VN-Index và câu chuyện 1.200 điểm

Chỉ số VN-Index chỉ còn cách vùng đỉnh 1.200 điểm khoảng hơn 50 điểm.

Khi nhắc đến ngưỡng 1.200 điểm, chắc hẳn nhà đầu tư vẫn còn nhớ đến đợt sụt giảm mạnh của thị trường hồi tháng 4.2018.

Mặc dù đã trải qua nhịp tăng hơn 48% vào năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục được kỳ vọng bứt phá mạnh mẽ trong năm 2018. Thời điểm đó, thị trường chứng khoán được bao trùm bởi những thông tin tích cực, từ câu chuyện nâng hạng, chuyện thoái vốn các doanh nghiệp Nhà nước rồi đến cả tình hình kinh tế, chính trị cũng vô cùng ủng hộ.

Đúng như kỳ vọng, thị trường tăng trưởng rất tốt trong quý I/2018, khi chỉ số VN-Index vượt đỉnh 1.200 điểm vào tháng 4.2018. Khi ấy, phần lớn nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ tiếp nối đà tăng và hướng đến vùng giá cao hơn.

Liệu lần này VN-Index có vượt đỉnh lịch sử? Ảnh: FireAnt.

Liệu lần này VN-Index có vượt đỉnh lịch sử? Ảnh: FireAnt.

Thế rồi, ở trên đỉnh cao chưa được bao lâu thì VN-Index bắt đầu quay đầu giảm mạnh. Phiên giao dịch 11.4.2018 dấu sự đảo chiều của VN-Index khi chỉ số giảm hơn 30 điểm với khối lượng giao dịch khủng.

Kết thúc năm 2018, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 892 điểm, giảm hơn 319 điểm kể từ vùng đỉnh tháng 4.2018. Năm 2018, vùng đáy của các cổ phiếu lớn như VNM, VCB và GAS lần lượt ở mức 107.000 đồng/cổ phiếu; 45.500 đồng/cổ phiếu và 65.000 đồng/cổ phiếu.

Hiện tại, chỉ số VN-Index đang tiến sát vùng đỉnh lịch sử được thiết lập vào năm 2018. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch 6.1.2021, chỉ số VN-Index tăng 10,66 điểm, đóng cửa ở mức 1.143,21 điểm (chỉ còn cách khoảng 57 điểm so với vùng đỉnh cũ). Giá trị giao dịch trên thị trường tiếp tục ở mức cao, đạt mức hơn 18.000 tỉ đồng trên sàn HOSE (cả khớp lệnh và thỏa thuận).

Dòng tiền nội tiếp tục là một dấu ấn mạnh mẽ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam ở giai đoạn hiện tại. Khác với thời điểm năm 2018, giá trị giao dịch trên thị trường chỉ ở quanh mốc 4.000-5.000 tỉ đồng mỗi phiên. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE năm 2018 đạt hơn 5.427 tỉ đồng/phiên. Trong đó, từ tháng 1-5.2018, giá trị giao dịch trên sàn HOSE dao động ở mức 6.300-8.300 tỉ đồng mỗi phiên.

Mặc dù ở bối cảnh hiện tại, dòng tiền trên thị trường đang mạnh mẽ hơn rất nhiều quá khứ. Tuy nhiên, việc VN-Index tăng mạnh và đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh cũng là điều mà nhà đầu tư cần lưu ý. Trên lý thuyết, mức kháng cự trong phân tích kỹ thuật là mức giá mà một cổ phiếu đang tăng giá dường như không thể vượt qua. Một khi cổ phiếu đạt đến mức kháng cự, cổ phiếu thường chững lại và đảo chiều. Mức kháng cự được gây ra bởi việc bán nhiều lấn át lực mua và thường xảy ra ở các mức giá kháng cự cụ thể.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trạng thái quá mua của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu cho thấy sức nóng của thị trường đang khá cao. Điều này có thể khiến VN-Index xuất hiện các phiên rung lắc điều chỉnh đan xen trong quá trình tăng điểm ngắn hạn. Vùng kháng cự hiện tại của thị trường nằm tại 1.180-1.200 điểm.

BVSC cho rằng dòng tiền vẫn sẽ tập trung sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn này. Cổ phiếu thuộc các ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, thép… nhiều khả năng sẽ có kết quả kinh doanh quý IV tích cực. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa mạnh dần theo thông tin kết quả lợi nhuận quý IV và cả năm của các doanh nghiệp niêm yết.

BVSC khuyến nghị nhà đầu tư duy trì nắm giữ cổ phiếu với tỉ trọng ở mức 40-50% trong danh mục. Ưu tiên các vị thế trung dài hạn. Các nhà đầu tư đang nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu cao xem xét bán giảm tỉ trọng các vị thế ngắn hạn khi thị trường tiếp cận vùng kháng cự mạnh của VN-Index.

Song Luân

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/vn-index-va-cau-chuyen-1200-diem-3338958/