VN Index có thể lên đến bao nhiêu?

Với việc thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi tích cực trong những phiên gần đây, với chỉ số VN Index bứt phát thành công mốc 1.000 điểm cùng thanh khoản gia tăng, đã có thêm hàng loạt dự báo lạc quan cho thị trường trong những tháng cuối năm nay cũng như cho giai đoạn tới.

Với diễn biến tích cực trong những phiên từ giữa tháng 9 đến nay và chinh phục thành công mốc 1.000 điểm, thị trường đón nhận thêm hàng loạt dự báo lạc quan từ các tổ chức, công ty chứng khoán trong những ngày gần đây.

VN Index sẽ ở mức bao nhiêu vào cuối năm?

Trong bản tin chứng khoán vào ngày hôm qua, công ty chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng VN Index sau khi đã phá vỡ các ngưỡng kháng cự tại MA 50 ngày và MA 100 ngày, thì nhiều khả năng sẽ tiếp tục bứt phá thành công đường MA 200 ngày trong thời gian tới, và có thể tăng tới 15% trong thời gian từ nay đến cuối năm.

Theo quan điểm của HSC thì hiện thị trường đang được hỗ trợ tích cực bởi nhiều yếu tố vĩ mô lẫn vi mô, cũng như nhờ vào tâm lý thị trường đã phục hồi và động thái quay lại mua ròng của khối ngoại. HSC cũng cho rằng tăng trưởng GDP năm nay sẽ dễ dàng đạt mục tiêu 6,7% và trong trường hợp tốt nhất có thể đạt 6,9%. Ngoài ra, các yếu tố khác như lạm phát sẽ ở mức mục tiêu 4%, tiền đồng chỉ mất giá tối đa 3% và cán cân thanh toán tiếp tục lành mạnh. Về yếu tố vi mô, HSC cũng dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, với EPS của top 70 mã vốn hóa lớn sẽ tăng trưởng 20,2%.

Trong khi đó, tại Hội thảo "Chiến lược đầu tư chứng khoán" của công ty chứng khoán Yuanta diễn ra vào ngày 22/9 vừa qua, chuyên gia của Yuanta dự báo VN Index có thể đạt mức 1.177 điểm vào cuối năm 2018, dựa trên mức PE dự phóng hợp lý là 18, với các yếu tố nội tại ủng hộ tốt như vĩ mô và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, ông Minh cho biết Morgan Stanley Capital International (MSCI) đang lăn tăn về mặt định tính của thị trường chứng khoán Việt Nam đó là việc lưu ký và thanh toán bù trừ. Ngoài ra, MSCI đang chờ chứng khoán Việt Nam ổn định mới xem xét đưa vào nhóm thị trường mới nổi. Ông Minh kỳ vòng vào tháng 6/2019, Việt Nam sẽ nằm trọng diện theo dõi để đưa vào thị trường mới nổi.

Rủi ro của thị trường vẫn đến từ tình hình chính trị thế giới và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang bị định giá quá cao, trong khi tăng trưởng tín dụng của ngành đang chậm lại và Ngân hàng Nhà nước cho thấy quan điểm thận trọng trong cho vay các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản và cho vay tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích của Yuanta cũng cho rằng vốn hóa thị trường đang chủ yếu nằm ở nhóm ngân hàng và Large cap, và hai nhóm này đang "làm mưa làm gió" trên thị trường, cho thấy yếu tố rủi ro từ nhóm này. Tuy nhiên, sắp tới hàng loạt doanh nghiệp nhà nước niêm yết sẽ làm giảm mức độ tác động của nhóm Large Cap.

Đáng lưu ý là công ty chứng khoán VN Direct trong báo cáo về cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước cũng cho rằng Chính phủ có thể đẩy nhanh tiến độ thoái vốn trong những tháng cuối năm 2018. Chính phủ cũng sẽ tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh khác như BIDV và Vietcombank thông qua việc cho phép các ngân hàng này lên kế hoạch tăng vốn nhằm bổ sung nguồn vốn.

Dòng tiền đang tích cực quay lại với chứng khoán trong những phiên gần đây

Và câu chuyện dài hạn

Đối với triển vọng trung dài hạn, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) trong báo cáo hôm 20/9 nhận định các thị trường cận biên, đang diễn biến tốt hơn các thị trường mới nổi, khi nhà đầu tư tìm cách tránh cuộc chiến thương mại leo thang, USD mạnh lên và lãi suất tăng. Theo IIF ước tính dòng vốn đầu tư bất thường chảy vào các quốc gia thị trường cận biên tăng từ 124 tỷ USD năm 2017 lên 145 tỷ USD trong năm 2018.

Marshall Stocker, chiến lược gia vốn vĩ mô toàn cầu tại Eaton Vance cũng cùng chung quan điểm, khi cho rằng thị trường cận biên không chịu nhiều thách thức như thị trường mới nổi như USD mạnh, chiến tranh thương mại hay giảm thanh khoản của các ngân hàng trung ương. Thị trường cận biên ít liên quan đến kinh tế thế giới hơn nên ít nhạy cảm với những xu thế vĩ mô hơn những quốc gia xếp trên.

Và trong khi lý giải tại sao Indonesia và Phillippines gây lo ngại thì ông Stocker cho rằng nhà đầu tư nên chú ý trước tiên tới Việt Nam. Ông cũng chia sẻ rằng dù ông thích Kazakhstan nhưng thị trường Việt Nam đáng chú ý nhất. Ông nói: "Đó là quốc gia mà các nhà đầu tư nên mua và nắm giữ dài hạn vì chương trình cải cách của chính phủ vẫn đi đúng hướng dù tiến độ còn chậm".

Dù VNIndex đã giảm 25% trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 7, Stocker vẫn tin Việt Nam là thị trường sẽ diễn biến rất tốt trong vài thập kỷ tới. Chiến lược tốt nhất là mua vào. Việt Nam là cái tên cần có trong mọi danh mục đầu tư các thị trường mới nổi và cận biên, khi mà trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện nay, Việt Nam có thể lại hưởng lợi. Nhiều quốc gia nhận ra rằng chuỗi cung ứng của họ quá tập trung ở Trung Quốc và đang di chuyển dần sang nước khác. Quá trình này dự báo tăng tốc trong tương lai.

MẪN NHI

Trong phiên giao dịch hôm nay, dù thị trường không thể duy trì được sắc xanh vào cuối phiên, với VN Index quay đầu giảm nhẹ 0,55 điểm trong phiên đóng cửa xuống 1.010,74 điểm, tuy nhiên khối lượng giao dịch tiếp tục thể hiện tích cực khi khớp gần 232 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE. Khối ngoại cũng tiếp tục mua ròng hơn 82 tỷ trên sàn HOSE trong phiên hôm nay.

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/vn-index-c%C3%B3-th%E1%BA%BB-len-d%C3%A9n-bao-nhieu-13426.html