VN-Index 'quay xe' lấy lại 20 điểm, thanh khoản bùng nổ ngày đầu T+2

Thanh khoản dồi dào trong ngày đầu tiên áp dụng T+2 đã cứu VN-Index khỏi một phiên rơi điểm sâu. Nhóm cổ phiếu phân bón - hóa chất và dầu khí đi ngược thị trường với nhiều mã tăng trần.

Nhóm phân bón - hóa chất đi ngược thị trường chung. MBS

Nhóm phân bón - hóa chất đi ngược thị trường chung. MBS

VN-Index có phiên giao dịch đầu tuần với nhiều cảm xúc. Nếu như phiên sáng, lực bán tháo dồn dập ngay từ mở cửa khiến chỉ số có lúc mất đi hơn 30 điểm thì sang phiên chiều, lực cầu mạnh mẽ đã hấp thụ gần hết lượng hàng bán ra. Kết phiên, VN-Index chỉ còn giảm gần 12 điểm so với kết phiên thứ Sáu tuần trước. HNX-Index giảm gần 4 điểm và UPCoM cũng giảm 1,34 điểm.

Hôm nay là ngày đầu tiên chính thức giao dịch chứng khoán theo quy trình T+2, tức nhà đầu tư có thể bán chứng khoán mua ngày T+0 ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2 thay vì chờ đến ngày T+3 như trước đây. Nhờ vậy, thanh khoản đã cải thiện rõ rệt. Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt gần 22.000 tỷ đồng. Đây là mức cao nhất kể từ đầu quý 2 trở lại đây.

Khối ngoại giao dịch gần 1.700 tỷ đồng và thực hiện bán ròng 370 tỷ đồng. TLG dẫn đầu chiều bị bán với hơn 100 tỷ đồng, theo sau là DGC, HPG, VIC, HDB, HCM… Ngược lại, DXG và MSN dẫn đầu chiều mua nhưng giá trị cũng chỉ hơn 20 tỷ đồng. VHM, PVT, PVD, SSI… cũng là những mà nhận được dòng tiền mua từ nhà đầu tư nước ngoài.

VN30 giảm sâu hơn VN-Index với mức điểm giảm gần 14 điểm. Suốt phiên sáng, chỉ có BVH giữ được sắc xanh với mức tăng giá nhẹ. Sang phiên chiều, dòng tiền mua nhập cuộc mới “cứu vớt” GAS và MWG. SAB, VCB và MSN cũng về lại mức giá tham chiếu khi kết phiên. Trong đó, MWG tiếp tục là bluechip có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số với mức tăng 2,5%. Trong phiên thứ Sáu tuần trước, cổ phiếu của Thế giới Di động cũng tăng mạnh.

Chỉ số VN-Index và VN30 phục hồi vào phiên chiều. SSI

Xét về nhóm ngành thì thép là nhóm giảm mạnh nhất. Hầu hết các mã đều giảm 2-4%. Nhóm ngân hàng không còn cổ phiếu nào giữ được sắc xanh tăng giá. Hai mã rơi mạnh nhất là KLB (-7,7%) và PGB (-5,4%). Nhiều mã giảm 1,5-3% như ABB, CTG, NAB, VAB, VBB, TPB… Nhóm chứng khoán cũng tương tự khi chỉ còn 3 mã tăng giá nhẹ là FTS, TIN, VCI; trong khi các cổ phiếu còn lại hầu hết giảm 3-6%.

Ở chiều ngược lại, 2 nhóm đi ngược thị trường là phân bón – hóa chất và dầu khí. Tại nhóm dầu khí, 2 mã tăng trần là PVC và PVD. PVB, PVS cũng tăng mạnh. BSR phiên sáng có thời điểm giảm gần 3% nhưng kết phiên chiều tăng 2%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí nhận được hỗ trợ từ thông tin giá dầu thế giới có xu hướng tăng từ tuần trước. Hôm nay, giá dầu thô WTI đã tăng 0,11 USD, lên 93,22 USD/thùng, dầu Brent giao dịch ở 99,08 USD/thùng, tăng 0,07%.

Giá năng lượng ở châu Âu đã phá vỡ kỷ lục trong suốt tuần trước, sau khi Gazprom của Nga cho biết rằng họ sẽ tạm dừng tất cả các dòng khí đốt qua Nord Stream đến Đức từ ngày 31/8 đến 2/9. Thông báo này đã làm dấy lên lo ngại mới rằng nguồn cung dầu thông qua đường ống có thể bị tiếp tục cắt giảm hoặc tạm dừng hoàn toàn sau đợt bảo trì ngoài kế hoạch kéo dài 3 ngày.

Về phía Mỹ, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ mới đây đã kêu gọi các nhà máy lọc dầu trong nước không nên tăng cường xuất khẩu các loại nhiên liệu như xăng và dầu diesel trong tháng này, thay vào đó là tập trung vào việc tích trữ hàng tồn kho ở Mỹ trong thời gian tới.

Còn tại nhóm phân bón – hóa chất, đà tăng tiếp tục được dẫn dắt bởi DCM (tăng trần +6,9%) và DPM (+6,8%). DGC kết phiên cũng tăng gần 1%.

Sau một thời gian giảm nhiệt, cổ phiếu phân bón trở lại đường đua với kỳ vọng về nhu cầu nội địa và giá bán dự báo tăng về cuối năm. Theo chuyên gia Công ty chứng khoán KIS Việt Nam, doanh thu ngành phân bón trong quý 3 có thể đi ngang so với kết quả quý 2 vừa qua nhưng nhờ sự sụt giảm trong giá gas đầu vào, các công ty sản xuất có thể cải thiện biên lợi nhuận gộp từ 1,2-5%.

Mặt khác, thị trường quốc tế ghi nhận giá phân bón đang hạ nhiệt. Tuy nhiên, đây chỉ là sự suy giảm tạm thời do yếu tố thấp điểm của mùa vụ. Khả năng sẽ có các đợt tăng giá tiếp theo, nhất là giai đoạn các nước bước vào mùa cao điểm sản xuất nông nghiệp. Như tại Việt Nam, từ nay đến quý 4, cả nước bước vào vụ Đông Xuân, mùa vụ lớn nhất trong năm, nhu cầu phân bón chắc chắn sẽ tăng cao.

Thanh Ba

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/vn-index-quay-xe-lay-lai-20-diem-thanh-khoan-bung-no-ngay-dau-t2-post10590.html