VNIX - hạ tầng số để thúc đẩy chuyển đổi số Việt Nam

Bên cạnh những đóng góp về thúc đẩy kết nối, Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX là nhân tố quan trọng trong phát triển dịch vụ, triển khai các công nghệ mới để xây dựng Internet ở Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số.

Việc xây dựng thành công và phát triển hệ thống VNIX đã góp phần giải quyết một số vấn đề kết nối, đảm bảo cho Internet Việt Nam phát triển ổn định; kết nối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại nhiều điểm; dự phòng ứng cứu khi các doanh nghiệp có sự cố; tăng chất lượng dịch vụ, giảm chi phí kết nối, giá thành dịch vụ.

IXP - tương lai của Internet tốc độ cao

IXP là điểm trung chuyển Internet kết nối ngang hàng các mạng độc lập (ASN) với nhau. Các thành viên chỉ cần 1 đường kết nối đến điểm IXP (kết nối đa phương - multilateral peering) là dễ dàng kết nối đến nhiều mạng khác. Cũng tại IXP, các thành viên có thể tự thỏa thuận với nhau để tạo các kết nối riêng (kết nối song phương - private peering/bilateral peering) để trao đổi lưu lượng, hoặc chuyển tiếp các lưu lượng riêng trên cơ sở thỏa thuận.

 IXP là thành phần quan trọng hệ sinh thái Internet toàn cầu

IXP là thành phần quan trọng hệ sinh thái Internet toàn cầu

Trên thế giới, hiện có khoảng 676 điểm kết nối IX đang hoạt động. Các IX được triển khai tại nhiều địa điểm (khu vực, quốc gia, vùng...) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển Internet, giúp giải quyết các vấn đề kết nối thuận tiện hơn, thúc đẩy trao đổi nội dung trong nước/khu vực, tăng cường chất lượng dịch vụ, giảm chi phí kết nối quốc tế/liên vùng... Theo thống kê các khu vực địa lý, châu Âu có 250 IXP, châu Á đứng thứ hai với 145 IXP, tiếp đến là Bắc Mỹ (122), Mỹ La tinh (102), châu Phi (57). Trong khu vực Đông Nam Á, hiện có 26 điểm IXP. Lào và Brunei hiện chưa thành lập IX.

Với phạm vi phát triển mở rộng và toàn diện, IXP cho phép người dùng tận dụng các tuyến đường định tuyến với độ trễ thấp, đáp ứng các yêu cầu dịch vụ chất lượng cao. Ngoài ra, IXP đóng một phần quan trọng trong giảm chi phí tổng thể cho nhà cung cấp dịch vụ và người dùng cuối.

Đại diện Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) khẳng định, với các yêu cầu phát triển, IXP sẽ tiếp tục đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển và cải thiện chất lượng mạng cả ở các vùng, khu vực, quốc gia… Thông qua IXP, các mạng định tuyến lưu lượng hiệu quả hơn, đạt được độ trễ thấp hơn, giảm chi phí cũng như tăng phạm vi tiếp cận. IXP trở thành nền tảng hạ tầng cho một hệ sinh thái số và ứng dụng toàn cầu tương lai.

Phát triển Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX

Ở Việt Nam, từ đầu những năm 2000, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Trạm trung chuyển lưu lượng Internet quốc gia VNIX, do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) trực tiếp quản lý và vận hành, hoạt động theo nguyên tắc trung lập, phi lợi nhuận. Theo đó, việc xây dựng thành công và phát triển hệ thống VNIX đã góp phần giải quyết một số vấn đề kết nối, đảm bảo cho Internet Việt Nam phát triển ổn định; kết nối các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tại nhiều điểm, dự phòng ứng cứu khi kết nối của các tổ chức, doanh nghiêp có sự cố; tăng chất lượng dịch vụ, giảm chi phí kết nối, giá thành dịch vụ.

Bên cạnh những đóng góp về thúc đẩy kết nối, VNIX là nhân tố quan trọng trong việc phát triển dịch vụ, triển khai các công nghệ mới trong phát triển Internet ở Việt Nam, đặc biệt là ứng dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6. VNIX là mạng đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ song song IPv4 và IPv6. Trên hạ tầng kết nối VNIX, hệ thống mạng IPv6 đã được VNNIC xây dựng để hỗ trợ các đơn vị, tổ chức doanh nghiệp kết nối thử nghiệm, dần chuyển đổi IPv6, góp phần hình thành mạng IPv6 Quốc gia.

Đến năm 2019, VNIX tiếp tục được mở rộng phạm vi hoạt động, cho phép tất cả các mạng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (ISP, ICP, IDC, Cloud, mạng của Chính phủ, cơ quan nhà nước…) có số hiệu mạng (ASN) độc lập và IP do VNNIC cấp phát quản lý được đấu nối VNIX. Loại hình kết nối cũng được mở rộng, bao gồm cả kết nối đa phương và kết nối song phương ngay tại VNIX.

Mô hình VNIX

VNIX thúc đẩy phát triển nền tảng số, hệ sinh thái số

Bước vào kỷ nguyên số với những cơ hội và thách thức, Việt Nam coi chuyển đổi số là một động lực ưu tiên trong phát triển để trở thành một quốc gia số phồn vinh, hùng cường. Trong đó, nền tảng số (digital platform) là nhân tố trung tâm của nền kinh tế số. Nền tảng số được hiểu là tập hợp các tài nguyên kỹ thuật số, cho phép người dùng và nhà sản xuất tương tác với nhau.

Tại Việt Nam, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia hướng tới mục tiêu kép là: vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu. Một số mục tiêu cơ bản đến năm 2025 là: 80% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ công việc tại cấp bộ, tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước)….

Triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, cùng với cuộc cách mạng 4.0, các đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực xây dựng hệ sinh thái số. Hiện nay, Việt Nam đang có tỷ lệ người dùng Internet chiếm hơn 60% dân số. Trung bình mỗi người dùng sử dụng Internet trong nước lên đến 7 giờ/ngày. Đây chính là minh chứng cho thấy Internet đang phục vụ rất nhiều hoạt động của người dùng trong nước. Và để phục vụ được trọn vẹn mọi nhu cầu, một hệ sinh thái số hoàn chỉnh cần được hình thành.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của Bộ Thông tin và Truyền thông là phát triển các nền tảng số "Make in Việt Nam", để tạo ra các trụ cột lớn trong chuyển đổi số, đảm bảo bảo mật thông tin, dữ liệu của người Việt. Hiện nay, một vài nền tảng số “Make in Vietnam” nổi bật như: nền tảng tuyển dụng Vietnamworks, nền tảng thanh toán trực tuyến VNPay, Momo…

Đại diện VNNIC khẳng định, hạ tầng số có vai trò đặc biệt quan trọng trong chuyển đổi số, là nền tảng cơ bản cho phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong hạ tầng số, các hạ tầng kết nối tựa “mạch máu giao thông”, quyết định sự thành công trong chiến lược về chuyển đổi số này. Trong kế hoạch lớn đó, hệ thống VNIX sẽ là thành phần quan trọng của hạ tầng số Việt Nam. Với việc mở rộng phạm vi hoạt động năm 2019 đến các nhóm đối tượng là tất cả các mạng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (các doanh nghiệp cung cấp Internet, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trực tuyến, nội dung trực tuyến, các mạng của chính phủ, cơ quan nhà nước...), VNIX là hạ tầng số thúc đẩy phát triển nền tảng số, hệ sinh thái số.

Trong những năm qua, hệ thống VNIX đã có sự tăng trưởng ngoạn mục, góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet Việt Nam. Việc mở rộng đối tượng và hình thức kết nối đã giúp kết quả tăng trưởng thành viên năm 2020 tăng gấp 5 lần so với những năm trước đó. Tính đến hết năm 2020, số lượng thành viên đạt 29 thành viên kết nối, băng thông đạt 364 Gbps tăng 38%.

Thành viên và băng thông kết nối VNIX

Đại diện VNNIC bày tỏ: “VNNIC tin tưởng rằng bên cạnh quản lý phát triển tài nguyên Internet Việt Nam, hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet quan trọng quốc gia VNIX sẽ tiếp tục đồng hành, phát huy vai trò tích cực của mình trong sự phát triển chung của hoạt động mạng, dịch vụ Internet Việt Nam và góp phần đắc lực vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia, giúp Việt Nam bước vững chắc vào kỷ nguyên số”.

Phương Dung

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vnix-ha-tang-so-de-thuc-day-chuyen-doi-so-viet-nam-742891.html