VNA đề xuất hỗ trợ vay 12.000 tỷ đồng: Như 'ném đá ao bèo'!

Vietnam Airlines (VNA) vừa có văn bản xin Chính phủ hỗ trợ cơ chế vay vốn lên tới 12.000 tỷ đồng với lãi suất 0%, trong thời gian 3 năm.

VNA đề xuất hỗ trợ vay 12.000 tỷ đồng: Như “ném đá ao bèo”!

Ngay sau đó, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề xuất được tham gia tái cơ cấu VNA, với mục tiêu trở thành cổ đông của doanh nghiệp này. Theo TS Trần Đình Bá - Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, việc cho VNA vay 12.000 tỷ đồng sẽ chỉ như “ném đá ao bèo”.

Như "ném đá ao bèo"

- Thưa ông, trong thư gửi Thủ tướng ngày 24/6/2020 và công bố trước báo giới ông đã cảnh báo, việc cho VNA vay 12.000 tỷ đồng sẽ như "ném đá ao bèo". Xin ông cho biết cơ sở nào để ông đưa ra cảnh báo trên?

- Là nhà toán học kinh tế, từng thách đấu 5 triệu USD về "đường bay vàng" HN - TPHCM, từ năm 2009, vì lợi ích chung, tôi phát hiện nguyên nhân thua lỗ của hàng không Việt. Tôi từng đưa ra dự án "cứu" VNA và các hãng hàng không Việt trở thành "chúa Chổm" từ những năm 2010. Tôi thấy có trách nhiệm phải cảnh báo rằng: VNA và các hãng hàng không Việt đã thua lỗ nặng nề do lãng phí đường bay nội địa trên 30% chi phí sản xuất. Con số tính được lãng phí hàng năm từ 1,2 đến 1,5 tỷ USD.

Năm 2019, hàng không Việt đã thua lỗ nặng và nay lại càng bần cùng hơn sau dịch Covid-19, mà không phải chỉ do đại dịch này gây ra. VNA đã nợ nước ngoài trên 5 tỷ USD, nay muốn vay 12.000 tỷ VND cho sản xuất kinh doanh thì kết cục sẽ là "muối bỏ bể" và sẽ như hòn đá ném xuống ao bèo.

- Cơ sở khoa học nào để ông khẳng định việc giải cứu VNA như thế không khác gì việc tái cơ cấu Vinashin, Vinaline?

- Tất cả các doanh nghiệp và các hãng hàng không trên thế giới muốn có lãi phải hạch toán chính xác hiệu quả kinh tế từng đường bay. Đặc thù kinh tế hàng không là rất tốn kém. Bí quyết của kinh tế hàng không là đường bay được lặp đi, lặp lại nhiều lần, hàng ngàn chuyến bay trong năm. Chỉ cần lãng phí vài phút bay là thiệt hại trong một năm rất lớn.

Các hãng hàng không Việt đang "chết" vì đường bay vòng lãng phí, chỉ tính riêng đường bay HN - TPHCM mỗi năm đã lãng phí trên 1 tỷ USD. Việc Bamboo Airways bay 3 tháng lỗ 3.250 tỷ đồng đầu năm 2019 là chính xác như tính toán của tôi, không phải đến sau dịch Covid-19 mới thua lỗ.

Lối thoát là... bay thẳng

Số liệu tính toán trên 3 đường bay lãng phí từ 26,2 - 38% gây thua lỗ nặng cho hàng không Việt.

- Có người nói rằng, hàng không là chỗ "đốt tiền" thực sự, kinh doanh vận tải hàng không đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Đúng, kinh doanh vận tải hàng không đòi hỏi nguồn vốn rất lớn song vẫn chưa đủ mà phải làm đúng quy luật kinh tế hàng không, quản lý tốt thì mới kinh doanh có lãi. Còn nói hàng không là chỗ "đốt tiền" là không đúng, cả về nhãn quan kinh tế, khoa học công nghệ, chính trị, xã hội và quốc phòng, an ninh. Thế giới người ta đều kinh doanh hàng không, có lãi và có trật tự.

Công nghệ hàng không trên thế giới hiện nay đang thịnh hành, không có lãi thì không ai dám kinh doanh, nếu nói là "đốt tiền" thì quả là... bi quan. "Đốt tiền" mà ai cũng xông vào kinh doanh hàng không thì có mà là con "thiêu thân". Thế giới đều kinh doanh hàng không và không ai đưa ra luận thuyết "đốt tiền" như vậy.

Chính sách đổi mới, mở cửa đã giúp cho Việt Nam có thêm nhiều hãng hàng không vào khai thác tiềm năng hạ tầng sân bay, bầu trời, giúp giải quyết vấn nạn quá tải và tai nạn giao thông vận tải. Tôi cho rằng, việc Cục Hàng không Việt Nam "cấm vận" các hãng hàng không để họ bay lòng vòng trong không phận mới gây lãng phí lớn, mới sinh ra "đốt tiền". Ví như, đường bay chủ lực HN - TPHCM có tần suất cao nhất song lại bay vòng lãng phí tới 30% chi phí chuyến bay thì đúng là "đốt tiền". Lỗi này do Cục Hàng không Việt Nam không cho các hãng hàng không tham gia hiệp định "mở cửa bầu trời" của 10 nước ASEAN, hiệp định 5 thương quyền vận tải quốc tế.

- Vậy, nếu không muốn tiếp tục làm việc "ném đá ao bèo" thì "lối thoát" cho hàng không Việt nói chung và VNA là gì, thưa ông?

- Tất cả các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, phải theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, phải có đấu thầu đường bay, sân bay, slot, thực hiện minh bạch về luật giá, luật thuế... Đặc biệt, phải làm đúng quy luật kinh tế "bay thẳng" để tự cứu mình trước khi... trời cứu, theo hiệp định bầu trời mở rộng ASEAN và hiệp định 5 thương quyền hàng không thế giới .

Việc hàng không Việt "bị trói" trong đường bay vòng do Cục Hàng không Việt Nam định sẵn, không cho bay thẳng qua bầu trời Lào và Campuchia đã gây nên lãng phí bình quân trong một chuyến bay tới 30% chi phí, tương ứng 4.000 - 7.000 USD. Bình quân mỗi ngày hiện có khoảng 930 chuyến bay nội địa song có khoảng 2/3 các đường bay chủ lực quan trọng, tần suất lãng phí đường bay bình quân trên 34% thì càng bay càng lỗ là chính xác. Mỗi năm gần một triệu chuyến bay, lãng phí mất 1,3 - 1,5 tỷ USD thì còn gì là lợi nhuận?

Phải cứu hàng không Việt bằng cơ chế chính sách để bảo đảm tính bền vững, phải triệt để "cởi trói cơ chế" để VNA được bay thẳng đó là lối thoát duy nhất để không bị phá sản. Tôi mong được hợp tác với SCIC và các hãng hàng không Việt trong vấn đề hạch toán... Điều này có lợi cho 3 nhà: Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học... Tiền của Chính phủ hay của SCIC là của dân, nhà quản lý cần cẩn trọng để tránh sai lầm trong sử dụng.

- Xin cám ơn ông!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vna-de-xuat-ho-tro-vay-12000-ty-dong-nhu-nem-da-ao-beo-20200715095458110.html