Vn-Index: 9 năm cho hành trình trở lại mốc 900 điểm

VN-Index ngày 21-11 đã chốt ở mức 918,3 điểm, đánh dấu hành trình dài 9 năm cho việc quay trở lại mốc 900 điểm của chứng khoán Việt Nam. Điều này đã được nhiều chuyên gia tài chính lấy làm cơ sở cho lời dự báo VN-Index sẽ vượt mốc 1.000 điểm trong vài tháng tới.

Chứng khoán quay lại mốc 900 điểm sau 9 năm. Ảnh: TL.

Năm 2007, VN-Index chạm mức đỉnh với hơn 1.170 điểm. Để rồi sau đó, chỉ số này miệt mài đi xuống, còn 900 điểm vào đầu năm 2008 và chạm đáy 230 điểm vào đầu năm 2009. Mất 9 năm, một khoảng thời gian chưa quá dài nhưng không đủ ngắn để thị trường chứng khoán lấy lại đà tăng.

Những nhân tố thúc đẩy VN-Index đi lên trong thời gian gần đây đều được gắn với sự cải thiện của kinh tế vĩ mô Việt Nam. Có vẻ như thị trường chứng khoán đã quay trở lại thời kỳ tăng trưởng với một diện mạo mới hơn. Tuy nhiên, theo những thành viên tham gia thị trường, chứng khoán Việt Nam vẫn cần một số thay đổi để phát triển bền vững hơn.

Giám đốc một công ty quản lý quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng chỉ số chính của thị trường chứng khoán đã lấy lại mốc cao của cách đây 9-10 năm, nhưng bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Trên thị trường, số lượng doanh nghiệp niêm yết tăng cao, các sản phẩm cung cấp cho nhà đầu tư cũng đa dạng hơn, như mới đây thôi, nhà đầu tư có thể thử sức với chứng khoán phái sinh. Song song đó, những quy chuẩn để nâng cao chất luợng quản trị công ty cũng được cơ quan quản lý chú trọng.

Cuối 2007, vốn hóa thị trường chỉ khoảng hơn 40% GDP, tương đương khoảng 500.000 tỉ đồng, đến ngày 31-10 vừa rồi, theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam đã lên đến gần 3,9 triệu tỉ đồng, bằng 86% GDP, và tăng hơn 7 lần so với 2007.

Thay vì chỉ có vài công ty vốn hóa trên 1 tỉ đô la Mỹ như những năm 2007-2008, đến nay đã có trên 20 công ty niêm yết trên các sàn có quy mô vốn hóa trên mức này.

Sự gia tăng quy mô vốn hóa là kết quả của sự tăng giá các cổ phiếu cũng như tăng lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn. Trong ba năm trở lại đây, rất nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đã lên niêm yết. Theo vị giám đốc quỹ đầu tư nói trên, lượng hàng hóa có chất lượng ở thời điểm hiện tại cao hơn hẳn so với các năm trước, tạo điều kiện cho các quỹ đầu tư có cơ hội chọn lựa cổ phiếu tốt. Hiện nay trên sàn đã có những doanh nghiệp lớn của Việt Nam tham gia như Vietnam Airlines, VietjetAir, Petrolimex, Sabeco...

Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Công ty Quản lý quỹ VFM, cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi làm việc với quỹ đều cho rằng chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn không thua kém các thị trường trong khu vực ASEAN, như Thái Lan, Philippines. Mức tăng của chỉ số chính VN-Index cho đến hết tháng 9 đã trên 20%, cao hơn của Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Bà Hạnh cho biết dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán tăng trong năm nay. Đặc biệt là dòng tiền đến rất nhiều từ các nhà đầu tư Hàn Quốc.

Nhờ xu hướng thị trường cải thiện, giá trị tài sản ròng của các quỹ trong VFM đều tăng cao, đặc biệt quỹ VFM VN30 tăng đến 158% trong 9 tháng đầu năm, một phần là do các cổ phiếu lớn trong VN30 như VNM, MBB, FPT… tăng giá mạnh trong năm nay.

Cùng đồng tình với quan điểm này, vị giám đốc công ty quản lý quỹ nói trên cho biết vốn đầu tư nước ngoài đang trở thành điểm sáng trên thị trường chứng khoán, hiện một số quỹ nước ngoài đã gọi thêm được vốn, trong đó có cả quỹ mà ông đang quản lý. Những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc giải quyết các vấn đề của kinh tế vĩ mô sau khủng hoảng, quy định về tỷ lệ nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp Việt được nới lỏng, khiến thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn.

Tuy vậy, vị này cho rằng Việt Nam cần cải thiện một số những vấn đề trong thời gian tới để có thể trở thành thị trường chứng khoán mới nổi, thay vì chỉ là thị trường cận biên như hiện nay. Đây là một trong các yếu tố mà nhà đầu tư nước ngoài xem xét khi chọn mua cổ phiếu tại một thị trường chứng khoán. Các vấn đề nói trên có liên quan đến thị trường ngoại hối và tỷ lệ sở hữu hạn chế của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty trong một số lĩnh vực.

Ngoài ra, việc kiểm soát chặt chẽ các giao dịch méo mó, các cổ phiếu bị đẩy giá là điều mà cơ quan quản lý cần quan tâm. Hiện nay trên thị trường có nhiều cổ phiếu tăng giá rất khó hiểu. Việc đặt ra các quy định và giám sát chặt để thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển lành mạnh hơn là điều rất cần.

Thảo Nguyên

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265221/vn-index-9-nam-cho-hanh-trinh-tro-lai-moc-900-diem.html