VN không ca Covid-19 mới, Lancet gỡ bài nghiên cứu chấn động

Việt Nam bước vào ngày 17 không có ca bệnh ngoài cộng đồng, trong khi số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng.

Việt Nam không có ca mắc mới

Tính từ 18h ngày 18/9 đến 6h ngày 19/9, Việt Nam ghi nhận 0 ca mắc Covid-19 mới.

Như vậy, đến nay Việt Nam ghi nhận 1.068 ca mắc Covid-19, 35 trường hợp tử vong. Tính đến 6h ngày 19/9, nước ta có tổng cộng 691 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca.

Việt Nam cũng bước vào ngày thứ 17 không ghi nhận ca bệnh ngoài cộng đồng.

Dù vậy, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Covid-19 vào ngày 18/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, nguy cơ dịch bệnh luôn thường trực bởi trên thế giới, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước như Ấn Độ. Vì vậy

“Do đó, các ngành, địa phương cần nghiêm túc triển khai các hoạt động phòng chống dịch một cách trách nhiệm, thường xuyên”. Đặc biệt, cần tăng cường quản lý các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam, “đừng để xảy ra một ca lây nhiễm nào trong cộng đồng do việc mở cửa bước đầu”, Thủ tướng nói.

Nhắc lại câu chuyện 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng tại Việt Nam, Thủ tướng cảnh báo việc xuất hiện dấu hiệu chủ quan của một số địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc mục tiêu kép. Cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thực hiện tốt “Thông điệp 5K” và áp dụng các chế tài xử phạt các vi phạm trong phòng chống dịch, đặc biệt là biện pháp đeo khẩu trang ở nơi đông người, phương tiện giao thông công cộng. Tiếp tục thực hiện phương châm không tập trung đông người khi không cần thiết, nhất là các lễ hội.

Các địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, tạo thuận lợi cho người nhập cảnh vào nước ta đầu tư, làm việc với yêu cầu phòng dịch phù hợp từ khâu nhập cảnh, vận chuyển, lưu trú, triển khai công tác bảo đảm an ninh trật tự…

Về việc mở một số đường bay quốc tế, Thủ tướng lưu ý, mỗi chuyến bay đều phải có phương án phòng chống dịch cụ thể, kể cả việc giải phóng nhanh hành khách tại sân bay, địa điểm cách ly…

Đối với trường hợp nhập cảnh ngắn ngày, yêu cầu hạn chế tham gia sử dụng các dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, lễ hội…

Số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng

Số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19 trên thế giới tiếp tục tăng

Nga chuyển vaccine Sputnik-V đến các tỉnh, lời hứa mới của ông Trump

Trên thế giới, số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 19/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là 30.650.588 ca, trong đó có 955.174 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 18/9, thế giới có tới 132 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 88 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.

Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (96.424 ca), Mỹ (44.008 ca) và Brazil (37.740 ca); trong khi đó Ấn Độ (với 1.174 ca), Mỹ (857 ca) và Brazil (762 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Ấn Độ đang nổi lên thành tâm dịch mới của thế giới.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang có chiều hướng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại Anh. Theo Bộ trưởng Y tế nước này Matt Hancock cho biết tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên cả nước, theo đó cứ 8 ngày số bệnh nhân nhập viện lại tăng gấp đôi.

Trong khi đó, Pháp và CH Séc lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới trong 1 ngày cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, Pháp ghi nhận thêm 10.593 ca mắc, còn Séc ghi nhận 3.130 ca mắc mới.

Tại Italy, theo hãng tin ANSA, báo cáo theo dõi hàng tuần của Viện Y tế cao cấp Italy công bố ngày 18/9 cho biết tình hình dịch Covid-19 ở nước này đang dần trở nên xấu hơn so với khoảng thời gian được kiểm soát khá tốt trước đó. Tuy nhiên, chiều hướng xấu này ở Italy vẫn được kiềm chế tốt hơn so với các nước châu Âu khác.

Viện Y tế cao cấp Italy còn cho hay nguyên nhân dịch Covid-19 lây lan trở lại là do xuất hiện các ổ dịch lớn vốn chủ yếu có liên quan đến các sự kiện giải trí tụ tập đông người và không tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội.

Tại Cộng hòa Séc, trước tình hình số lượng ca mắc mới dịch Covid-19 gia tăng nhanh kỷ lục trong hai tuần gần đây, chính phủ nước này tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Chỉ riêng trong ngày 17/9, Cơ quan Dịch tễ Séc đã ghi nhận 3.130 trường hợp dương tính với virus SARS-Cov-2.

Liên minh châu ÂU (EU) cũng đã nhất trí mua vaccine tiềm năng ngừa virus SARS-CoV-2 của hai hãng sản xuất dược phẩm lớn Sanofi và GSK trong thỏa thuận tương tự thứ hai nhằm đảm bảo nguồn cung tại thời điểm sắp tới hạn chót gia nhập cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiếp cận toàn cầu đối với vaccine phòng COVID-19.

Ủy viên phụ trách lĩnh vực y tế của EU, bà Stella Kyriakides, cho biết với thỏa thuận trên, hai nhà sản xuất dược phẩm của Anh và Pháp - liên minh cùng sản xuất một loại vaccine dựa trên việc tái tổ hợp protein mà họ hy vọng có thể được phê chuẩn vào năm 2021 - sẽ cung cấp cho EU 300 triệu liều vaccine ngừa Covid-19. Đổi lại, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ trả trước chi phí sản xuất cho hai hãng trên và chính các quốc gia thành viên EU sẽ mua loại vaccine này của họ.

Tại Nga, theo hãng thông tấn TASS ngày 18/9, dự kiến từ ngày 21/9, tại các hiệu thuốc của Nga sẽ bán loại thuốc Areplivir do nước này sản xuất để điều trị bệnh Covid-19 và mỗi hộp thuốc có giá bán lẻ từ 12.320 ruble (163 USD).

Ông Andrey Mladentsev, Giám đốc điều hành công ty Promomed, cho biết thêm một hộp thuốc sẽ có 40 viên, mỗi viên 200 mg.

Bộ Y tế Nga đã cấp phép lưu hành Areplivir để điều trị Covid-19 hồi cuối tháng Sáu. Thuốc này tương tự thuốc Favipiravir của Nhật Bản, có phổ hoạt động rộng chống virus chứa RNA (trong đó có SARS-CoV-2), bao gồm virus cúm, rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, và các loại virus đe dọa tới tính mạng.

Trong khi đó, những lô vaccine Sputnik-V đầu tiên của Nga ngừa Covid-19 đã được chuyển đến các tỉnh. Lần tiêm chủng miễn phí đầu tiên sẽ được thực hiện với các giáo viên và bác sỹ, vì họ thuộc nhóm nguy cơ cao. Những người khác sẽ phải đợi. Hoặc người dân thủ đô Moskva có thể làm tình nguyện viên tham gia thử nghiệm loại vắcxin này sau khi đã đăng ký lưu hành.

Tại Mỹ, ngày 18/9, Tổng thống Donald Trump hy vọng có đủ vaccine Covid-19 cho toàn bộ người dân Mỹ trước tháng 4 năm sau. Trước đó, ông nói rằng, chính phủ Mỹ có thể bắt đầu phân phối vaccine này vào khoảng giữa tháng 10.

Giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về những tuyên bố này của chủ nhân Nhà Trắng, thậm chí coi đây là cách mà ông Trump dùng để ghi điểm với cử tri trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11.

Tạp chí Lancet phải rút bài nghiên cứu chấn động

Ngày 17/9, Tạp chí y khoa uy tín thế giới Lancet cho biết đang hoàn thiện quy trình đánh giá khoa học của mình sau khi buộc phải rút bài nghiên cứu gây chấn động, trong đó khẳng định thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine không hiệu quả trong điều trị các bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Nghiên cứu công bố trên Lancet hồi tháng 5 đã khiến WHO và sau đó là hàng loạt nước trên thế giới đình chỉ các thử nghiệm đối với thuốc hydroxychloroquine.

Kết quả nghiên cứu đó khẳng định thuốc này không có tác dụng đối với các bệnh nhân Covid-19, thậm chí còn làm tăng nguy cơ tử vong.

Nghiên cứu cũng làm dấy lên tranh cãi về tính an toàn và hiệu quả của thuốc hydroxychloroquine.

Đây là thuốc mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần ca ngợi trong điều trị bệnh Covid-19, thậm chí khẳng định ông đã sử dụng hydroxychloroquine mỗi ngày một viên trong khoảng một tuần rưỡi để phòng ngừa Covid-19.

Tuy nhiên, bài nghiên cứu trên đã bị Lancet rút xuống sau khi một nhóm chuyên gia nêu quan ngại về "phương pháp luận và tính toàn vẹn dữ liệu" của nghiên cứu này.

Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu này thiếu thông tin về các quốc gia và bệnh viện trong dữ liệu do hãng phân tích dữ liệu về chăm sóc sức khỏe Surgisphere có trụ sở ở Chicago (Mỹ) cung cấp.

Trong thông báo mới, Lancet cho biết sẽ siết chặt kiểm tra các quy trình đánh giá để tìm biện pháp giảm thiểu rủi ro xảy ra sai sót trong nghiên cứu và xuất bản.

Lancet sẽ đề xuất các phương pháp đánh giá mới, trong đó có đảm bảo ít nhất một chuyên gia am hiểu lĩnh vực được nghiên cứu xem xét lại và tăng cường chia sẻ dữ liệu.

Lancet khẳng định: "Là nguồn thông tin đáng tin cậy, tạp chí Lancet cam kết đảm bảo rằng quy trình biên tập của chúng tôi sẽ mang lại hiệu quả cao nhất có thể".

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vn-khong-ca-covid-19-moi-lancet-go-bai-nghien-cuu-chan-dong-3419224/