VNPT 3.0: Sẽ chuyển dịch mạnh mẽ từ viễn thông sang CNTT

Khi thị trường viễn thông trở nên bão hòa, tăng trưởng doanh thu trở nên hết sức khó khăn, các doanh nghiệp viễn thông buộc phải chuyển dịch sang các lĩnh vực mới nếu muốn phát triển. VNPT cũng không nằm ngoài xu hướng đó và cụm từ VNPT 3.0 đã được nhắc tới.

Thị trường viễn thông không còn “màu mỡ”

Nếu như cách đây 5 năm, thị trường viễn thông vẫn là lĩnh vực màu mỡ để các doanh nghiệp viễn thông tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận thì nay mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi.

Thị trường viễn thông đã trở nên bão hòa, để tăng thị phần và giữ được mức tăng trưởng doanh thu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong lĩnh vực di dộng, không ít lần các ông lớn viễn thông than rằng, phát triển thuê bao mới ngày càng khó do đã cán ngưỡng bão hòa.

Phát triển thuê bao di động đang chững lại.

Theo số liệu mới nhất của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, trong 3 tháng (từ tháng 6-8/206), tổng số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng tại Việt Nam có xu hướng giảm dần. Nếu trong tháng 8/2016, tổng số thuê bao di động có phát sinh lưu lượng tại Việt Nam là hơn 125 triệu thuê bao, thì đã ít hơn so với tháng 7/2016 khoảng 1,7 triệu thuê bao và ít hơn tháng 6/2016 tới 2 triệu thuê bao. Cho dù vậy, con số này vẫn gần gấp rưỡi so với tổng dân số Việt Nam. Điều đó đủ để cho thấy thời kỳ tăng trưởng nóng của thị trường di động đã không còn nữa.

Thị trường băng rộng cũng không khả quan hơn.

Trong khi đó, lĩnh vực điện thoại cố định và băng rộng cũng không mấy khả qua hơn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 9/2016, thuê bao điện thoại cố định đạt 5,8 triệu, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Thị trường Internet băng rộng cũng đã chững lại. Theo số liệu của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, tháng 7/2016, thuê bao băng rộng toàn quốc là 11,558 triệu thuê bao thì tháng 8/2016, thuê bao băng rộng có 11,525 triệu thuê bao.

Trước tình thế đó, thậm chí các nhà mạng đã “gác lại” chiến lược tăng tốc phát triển thuê bao, thay vào đó là tăng các dịch vụ chăm sóc và giữ chân thuê bao. Điển hình là VNPT, Tập đoàn này đã chọn năm 2016 là năm “Chất lượng vì khách hàng”. Với phương châm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, VNPT đã nỗ lực mọi mặt để thực hiện mục tiêu là nhà mạng được khách hàng đánh giá có chất lượng dịch vụ tốt nhất, chất lượng chăm sóc khách hàng tốt nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng chất lượng để giữ chân khách hàng, để tăng trưởng, các doanh nghiệp viễn thông buộc phải chuyển dịch sang các lĩnh vực mới. Hai hướng được các nhà doanh nghiệp viễn thông lựa chọn chính là đầu tư ra nước ngoài và chuyển dịch sang lĩnh vực công nghệ thông tin.

Chuyển hướng để tăng trưởng

Là doanh nghiệp viễn thông, CNTT hàng đầu tại Việt Nam, VNPT cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch khi Tập đoàn này đã đẩy mạnh cả hai mũi chiến lược - “tiến quân” ra thị trường nước ngoài và CNTT.

Trước xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang lĩnh vực CNTT, cụm từ “VNPT 3.0” đã được lãnh đạo VNPT nhắc tới trong một vài cuộc họp gần đây.

Trước sự chuyển dịch mạnh mẽ này, cụm từ "VNPT 3.0" đã được nhắc tới.

“VNPT đang chuyển hướng sang công nghệ ICT, chuyển sang làm chủ về mặt IT mà chúng tôi gọi là VNPT 3.0. Chiến lược VNPT chuyển hướng toàn bộ sang điện toán đám mây, big data, phân tích dữ liệu, IoT, smart city…”, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT Trần Mạnh Hùng chia sẻ tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác với trường Đại học Bách Khoa Hà Nội ngày 3/10.

Lĩnh vực công nghệ thông tin đang được coi là “miền đất hứa” để các doanh nghiệp viễn thông khai thác. Đây là lĩnh vực rất rộng mở, không bị bó hẹp và giới hạn. Đặc biệt, việc làm chủ được công nghệ phần cứng và phần mềm trong lĩnh vực này sẽ trở thành “vũ khí” cạnh tranh mạnh mẽ để các doanh nghiệp viễn thông bứt phá. Đây cũng chính là một trong những mục tiêu chiến lược VNPT đang nhắm tới để đi tắt đón đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Nguồn XHTT: http://xahoithongtin.com.vn/vien-thong-cntt/201610/vnpt-30-se-chuyen-dich-manh-me-tu-vien-thong-sang-cntt-544942/