VNDIRECT lo ngại Vinamilk thiếu động lực tăng trưởng doanh thu trong năm 2023

Trong bối cảnh lạm phát, thắt chặt chi tiêu, lại thêm tâm lý người dùng chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu, CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) tiếp tục ghi nhận đà giảm tốc trong tháng 1/2023. Theo đánh giá từ VNDIRECT, sang năm 2024, lợi nhuận ròng của Vinamilk được dự tính sẽ tăng hơn 20,4% so với mức nền thấp trong năm 2022, chủ yếu nhờ chi phí đầu vào thấp hơn, trong khi tăng trưởng doanh thu vẫn ở mức khiêm tốn.

Kết quả kinh doanh quý IV/2022 thấp hơn kỳ vọng

Theo báo cáo tài chính, Vinamilk ghi nhận doanh thu và lãi sau thuế quý IV/2022 lần lượt giảm 4,7% và 14,9% so với cùng kỳ, thấp hơn 16% và 30% so với dự phóng của công ty chứng khoán VNDIRECT. Nguyên nhân chủ yếu do sức tiêu thụ yếu hơn dự báo.

Cụ thể, doanh thu nội địa qua đó giảm 1,7%, chỉ bằng 85% dự phóng quý IV/2022 của các chuyên gia. Doanh thu xuất khẩu giảm mạnh 42,5% cũng góp phần khiến kết quả kinh doanh thấp hơn kỳ vọng. Bất chấp giá bột sữa toàn cầu đạt đỉnh vào quý II/2022 và giảm dần trong nửa cuối 2022, biên lợi nhuận gộp của Vinamilk vẫn giảm 3,7 điểm % so với cùng kỳ và 0,7 điểm % so với quý trước trong quý cuối cùng năm 2022 DN còn hàng tồn kho nguyên liệu giá cao.

Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã cắt giảm chi phí bán hàng xuống 17,2% so với cùng kỳ, ngược lại với dự báo rằng Vinamilk sẽ đẩy mạnh hoạt động khuyến mại.

Trong buổi họp với Chuyên viên phân tích và Nhà đầu tư Tổ chức ngày 9/2 vừa qua, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết, doanh nghiệp vẫn chưa ghi nhận tăng trưởng tích cực trong tháng 1/2023 do đang chủ động giảm hàng tồn kho tại các nhà phân phối. Tuy nhiên mảng sữa bột ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số 1 vài tuần trở lại đây có thể do tỷ lệ sinh tăng trở lại đầu năm âm lịch Quý Mão.

Nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến doanh số nửa đầu năm 2023

Ở góc nhìn rộng hơn, theo VNDIRECT, hầu hết các ngành thâm dụng lao động đều đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và điều này buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Chuyên gia ước tính tiêu dùng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa đầu năm 2023 và dần phục hồi đà tăng trưởng kể từ quý III/2023.

Theo lãnh đạo Vinamilk, sản phẩm sữa là mặt hàng có mức độ nhạy cảm cao với giá bán và thu nhập do phần lớn người tiêu dùng Việt Nam chưa coi sữa là sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Do đó, nhu cầu đối với các sản phẩm sữa sẽ yếu đi khi người tiêu dùng thắt chặt thói quen chi tiêu. Doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ sữa ghi nhận mức tăng trưởng một con số (dưới 5% so với cùng kỳ) trong năm 2023.

Bên cạnh đó, Vinamilk vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc về thương hiệu, làm mới bao bì, hương vị và dự kiến hoàn thành trong năm 2023.Việc tái cấu trúc kênh bán trong năm 2022 có thể tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số nửa đầu năm 2023.

Ngoài ra, phía VNDIRECT cho rằng doanh nghiệp chưa có những sản phẩm đột phá mới để tạo động lực tăng trưởng doanh thu.

Biên lợi nhuận có thể cải thiện từ quý III/2023

Ở chiều tích cực, theo Rabobank, sản lượng nhập khẩu bột sữa của Trung Quốc trong quý I/2023 dự kiến sẽ giảm so với cùng kỳ năm 2022 do vẫn còn hàng tồn kho tích lũy trong năm qua. Nhu cầu sữa toàn cầu có thể sẽ yếu đi trong ngắn hạn do nhiều nền kinh tế đang đối mặt với lạm phát. Do đó, nhóm phân tích kỳ vọng giá bột sữa nguyên kem sẽ tiếp tục giảm và giao dịch ở mức thấp hơn 5% so với năm 2022. Bên cạnh đó, việc đồng USD hạ nhiệt thời gian gần đây là một thông tin tích cực đối với Việt Nam khi giảm bớt áp lực lên tỷ giá.

Trong bối cảnh đó, Vinamilk có thể sẽ bắt đầu sử dụng nguyên liệu tồn kho chi phí thấp từ giữa quý I/2023. Do đó, VNDIRECT cho rằng biên lợi nhuận gộp có thể được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ từ quý III/2023 do trong nửa đầu năm ngoái, công ty vẫn sử dụng nguyên liệu đầu vào có chi phí thấp hơn so với nửa đầu năm 2023.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra giá đường toàn cầu gần đây tăng do triển vọng nguồn cung đường bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi ở Ấn Độ (mưa lớn) và các nhà sản xuất mía đường Brazil dự kiến sẽ tiếp tục ưu tiên sản xuất ethanol hơn trong niên vụ 2023 - 2024. Yếu tố này có thể ảnh hưởng phần nào đến biên lợi nhuận gộp của Vinamilk do công ty cũng nhập khẩu đường từ thị trường nước ngoài để sản xuất bên cạnh việc nhập đường từ Vietsugar (công ty con).

Biên lợi nhuận gộp trong năm 2023 của Vinamilk dự phóng sẽ tăng lên 41,8% (tăng 2 điểm % so với năm 2022). VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của công ty sữa này sẽ cải thiện 1,2 điểm % lên 43% nhờ chi phí bột sữa đầu vào giảm 1% so với cùng kỳ.

 Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có thể được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ từ quý III/2023 nhờ sử dụng nguyên liệu tồn kho chi phí thấp.

Biên lợi nhuận gộp của Vinamilk có thể được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ từ quý III/2023 nhờ sử dụng nguyên liệu tồn kho chi phí thấp.

Với những phân tích trên, chuyên gia ước tính, doanh thu thuần của Vinamilk dự kiến sẽ tăng nhẹ trong trung hạn, lần lượt tăng 2% và 3,8% lên 61.168 tỷ đồng và 63.496 tỷ trong hai năm 2023 và 2024.

VNDIRECT cũng dự phóng lợi nhuận ròng của Vinamilk sẽ cải thiện 10,9% lên 9.450 tỷ đồng trong năm 2023. Sang năm 2024, lợi nhuận ròng của Vinamilk được dự tính sẽ phục hồi từ mức nền thấp năm 2022, với mức tăng hơn 20,4%, chủ yếu nhờ chi phí đầu vào thấp hơn, trong khi tăng trưởng doanh thu vẫn ở mức khiêm tốn.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vndirect-lo-ngai-vinamilk-thieu-dong-luc-tang-truong-doanh-thu-trong-nam-2023.html