VnIndex về mốc tham chiếu, CEO 'nằm sàn' sau thông báo lùi thời hạn thông qua Luật đặc khu?

Áp lực bán mạnh cuối phiên đã khiến VnIndex đánh mất đà tăng, giảm 6 điểm từ 1.045 điểm về mức 1.039,02. Đáng chú ý cổ phiếu CEO của ông Đoàn Văn Bình tiếp tục chịu áp lực xả hàng, rơi vào tình trạng giảm sàn và trắng bên mua, dư bán tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch là hơn 7,9 triệu cổ phiếu sau thông tin Quốc hội lùi thời hạn thông qua dự thảo Luật Đặc khu.

VnIndex bị “thổi bay” về mốc tham chiếu

Phiên giao dịch sáng 11.6, sau nhịp lao mạnh ít phút đầu phiên khiến VnIndex có thời điểm mất tới 10 điểm. TTCK Việt Nam chứng kiến dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, giúp thị trường đảo chiều trở lại, trong đó VnIndex có lúc leo lên ngưỡng 1.045 điểm.

Với việc dòng tiền chảy mạnh, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ có những đột phá trong phiên chiều, giúp VnIndex có phiên tăng điểm thứ 8 liên tiếp và chinh phục các ngưỡng kháng cự cao hơn.

Song khi gặp ngưỡng kháng cự 1.045 điểm, áp lực bán đã diễn ra ồ ạt, đẩy chỉ số VnIndex thoái lui và lùi về đúng mốc tham chiếu ở thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 11.6.

VnIndex về mốc tham chiếu 1.039 điểm sau khi đã tăng lên 1.045 điểm trong phiên giao dịch ngày 11.6 (Ảnh: I.T)

Kết thúc phiên giao dịch, VnIndex về mốc tham chiếu 1.039 điểm. Trong khi đó HNX-Index giảm tới 1,4 điểm (1,17%), xuống 118,45 điểm với 66 mã tăng và 90 mã giảm. Còn Upcom-Index chìm trong sắc đỏ. Giá trị khớp lệnh tăng so với phiên trước, đạt 4.800 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Giao dịch khối ngoại cũng không ủng hộ xu hướng thị trường khi họ bán ròng khoảng 200 tỷ đồng.

Sắc xanh tại một vài cổ phiếu vốn hóa lớn như VJC, VRE, TCB, VPB, SSI, MWG, HSG, ROS…đã giúp thị trường không giảm mạnh. Còn hai “cổ phiếu họ Vin” là VIC, VHM cũng đã không còn sắc đỏ khi cổ phiếu VIC tăng nhẹ 0,1% lên 124.300 đồng/cổ phiếu, còn cổ phiếu VHM đứng ở mức giá tham chiếu 120.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi đó, đà tăng của VNM đã hãm lại khi chỉ còn tăng 1,17%, lên 180.100 đồng và các mã khác đồng loạt giảm. Cụ thể, VCB giảm 1,17%, xuống 59.000 đồng, GAS giảm 0,31%, xuống 97.200 đồng, SAB giảm 0,82%, xuống 243.000 đồng, BID giảm 1,59%, xuống 31.000 đồng, CTG giảm 1,75%, xuống 28.050 đồng và HPG giảm 1,14%, xuống 60.600 đồng. Trong đó, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất sàn với 7,22 triệu đơn vị được khớp.

Nhóm ngân hàng dù giao dịch khá bùng nổ nhưng hầu hết các cổ phiếu như ACB, MBB… đều giảm điểm.

Ở nhóm chứng khoán, những cổ phiếu như SSI, HCM, VCI vẫn giữ được đà tăng, dù không quá mạnh.

Cổ phiếu CEO “nằm sàn” vì lùi thời hạn thông qua Luật đặc khu?

Sáng ngày 9.6, thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết: Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Trong phiên giao dịch ngày 11.6, cổ phiếu CEO trở thành cái tên đáng chú ý nhất trên TTCK Việt Nam khi rơi vào tình trạng giảm sàn, trắng bên mua ngay từ thời điểm đầu phiên giao dịch. Dư bán sàn ở thời điểm gần cuối phiên giao dịch sáng 11.6 lên tới gần 5 triệu cổ phiếu. Theo đó, áp lực bán CEO đến từ thông tin Quốc hội tạm hoãn thông qua Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

Tới chiều 11.6, cổ phiếu CEO tiếp tục chịu áp lực xả hàng mạnh mẽ và cổ phiếu này tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch vẫn còn dư bán 7,9 triệu cổ phiếu.

Số lệnh đặt bán cổ phiếu CEO trong phiên giao dịch ngày 11.6 lên tới 860 lệnh cùng khối lượng đặt bán là 8.192.000 đơn vị. Khối lượng đặt bán trung bình một lệnh bán lên tới 9.526 đơn vị.

Phú Quốc chính là thị trường trọng yếu, đóng góp rất lớn trong sự thành công của Tập đoàn CEO năm 2017 (Ảnh minh họa)

Trước đó, tại tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Tập đoàn CEO tổ chức vào cuối tháng 3.2018, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn cho biết thời điểm năm 2014, Tập đoàn CEO đã lấy Phú Quốc làm điểm tựa địa bàn chiến lược, điểm tựa sản phẩm, điểm tựa truyền thông và đã thành công với điểm tựa này.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về điểm nhấn chiến lược nhằm đạt được mục tiêu trong năm 2018, cũng như mục tiêu thách thức đến năm 2021, khi Tập đoàn CEO tròn 20 tuổi, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO nhấn mạnh: “Đặc khu, đặc khu và đặc khu”.

Tập đoàn CEO là 1 trong 3 nhà đầu tư lớn nhất tại Phú Quốc với tổ hợp khu nghỉ dưỡng Sonasea Villas & Resort (Ảnh minh họa)

Phú Quốc chính là thị trường trọng yếu, đóng góp rất lớn trong sự thành công của Tập đoàn CEO năm 2017 với các chỉ số tích cực: tổng doanh thu hợp nhất là 1.874 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 406 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế là 321 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2017 đạt mục tiêu 10%.

Trong đó, doanh thu và dòng tiền cơ bản đến từ Phú Quốc với 750 phòng khách sạn 5 sao Novotel Phú Quốc Resort cũng như Novotel Villas được đưa vào sử dụng, giai đoạn 1 của khu phố đi bộ Sonasea Shopping Center cũng đi vào vận hành, trở thành một trong những địa điểm "nhất định phải ghé thăm khi đến Phú Quốc".

Ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn CEO (Ảnh: I.T)

"Năm 2018, Tập đoàn CEO tiếp tục lấy đặc khu làm địa bàn chiến lược và lấy sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng để tiếp tục khẳng định thương hiệu và uy tín của Tập đoàn trên thị trường. Điểm nhấn chính là chỗ đó. Đặc khu, đặc khu và đặc khu!", ông Đoàn Văn Bình nhấn mạnh.

Theo tính toán, Phú Quốc chính là thị trường trọng yếu, đóng góp rất lớn trong sự thành công của Tập đoàn CEO năm 2017 với các chỉ số tích cực: tổng doanh thu hợp nhất là 1.874 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế là 406 tỷ đồng, đạt 118% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế là 321 tỷ đồng, đạt 117% kế hoạch, tăng trưởng 17% so với năm 2016. Theo đó, tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2017 đạt mục tiêu 10%.

Theo đó, năm 2018, Tập đoàn CEO kiên định chiến lược đặc khu và bất động sản nghỉ dưỡng, với sự phát triển mở rộng địa bàn thứ 2 – Vân Đồn (Quảng Ninh). Sau khi M&A một dự án bất động sản nghỉ dưỡng dang dở, hiện tọa lạc tại vị trí được coi là đẹp nhất của đảo chính Cái Bầu, Tập đoàn CEO tiếp tục đề xuất mở rộng và đã được thông qua chủ trương đầu tư Khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City với quy mô dự kiến 350ha.

Hoàng Nhật

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/vnindex-ve-moc-tham-chieu-ceo-nam-san-sau-thong-bao-lui-thoi-han-thong-qua-luat-dac-khu-884336.html