi” với sự góp mặt của hơn 60 nghệ sĩ của 3 miền cùng thể hiện như một mốc son chào mừng “Một thế kỷ sân khấu Cải lương Việt Nam (1918-2018)”. Vở diễn đánh dấu sự trở lại của cải lương với “diện mạo mới, phong cách mới” được các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cùng sự tham gia của dàn nghệ sĩ gạo cội một thời vang bóng như: NSƯT Thanh Tuấn, NSƯT Hùng Minh, NSND Vương Hà, NSƯT Lê Tứ, NSƯT Hữu Quốc, NSƯT Quế Trân… và thế hệ nghệ sĩ trẻ như: Trần Quang Khải, Võ Minh Lâm…

“Thầy Ba Đợi” dẫn khán giả vào câu chuyện lịch sử năm 1888. Vua Hàm Nghi trước khi bị Pháp đày sang châu Phi đã trao sứ mệnh gìn giữ nhã nhạc cung đình Huế cho nhạc sư Nguyễn Quang Đại. Nhạc sư Nguyễn Quang Đại theo phong trào Cần Vương vào Nam. Trên hành trình rong ruổi chông gai, phải trốn tránh sự truy sát của thực dân và bọn tay sai, ông được Ái Hoa - con gái của Tổng đốc Đại Phong (một viên quan tay sai) cứu giúp và đưa về dinh phủ ẩn náu. Mối tình của hai người chớm nở chưa được bao lâu đã phải chia xa do thân phận của nhạc sư Quang Đại bị bại lộ bởi công tử Hiến. Ái Hoa buộc lòng chấp nhận về làm vợ công tử Hiến ngông cuồng để bảo vệ người yêu, để rồi gánh chịu nỗi đắng cay, bạc mệnh kiếp hồng nhan.

Thoát nạn nhờ sự hi sinh của người yêu, nhạc sư Nguyễn Quang Đại trôi dạt về Cần Đước, Long An và miệt mài với công việc truyền bá âm nhạc, từng bước “dân dã hóa” nhã nhạc cung đình Huế, kết hợp với dân ca Nam Bộ, sáng tác, cải biên, hệ thống hóa để tạo thành âm nhạc tài tử, tiền thân của cải lương. Cho đến tận lúc cuối đời, khi hơi thở đã tàn, sức đã kiệt, ông vẫn ôm đàn miệt mài với sự nghiệp gìn giữ “hồn cốt” của dân tộc. Đồng thời, thông qua việc truyền dạy âm nhạc của cha ông, nhạc sư Nguyễn Quang Đại cũng truyền bá lòng yêu nước từ tình yêu với nghệ thuật của cha ông cho thế hệ học trò.

Vở “Thầy Ba Đợi” có 3 thông điệp lớn: Quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương; Phản ánh một giai đoạn lịch sử của đất nước với những thăng trầm; Số phận của những con người kiên trung một lòng vì nước và cả của những kẻ làm tay sai cho giặc đàn áp nhân dân.

Tác giả kịch bản văn học - TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Cách đây hơn 1 năm, những nghệ sĩ 2 miền Nam - Bắc đã họp nhau lại và đi đến quyết định phải làm điều gì đó để kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương Việt Nam. Đây là một ý tưởng hay, nghiêm túc và có trách nhiệm với nghệ thuật truyền thống nước nhà. Chính bởi những tấm lòng trắc ẩn với di sản của cha ông nên vở cải lương “Thầy Ba Đợi” đã ra đời. Với những yếu tố mới mẻ được đưa vào “Thầy Ba Đợi”, nhiều yếu tố kịch nói đã được đưa vào sân khấu cải lương, cả dân ca 3 miền, quan họ, ca Huế, dân ca Nam Bộ, kết hợp với sân khấu 3D và màn hình led, ánh sáng lazer được đạo diễn khéo léo xử lý, đưa vào vở diễn mà không hề gây phảm cảm, lại tạo được nét mới cho vở diễn, giúp cho câu chuyện lịch sử cải lương trở nên mới mẻ, gần gũi với công chúng hiện đại, với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của người dân hiện nay”.

Tác giả kịch bản chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt nhận định: “Với những thành công của “Thầy Ba Đợi” chúng ta đều nhận thấy rằng cải lương cần phải thay đổi để phù hợp với những thay đổi của xã hội, để đến gần hơn với khán giả, nhất là khán giả trẻ.

“Thầy Ba Đợi” chính là cú hích vào những người làm cải lương, đặc biệt là những bạn trẻ để họ thay đổi và tìm kiếm cơ hội phát triển. Chúng ta cần mạnh dạn thể nghiệm những sáng tạo mới, có thể phải mất thêm nhiều thời gian những nếu chúng ta bắt đầu ngay từ bây giờ thì cải lương sẽ có cơ hội phát triển trong lương lai. Đồng thời, “Thầy Ba Đợi” đã đánh thức được tình yêu mà lâu nay đã bị nguội lạnh, phai nhạt, lãng quên của khán giả đối với cải lương. Để họ thấy lại những giá trị lớn lao của một loại hình nghệ thuật truyền thống hấp dẫn và vẫn đang không ngừng thay đổi để phù hợp với thời đại.

Vũ Thanh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/vo-cai-luong-thay-ba-doi-song-lai-mot-trang-su-bi-hung-tintuc405788