VN-Index giảm 10 điểm, nhóm vốn hóa nhỏ và vừa nổi sóng

Dù VN-Index đóng cửa giảm điểm, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế với số lượng mã tăng và tăng trần áp đảo. Dòng tiền e dè hơn trong phiên hôm nay.

Thận trọng

Thanh khoản giảm mạnh trong phiên 21/11 chủ yếu do giảm tốc ở phiên chiều.

Giá trị giao dịch trên ba sàn chứng khoán chỉ đạt 9.977 tỷ đồng. Cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là HPG cũng chỉ có 7,36 triệu cổ phiếu sang tay, tương đương quy mô giao dịch 473 tỷ đồng. Nhà đầu tư thận trọng mua bán.

Giao dịch ở nhóm nhà đầu tư nước ngoài cũng thu hẹp đáng kể so với một số phiên gần đây. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua vào 1.102 tỷ đồng, trong khi bán ra 1.065 tỷ đồng, tương đương mua ròng 36,73 tỷ đồng. Trên cả ba sàn, nhóm này mua ròng 83,6 tỷ đồng.

FUEVFVND là mã chứng khoán được mua ròng mạnh nhất với giá trị ròng đạt 62,7 tỷ đồng. Tiếp theo là VPB và HPG với lần lượt 54,4 tỷ đồng và 52,1 tỷ đồng. Chiều ngược lại, DGC là mã chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất với giá trị ròng đạt 151,5 tỷ đồng. Áp lực bán ra của khối ngoại cũng kéo cổ phiếu Hóa chất Đức giang giảm sàn.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 8,68 điểm (-0,9%) xuống 960,65 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 1,53 điểm (+0,8%) lên 192,4 điểm; UPCo-Index cũng tăng 0,73% lên 67,64 điểm với sắc xanh áp đảo trong phần lớn phiên giao dịch.

Nguyên nhân khiến VN-Index ngược lối hai chỉ số còn lại là bởi nhóm VN30. Có tới 2/3 cổ phiếu trong nhóm đóng cửa trong sắc đỏ. GVR là cổ phiếu duy nhất đóng cửa tăng kịch biên độ. Cũng trong nhóm VN30, NVL và PDR tiếp tục giảm sàn với số lượng cổ phiếu khớp lệnh khiêm tốn, trong khi dư bán sàn chất đống. Có tới 101,72 triệu cổ phiếu PDR chờ bán với giá sàn nhưng không có bên mua. Giao dịch ở nhóm chỉ số vốn hóa lớn này phiên hôm nay cũng chỉ đạt vỏn vẹn 2.735 tỷ đồng.

Cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ dậy sóng, nhóm ngân hàng giảm sâu

VN30-Index giảm tới 1,47% và là nguyên nhân chính kéo chỉ số chung đi xuống. Trong khi đó, chỉ số đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ lại tăng lần lượt 0,16% (VNMid-Index) và VNSML-Index (+1,07).

Toàn sàn có 124 mã tăng trần, 434 mã tăng; trong khi chỉ có 220 mã giảm và 40 mã sàn.

Các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index phiên hôm nay là GVR, SAB, VNM, SHB cùng hai cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần là NLG và DIG. Trong khi đó, các trụ cột về vốn hóa lại là nguyên nhân chính kéo chỉ số chung đi xuống, đứng đầu là VCB, VIC, GAS, VHM và NVL.

Cổ phiếu lớn bất động sản cùng nhóm ngân hàng giao dịch tiêu cực trong phiên hôm nay. Trong báo cáo vừa phát hành sáng nay, bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI đã hạ khuyến nghị đối với ngành ngân hàng từ mức trung lập xuống giảm tỷ trọng.

SSI Research cũng lưu ý về việc thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp đã và đang có những dấu hiệu xấu đi trong thời gian gần đây với khối lượng và giá trị giao dịch đều ở mức thấp và nhấn mạnh về lo ngại rủi ro tín dụng . Bối cảnh hoạt động tín dụng bị thắt chặt và lãi suất cho vay tiếp tục tăng lên đang khiến một số chủ đầu tư bất động sản gặp những hạn chế về thanh khoản do rào cản trong việc huy động vốn/phát hành trái phiếu.

Theo dự báo của SSI, năm 2023, các ngân hàng có thể ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, thấp hơn mức dự báo tăng 17% so với cùng kỳ trong báo cáo trước của chúng tôi. Trong đó, ngân hàng được dự báo có tăng trưởng lợi nhuận cao nhất theo SSI Research gồm ba ngân hàng quốc doanh, STB và ACB.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vn-index-giam-10-diem-nhom-von-hoa-nho-va-vua-noi-song-d178355.html