Lạm phát tại các nước phát triển tăng cao kỷ lục

Khủng hoảng năng lượng đẩy giá nhiên liệu thế giới tăng cao, cùng với sự gia tăng của giá hàng hóa lương thực, thực phẩm vào dịp cuối năm khiến lạm phát tại các nền kinh tế phát triển tăng cao kỷ lục.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo lạm phát tại khu vực các nước phát triển sẽ đạt mức 2,8% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 0,7% của năm 2020, sau đó giảm xuống 2,3% trong năm 2022. Lạm phát tăng được ghi nhận tại hầu hết các nền kinh tế lớn với mức tăng đến hơn 4 lần so với đầu năm.

Tại Mỹ: Tỷ lệ lạm phát hàng năm ở nước này đã tăng từ 1,4% trong tháng 1 lên 6,2% vào tháng 10/2021 – đây là mức cao nhất kể từ tháng 11/1990 và cao hơn mức dự báo 5,8%. Áp lực tăng trên diện rộng, trong đó chi phí năng lượng ghi nhận mức tăng lớn nhất (30% so với 24,8% trong tháng 9), cụ thể là xăng (49,6%). Lạm phát tháng 10 cũng tăng đối với thực phẩm (5,3% so với 4,6%, cao nhất kể từ tháng 01/2009); xe mới (9,8% so với 8,7%); ô tô và xe tải đã qua sử dụng (26,4% so với 24,4%); dịch vụ vận tải (4,5% so với 4,4%); may mặc (4,3% so với 3,4%); và dịch vụ chăm sóc y tế (1,7% so với 0,9%).

Theo ông Neel Kashkari - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Minneapolis, lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới tại Mỹ. Tuy nhiên, Chính phủ không nên hành động quá mạnh, do đây chỉ là tình hình tạm thời.

Giá cả tăng cao một lần nữa lại gây ra nhiều khó khăn hơn cho các doanh nghiệp sau thời gian dài căng mình phục hồi sản xuất trước tác động của đại dịch Covid-19.

IMF dự báo lạm phát của Mỹ sẽ đạt mức 4,3% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 1,2% của năm 2020, trước khi giảm xuống 3,5% vào năm 2022.

Lạm phát tại Đức lạm phát đã tăng từ 1,0% trong tháng 01 lên 4,5% trong tháng 10/2021. Ảnh: TL

Tại khu vực đồng EURO: Lạm phát tăng từ mức 0,9% trong tháng 1 lên 4,1% trong tháng 10/2021, đây là mức cao nhất kể từ trước khủng hoảng tài chính toàn cầu vào tháng 7/2008 và cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Châu Âu là 2% và cũng cao hơn mức dự báo của thị trường là 3,7%. Lạm phát tháng 10/2021 tăng chủ yếu do giá năng lượng, dịch vụ, thực phẩm và hàng hóa công nghiệp phi năng lượng tăng. Trong đó, nhóm năng lượng dự kiến có tỷ lệ hàng năm cao nhất vào tháng 10 (23,5%, so với 17,6% trong tháng 9), tiếp theo là dịch vụ (2,1% so với 1,7%), hàng hóa công nghiệp phi năng lượng (2% so với 2,1%).

Trong các thành viên thì Bỉ và Đức là hai quốc gia ghi nhận mức tăng kỷ lục đối với lạm phát. Cụ thể:

Tại Bỉ, lạm phát đã tăng từ 0,26% trong tháng 01 lên 4,16% trong tháng 10/2021. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2008, chủ yếu do nhóm nhà ở và tiện ích tăng nhanh (12,2% so với 7,7% vào tháng 9), giao thông (7,6% so với 6%), giải trí và văn hóa (3,1% so với 2,5%), và các nhà hàng và khách sạn (3,3% so với 2,2%). IMF (tháng 10/2021), dự báo lạm phát tại Bỉ sẽ đạt mức 2,4% trong năm 2021, tăng 2,0% so với năm 2020, sau đó giảm xuống 2,2% trong năm 2022.

Tại Đức: lạm phát đã tăng từ 1,0% trong tháng 01 lên 4,5% trong tháng 10/2021. Trong đó, giá năng lượng là yếu tố đóng góp nhiều nhất (18,6%), cụ thể là dầu sưởi (+ 101,1%), nhiên liệu động cơ (+ 35%), khí đốt tự nhiên (+ 7,4%) và điện (+ 2,5%). Tiếp đến là giá lương thực tăng 4,4%, bao gồm các sản phẩm từ sữa và trứng (+ 6%), bánh mì và ngũ cốc (+ 5%).

Ngoài ra, theo các chuyên gia kinh tế là còn có một số lý do khác dẫn đến tỷ lệ lạm phát tại Đức tăng cao, bao gồm tác động cơ bản do giá thấp vào năm 2020, việc giảm thuế VAT tạm thời vào nửa cuối năm 2020 và các tác động liên quan đến khủng hoảng, chẳng hạn như tắc nghẽn giao hàng và tăng giá rõ rệt, cũng phản ánh trong chỉ số giá tiêu dùng. IMF dự báo lạm phát tại Đức sẽ đạt mức 2,9% trong năm 2021, tăng 2,5% so với năm 2020, sau đó giảm xuống 1,5% trong năm 2022.

Theo ông Paolo Gentiloni - Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế, lạm phát tăng nhanh hơn dự kiến. Ông Paolo cho rằng giá cả tăng cao là do chịu ảnh hưởng của những yếu tố mang tính tạm thời, song xu hướng này có thể giảm trong nửa đầu năm 2022. Các Bộ trưởng EU bắt đầu lo ngại rằng lạm phát gia tăng sẽ khiến tiền lương tăng mạnh hơn, kéo theo vòng xoáy lạm phát.

Với tình hình trên, IMF dự báo lạm phát của khu vực đồng EURO sẽ ở mức 2,2% trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 0,3% của năm 2020, sau đó giảm xuống 1,7% vào năm 2022.

Tại Nhật Bản: lạm phát tăng từ -0,7% trong tháng 01 lên 0,2% trong tháng 9/2021, đạt mức tăng hàng năm đầu tiên kể từ tháng 8 năm 2020. Lạm phát tháng 10 có được chủ yếu do chi phí thực phẩm đã tăng (0,9% so với -1,1% ở tháng 8); nhà ở (0,7%, giống như tháng 8); phí nhiên liệu, ánh sáng và nước (4,4% so với 2,5%); văn hóa & giải trí (3,3% so với 3,7% ).

Tuy nhiên, do tình hình kinh tế của Nhật Bản chưa được cải thiện nhiều trong năm 2021 nên IMF dự báo lạm phát của nước này sẽ giảm xuống -0,2% trong năm nay và sẽ tăng lên mức 0,5% trong năm sau khi tốc độ phục hồi nền kinh tế được cải thiện tốt hơn./.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-phat-tai-cac-nuoc-phat-trien-tang-cao-ky-luc-95937.html