'Vợ ba': Kiếp vợ lẽ đầy trắc trở của phụ nữ Việt thế kỷ 19

Kể về chế độ đa thê nhưng không tập trung chuyện những bà vợ tranh đoạt, Vợ ba chứa đựng nhiều góc nhìn nữ tính, nhân văn ẩn trong các vấn đề lễ giáo, quan niệm cũ một thời ở các gia đình Bắc bộ thế kỷ 19.

Vợ ba kể về cuộc đời của Mây (Nguyễn Phương Trà My), cô gái phải sống đời thê thiếp với người đàn ông đứng tuổi. Cô học lễ giáo và chuyện gia đình từ người vợ cả tên Hà (Trần Nữ Yên Khê đóng) và vợ hai - Xuân (Maya đóng). Khi mang thai, Mây bị cuốn vào vòng xoáy toan tính quyền lực trong gia đình cũng như những uẩn ức khi ham muốn cá nhân không được toại nguyện. Mọi chuyện càng trở nên phức tạp khi Mây rung động với Xuân - người vợ hai trong gia đình. Phim có sự tham gia của các diễn viên như NSND Như Quỳnh, Lê Vũ Long, Thanh Mỹ, Mai Cát Vi…

Lấy cảm hứng từ những câu chuyện, nhân vật có thật ở đời thực, Vợ ba được đạo diễn Ash Mayfair đưa lên màn ảnh với lối kể đậm đặc sự nữ tính và nhân văn. Nhân vật chính trong phim là người vợ ba tên Mây nhưng thông điệp về đời sống phụ nữ ở nông thôn Việt Nam vào những thế kỷ trước được dàn đều cho các diễn viên, đặc biệt là hai bà vợ lớn. Ba người phụ nữ trong gia đình của ông chồng trung niên khá giả (Lê Vũ Long đóng) đại diện cho các thế hệ nối tiếp nhau phải chịu đựng những bất cập của xã hội cũ, phải gò ép bản thân sống trong sự kìm kẹp của các hủ tục, lễ giáo, không được nói lên và đáp ứng mong muốn cá nhân. Họ có nhiều điểm chung: về nhà chồng từ lúc còn ở tuổi niên thiếu, bị ép buộc phải trưởng thành trước tuổi, phải gạt bỏ những ham muốn cá nhân để trở thành người của gia đình, sống vì gia đình. Những phụ nữ sống trong cùng một ngôi nhà ấy có những cách phản ứng, kháng cự khác nhau trước thực tại. Nhưng cuối cùng, họ gần như đều chạm vào vạch đích giống nhau.

Dàn diễn viên nữ gồm Nguyễn Phương Trà My, Trần Nữ Yên Khê, Maya, NSND Như Quỳnh và Mai Cát Vi là điểm sáng trong phim. Tất cả như đều được “đo ni đóng giày” cho từng nhân vật. Nếu ở “vợ cả” Trần Nữ Yên Khê là sự mực thước, nhã nhặn và truyền thống, “vợ ba” Trà My hồn nhiên, ngây thơ thì “vợ hai” Maya lại xuất hiện với đam mê mãnh liệt cùng chút nổi loạn được bọc gói kỹ càng trong vẻ ngoài dịu dàng. Sự va chạm giữa ba nhân vật này tạo nên nhiều giao thoa, cộng hưởng, thậm chí cả đối lập, khiến người xem nảy lên nhiều suy nghĩ phản biện khi xem phim.

Trong khi đó, diễn viên nhí Mai Cát Vi (từng được biết đến với vai con gái Ngô Thanh Vân trong Hai Phượng) thể hiện vai cô con gái đầy sinh động, là chìa khóa mở ra nhiều nút thắt trong câu chuyện chính. Với nhiều năm kinh nghiệm, NSND Như Quỳnh lột tả chân thực hình tượng người phụ nữ làm công trong gia đình khá giả khi xưa với sự mộc mạc, giản dị và chu đáo.

Cảnh nóng trong Vợ ba cũng là điểm nhấn của tác phẩm. Không giống như phần lớn phim trong nước thường tiết chế tối đa khi miêu tả chuyện chăn gối của người xưa, phim của Ash Mayfair đả động trực diện tới các vấn đề tình dục. Nhiều góc máy vừa đủ táo bạo nhưng không dung tục khiến các nút thắt tâm lý của phim trở nên tương hỗ, bổ trợ cho nhau và tạo nên câu chuyện cảm xúc liền mạch và nhiều cao trào cho các nhân vật. Những hình ảnh ẩn dụ về tình dục thân thuộc với đời sống, đầy nữ tính cũng được lồng ghép khéo léo, khiến phim có những điểm thi vị nhất định, không tạo cảm giác lạm dụng quá đà các cảnh nhạy cảm.

Đề tài đồng tính cũng được lồng ghép khéo léo cùng những tương tác mang tính tượng hình cao từ các nhân vật cũng khiến tác phẩm có thêm những góc nhìn hiện đại hơn, dù bối cảnh là thời xưa.

Để đặc tả đời sống của người xưa ở nông thôn Việt Nam, đặc biệt ở miền Bắc, đạo diễn cũng đưa vào tác phẩm nhiều yếu tố truyền thống. Đó có thể là tập tục húp trứng khi “động phòng” hay những điều kiêng kỵ thường thấy với phụ nữ mỗi khi cúng lễ. Thiên nhiên là yếu tố chủ đạo và được sử dụng xuyên suốt phim. Việc sử dụng ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa trong các cảnh quay cả ngày lẫn đêm. Các làn điệu dân ca, chi tiết trên trang phục của diễn viên cũng như bài trí các gian phòng trong ngôi nhà của người xưa cũng được chăm chút cẩn thận, càng giúp tạo ra không khí nghệ thuật cho phần lớn cảnh quay.

Đề tài về số phận người phụ nữ khi xưa và nông thôn Việt Nam vốn không mới. Tuy vậy, đến Vợ ba, Ash Mayfair đem lại cho khán giả cái nhìn mới mẻ, cập nhật hơn, động chạm vào nhiều bức xúc trong xã hội xưa-nay, ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Bộ phim là bức tranh đẹp về thiên nhiên, làng quê Việt Nam, đồng thời cũng mang nhiều câu hỏi thời sự đến người xem của thời hiện đại.

Trước khi ra mắt khán giả trong nước, tác phẩm của nữ đạo diễn Ash Mayfair (Nguyễn Phương Anh) tạo ra nhiều tiếng vang ở các sự kiện điện ảnh quốc tế uy tín. Phim thắng giải của NETPAC - tổ chức phát triển điện ảnh châu Á gồm 29 quốc gia thành viên - ở Liên hoan phim Toronto (Canada); giải “TVE-Another Look” tại Liên hoan phim San-Sebastian (Tây Ban Nha) và Phim xuất sắc ở hạng mục tác phẩm quốc tế tại Liên hoan phim Kolkata International (Ấn Độ). Trên trang phê bình Rotten Tomatoes, Vợ ba cũng nhận được 100% đánh giá tích cực.

Thùy Linh

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/vo-ba-kiep-vo-le-day-trac-tro-cua-phu-nu-viet-the-ky-19-1082384.html