VNPT: Những mục tiêu để trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam

Với định hướng chiến lược là trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030, năm qua VNPT đã tập xây dựng thiết lập hạ tầng số và xây dựng các nền tảng số có phạm vi ứng dụng ở tầm quốc gia.

Tham gia vào việc chuyển đổi quốc gia số

Năm 2018, Tập đoàn VNPT đã chuyển mình mạnh mẽ khi tận dụng lợi thế về hạ tầng, hệ sinh thái khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông để phát triển và ứng dụng các sản phẩm CNTT ở nhiều lĩnh vực như chính phủ điện tử, y tế, giáo dục, đô thị thông minh, du lịch thông minh.

Đến tháng 12.2018, bộ sản phẩm Chính phủ điện tử của VNPT đã hiện diện tại 51 tỉnh/thành phố. VNPT đã phát triển thành công giải pháp Trục liên thông văn bản quốc gia, sử dụng công nghệ X-Road. Ví dụ, phần mềm VNPT-iOffice tăng thêm 74% số cơ quan cấp tỉnh, 67% cơ quan cấp huyện và 20% cơ quan cấp xã sử dụng. Hay phần mềm quản lý bệnh viện VNPT-HIS hiện có 7.300 cơ sở y tế sử dụng, chiếm 53% thị phần. Ở lĩnh vực Giáo dục thông minh, giải pháp VnEdu đã có 12.000 trường học sử dụng, cung cấp 3,3 triệu sổ liên lạc điện tử với gần 6 triệu hồ sơ học sinh cùng hơn 650.000 giáo viên sử dụng trên khắp 63 tỉnh/thành phố trên cả nước...

Không dừng ở đó, trong giai đoạn tới, VNPT tiếp tục hoàn thiện khung kiến trúc số cho các tổ chức và xây dựng nền tảng CSDL mở trên cơ sở tích hợp, chuẩn hóa và chia sẻ các nguồn dữ liệu đa dạng, phong phú đã được hình thành tại các đơn vị. VNPT sẽ phân tích và chủ động đề xuất với một số địa phương, bộ ngành có điều kiện phù hợp, xây dựng các mô hình chuẩn cho việc thực hiện chuyển đổi số tại các địa phương cũng như trao đổi kinh nghiệp, chia sẻ và hợp tác với các Tập đoàn kinh tế trọng điểm (EVN, Petrolimex, VICEM…) để cùng thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số.

Theo Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế số là quá lớn và không bị hạn chế, đủ cho mọi người tham gia. Vấn đề quan trọng nhất là có sản phẩm tốt hay không, được thị trường chấp nhận hay không. “Tôi thấy cơ hội với các doanh nghiệp viễn thông công nghệ thông tin bây giờ là vô cùng lớn. Chưa bao giờ lớn như bây giờ. Sự phát triển về công nghệ cho phép chúng ta làm điều đó. Cơ hội này đủ lớn cho tất cả các doanh nghiệp ", Tổng giám đốc VNPT nhận định.

Không ngừng làm chủ công nghệ cốt lõi

Trước làn sóng CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, VNPT đã sớm bắt tay vào nghiên cứu các công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng này. VNPT đã tập trung vào xây dựng nhiều bài toán về công nghệ 4.0, cụ thể như: bài toán AI về thị giác (Vision), công nghệ nhận dạng quang (AI/OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, dữ liệu lớn BigData... VNPT đã tự thiết lập, hợp tác với các công ty công nghệ lớn trên thế giới để xây dựng các Lab nghiên cứu về AI, Blockchain, IoT, Cyber Security, điện toán đám mây. Hiện VNPT đã làm chủ được công nghệ và đang tập trung phát triển các ứng dụng, giải pháp cụ thể phù hợp với nhu cầu thực tế tại Việt Nam. Một số ứng dụng tiêu biểu như nhận dạng hướng dẫn viên du lịch giả, đo đếm phương tiện giao thông, ứng dụng số hóa tài liệu, văn bản trong các cơ quan, tổ chức,...

VNPT cũng đang ứng dụng các công nghệ để đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong nội bộ Tập đoàn và áp dụng vào các sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Điều đó làm cho các sản phẩm CNTT của VNPT trở nên thông minh hơn và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Đối với hạ tầng ICT, VNPT đang đẩy mạnh cập nhật công nghệ, nâng cao năng lực mạng lưới và tiến tới ảo hóa hạ tầng. Trong đó, việc ảo hóa cả hạ tầng kết nối và hạ tầng IDC chính là cơ sở để VNPT không chỉ tối ưu hóa doanh thu - chi phí mà còn tạo ra sự linh hoạt trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Đây cũng là nền tảng để đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hơn 39 triệu thuê bao điện thoại và Internet băng rộng cùng các dịch vụ IT cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương...

Năm 2019, VNPT sẽ tập trung đẩy nhanh việc nghiên cứu, triển khai các công nghệ 4.0 cốt lõi. Theo đó, VNPT sẽ cung cấp ra thị trường dịch vụ nền tảng tương tác số dựa trên công nghệ thực tại ảo, thực tại tăng cường (AVR), nhằm đưa công nghệ AVR trở nên phổ thông và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. VNPT cũng sẽ tập trung xây dựng và phát triển hệ sinh thái số thông minh (Innovative Digital Ecosystem) dựa trên các công nghệ cốt lõi như AI, BigData, BlockChain, Cloud, Cyber Security,... Trái tim của hệ sinh thái này là cơ sở dữ liệu lớn mà VNPT đang nắm giữ. Đây là một nền tảng mở để VNPT cung cấp cho các doanh nghiệp bên thứ 3 có thể sử dụng thông qua API/SDK để cung cấp cho khách hàng.

Bên cạnh đó, VNPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái IoT; hoàn thiện bộ giải pháp Chính phủ điện tử; mở rộng triển khai các giải pháp nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh và du lịch thông minh… để hướng tới mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam vào năm 2025, đồng thời là trung tâm giao dịch số của châu Á vào năm 2030.

Nguồn: VNPT

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/vnpt-nhung-muc-tieu-de-tro-thanh-nha-cung-cap-dich-vu-so-hang-dau-viet-nam-1044051.html