VnSAT giúp phát huy hiệu quả công trình, đem lợi ích cho nông dân và HTX

Nhiều năm qua dự án VnSAT đã giúp cho hàng ngàn nông dân và HTX ở ĐBSCL có thêm nguồn lực trong canh tác lúa góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

 Áp dụng kỹ thuật “giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” giúp nông dân giảm chi phí tăng lợi nhuận trên 30%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Áp dụng kỹ thuật “giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” giúp nông dân giảm chi phí tăng lợi nhuận trên 30%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nông dân có động lực canh tác lúa

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV TP Cần Thơ cho biết: Dự án VnSAT Cần Thơ được thực hiện tại 4 địa phương trọng điểm trồng lúa là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và quận Thốt Nốt, gồm 21 xã, với tổng diện tích thực hiện 38.863 ha và 32.231 hộ nông dân tham gia.

Xây dựng vùng thực hiện dự án VnSAT quy mô diện tích lớn đã giúp nông dân trồng lúa gia tăng 30% lợi nhuận thông qua áp dụng các quy trình kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, còn giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc giảm lượng nước, giảm lượng phân bón và thuốc BVTV trong quá trình canh tác lúa gạo. Tăng cường năng lực thể chế phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Theo bà Hiếu, nhờ dự án VnSAT, TP Cần Thơ có thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian qua. Kết quả đạt được của dự án mang lại đáng ghi nhận. Cụ thể đã xây dựng được 31 HTX, mức độ áp dụng tiến bộ kỹ thuật trên 80% kế hoạch. Đã có 12 HTX được tham vấn hỗ trợ hạ tầng, thiết bị với tổng số hỗ trợ: 13 trạm bơm điện, phục vụ tưới tiêu cho 4.380 ha. Còn nhà kho chứa lúa: Gồm 5 kho với tổng sức chứa 5.200 tấn/vụ mùa, 5 nhà bao che lò sấy cho 8 lò sấy với công suất 40 tấn/mẻ. Tổng cộng đã kéo 7.062 m đường dây điện trung thế và 17 trạm biến áp phục vụ điện cho trạm bơm tưới tiêu, sấy lúa và dân sinh.

Nhờ dự án VnSAT nông dân ĐBSCL có thêm nguồn lực SX góp phần tái cơ cấu nông nghiệp thành công Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đẩy mạnh đầu tư dự án công trình

Tại An Giang, thời gian qua VnSAT đã giúp nhiều nông dân được hưởng lợi. Cụ thể bà con được nâng cao trình độ tập huấn “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” từ đó giảm chi phí và tăng lợi nhuận trên 30% diện tích canh tác so với sản xuất truyền thống trước đó. Còn HTX thụ hưởng từ chương trình VnSAT tài trợ cơ sở vật chất như nhà kho chứa lúa, lò sấy, trạm biến áp, hệ thống bơm tưới tiêu, cầu, đường nông thôn nội đồng…

VnSAT hỗ trợ lò sấy lúa cho HTX Hiếu Bình, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ với công suất 40 tấn/mẻ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT An Giang cho biết: VnSAT An Giang triển khai tại 45 xã thuộc 5 huyện: Châu Phú, Thoại Sơn, Tịnh Biên, An Phú và Tri Tôn với đối tượng là 26.000 hộ nông dân trên địa bàn, diện tích 38.600 ha. Mục tiêu của VnSAT An Giang là hết năm 2020 toàn vùng dự án có 17.000 ha áp dụng thành công các giải pháp canh tác tiên tiến, 5.600 ha canh tác có liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó tăng thu nhập cho người trồng lúa lên 30%.

Tính đến hết quý III năm 2020, số người hưởng lợi là 88.321 người đạt 116% mục tiêu dự án. Trong vụ Đông Xuân 2019-2020 diện tích áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững được 19.334 ha, đạt 113%, diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” được 17.884 ha đạt 210%, diện tích hợp đồng sản xuất tiêu thụ sản phẩm là 6.037 ha, đạt 108% và lợi nhuận tăng 22,3% so với bên ngoài, đạt 74,3%. Nhìn chung, các hoạt động đều được thực hiện đúng theo tiến độ triển khai và sẽ hoàn thành khi dự án kết thúc.

Theo ông Phả, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn đến tháng 6/2022. Trong thời gian tới, An Giang vẫn triển khai các hoạt động nâng cao năng lực cho nông dân và HTX, tổ hợp tác để giữ vững và phát huy kết quả đạt được cùng với tập trung xây dựng và hoàn thành các tiểu dự án đầu tư công hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ trên các địa bàn trọng điểm.

Trong quý IV năm 2020, VnSAT An Giang tiếp tục triển khai 10 lớp tập huấn hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân về nhân giống lúa xác nhận, kỹ thuật luân canh cây trồng và tận dụng phụ phế phẩm lúa gạo, tổ chức 9 cuộc hội thảo truyền thông cho những nông dân mới tham gia dự án và khó tham dự các lớp tập huấn nhiều ngày, 2 cuộc tham quan học tập kinh nghiệm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản ở các tỉnh bạn, hoàn thành 2 tiểu dự án đợt 2 và các hoạt động khác để giải ngân theo đúng kế hoạch năm 2020.

Về đầu tư công, VnSAT An Giang đã tham mưu cho Sở NN-PTNT có công văn đề xuất 6 tiểu dự án ở 2 huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên, có qui mô liên vùng và gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến. Tổng kinh phí dự kiến là 96,7 tỷ đồng. Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết vùng sản xuất lúa gạo bền vững khu vực xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tổng mức đầu tư 13,8 tỷ đồng.

Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết vùng sản xuất lúa gạo bền vững khu vực xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn, tổng mức đầu tư 13,5 tỷ đồng. Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết vùng sản xuất lúa gạo bền vững khu vực xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tổng mức đầu tư 28,2 tỷ đồng.

VnSAT hỗ trợ nhà kho cho các HTX ở 8 tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết vùng sản xuất lúa gạo bền vững khu vực xã Núi Voi - Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tổng mức đầu tư 13,8 tỷ đồng. Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết vùng sản xuất lúa gạo bền vững khu vực xã Núi Voi - Tân Lập - Tân Lợi - An Hảo, huyện Tịnh Biên, tổng mức đầu tư 13,6 tỷ đồng. Tiểu dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ liên kết vùng sản xuất lúa gạo bền vững khu vực xã Núi Voi - Tân Lợi - An Hảo, huyện Tịnh Biên, tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng.

Trong thời gian gia hạn 2021- 6/2022 VnSAT An Giang có kế hoạch tổ chức 16 lớp tập huấn và 10 điểm trình diễn “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, 17 lớp hỗ trợ kỹ thuật và 10 điểm trình diễn về nhân giống lúa xác nhận, kỹ thuật luân canh cây trồng, tận dụng phế phẩm lúa gạo và sản xuất lúa theo hướng VietGAP – SRP, 2 lớp đào tạo và quản lý HTX nhằm nâng cao năng lực cho HTX tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp có thể kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Để tăng giá trị và giúp nông sản An Giang, đặc biệt là lúa gạo vượt qua các rào cản kỹ thuật trên thị trường thế giới, song song đó UBND tỉnh An Giang đã đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm phân tích chất lượng gạo cho Trung tâm kỹ thuật - Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, thuộc Sở NN-PTNT An Giang với kinh phí khoảng 27 tỷ đồng. Nếu được thông qua và thực hiện, dự án sẽ tạo ra bước đột phát mới cho ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL thích ứng tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.

Nâng cao tay nghề sản xuất lúa

Ông Nguyễn Ngọc Hè, GĐ Sở NN-PTNT TP. Cần Thơ cho biết: Cần Thơ là một trong 4 tỉnh/thành phố có quy mô sản xuất lúa đứng đầu khu vực ĐBSCL với diện tích đất nông nghiệp 114.621 ha. Hàng năm diện tích trồng lúa của toàn thành phố trên 220.000 ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn, đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của TP Cần Thơ. Riêng năm 2019, diện tích sản xuất 225.143 ha, sản lượng lúa đạt 1.365.923 tấn. Trong đó, trên 80% lúa chất lượng cao, đặc biệt là các giống lúa thơm đặc sản như Jasmine 85, VD20.

Thời gian qua VnSAT đã tập huấn cho nông dân tại địa phương các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và SRP, ứng dụng các thành tựu mới vào trong sản xuất nông nghiệp như công nghệ sinh thái, sản xuất lúa ứng dụng các sản phẩm hữu cơ, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP... đã đem lại hiệu quả to lớn về mặt bảo vệ môi trường, hạn chế suy thoái, ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước.

GIA PHÚ

LÊ HOÀNG VŨ - ĐÀO TRUNG CHÁNH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vnsat-giup-phat-huy-hieu-qua-cong-trinh-dem-loi-ich-cho-nong-dan-va-htx-d277323.html