Vợ bất lực nhìn chồng… 'chờ chết'

Vướng căn bệnh liệt cơ khí quản nguy hiểm, hơn 6 tháng qua, anh Nguyễn Văn Trải (43 tuổi, tổ 1, ấp Phúc Hậu, xã Phú Thọ, Phú Tân) sống bằng máy thở ở Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang. Hiện nay, gia đình anh đã kiệt quệ về kinh tế, người vợ bị kiệt sức chỉ biết nhìn người chồng… 'chờ ngày chết'.

Chị Cẩm Thi chăm lo cho anh Nguyễn Văn Trải

Chứng bệnh liệt sơ khí quản của anh Nguyễn Văn Trải bộc phát từ năm 2017. Lúc đó không tiền chữa trị nên anh quên bẵng, hàng ngày lao động kiếm tiền lo cho vợ và con gái đang bị bệnh động kinh từ trước đó. Vừa qua, con trai Nguyễn Trọng Phúc (19 tuổi) bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy chân. Dù người gây tai nạn bồi thường 20 triệu đồng, nhưng “cánh tay” của gia đình coi như bị mất. Trong lúc vợ chồng lo chữa trị cho con, bệnh liệt cơ khí quản của anh Trải tái phát với cấp độ số nhân rồi nằm liệt.

“Nếu như lần trước bị đau cơ, anh Trải còn ăn uống, nói chuyện được chút ít thì nay coi như bị liệt hết phần hàm. Lúc đầu, gia đình còn lo được chút ít tiền viện phí, sau đó mọi chuyện phó thác cho bệnh viện. Biết gia đình tôi nghèo, các anh chị ở đây tận tình hướng dẫn, chỉ cách về địa phương để bệnh viện làm thủ tục hỗ trợ và giúp đỡ. Hiện nay, chứng bệnh của chồng tôi đã cầm cự đến hơn 6 tháng, không biết kéo dài được bao lâu. Bác sĩ nói căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng thầy thuốc ở đây sẽ tận tâm, tận sức cố giành lại mạng sống cho người bệnh. Trước đây, anh Trải còn ấm ức khóc, nay thì ánh mắt đờ đẫn, mờ đục và bất động” - chị Phan Thị Cẩm Thi (42 tuổi, vợ anh Trải) mếu máo cho biết. “Chị Thi như người mất hồn, thường nói trước quên sau. Hỏi ra mới biết chị đã có tiền sử động kinh, thường tái phát và nay cơ thể kiệt sức, chưa biết ngã quỵ lúc nào. Có nhiều bữa đi xin cơm, chị còn quên đi về phòng. Thấy hoàn cảnh của chị nhiều người ở đây đã giúp đỡ, khi hỗ trợ về tiền, lúc cho thức ăn, nước uống” - chị Lê Thị Thắm (một người nuôi bệnh ở chung phòng) chia sẻ thêm với chúng tôi.

Bà Trần Thị Năm (năm nay 61 tuổi, hàng xóm của vợ chồng anh Trải) than thở: “Ở đây không ít người gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng với trường hợp của gia đình chú Trải, cô Thi là “họa vô đơn chí”. Bà con ở đây có giúp đỡ được chút ít, muốn giúp nhiều cũng không có khả năng. Đến nay, gia đình của bệnh nhân đã kiệt quệ, cô Thi đã kiệt sức, không biết chịu đựng được bao lâu”.

Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo xã Phú Thọ Phạm Văn Búa chia sẻ: “Là hộ nghèo nhưng cả nhà cùng một lúc bị bệnh tật bao vây như gia đình anh Trải quả là bi đát. Bà con ở đây biết chuyện ai cũng thương nhưng hỗ trợ, giúp đỡ được phần nào, còn gia đình 2 bên đều khó khăn, nên kiếm số tiền lớn là không thể. Căn bệnh của anh Trải đã thêm nặng, mọi chuyện chỉ trông nhờ vào người vợ, trong khi người này đã kiệt sức. Nhiều người thấy tình cảnh không ngăn được dòng nước mắt”.

Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi - bệnh nhân nghèo huyện Phú Tân Lê Thị Kim Linh chia sẻ: “Từ khi bị bệnh, gia đình anh Nguyễn Văn Trải đã chạy vạy khắp nơi để vay mượn tiền chữa trị. Hiện nay, chứng bệnh ngặt nghèo của anh Trải cần số tiền lớn để chữa trị nhưng gia đình không thể lo được. Chúng tôi tiếp tục vận động, kêu gọi bà con, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho bệnh nhân. Rất mong tới đây sẽ có nhiều sự giúp đỡ cho anh Nguyễn Văn Trải vượt qua nghịch cảnh”.

Bài, ảnh: NGUYỄN RẠNG

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/vo-bat-luc-nhin-chong-cho-chet--a262110.html