VN có 15.000 hay 300.000 người bán dâm: Chỉ là ước tính

Mỗi một đơn vị sẽ có cách thống kê khác nhau, nên sẽ có sự chênh lệch, thực tế, đối tượng thống kê thay đổi rất nhanh vì di chuyển thường xuyên.

Chỉ dựa vào số liệu địa phương

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh vừa có báo cáo tổng hợp kết quả giám sát "Việc thực hiện Luật phòng, chống vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), Luật phòng, chống ma túy và Pháp lệnh phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2016" (báo cáo giám sát) gửi đến Quốc hội.

Căn cứ báo cáo từ các địa phương có 15.000 người bán dâm nhưng theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ước tính là 101.272 người trong đó 72.000 là nữ, còn Bộ Y tế ước tính số người bán dâm khoảng 87.000, đặc biệt một tài liệu nghiên cứu của Liên hợp quốc ước xấp xỉ 300.000 người bán dâm ở Việt Nam vào năm 2014.

Trước sự chênh lệch con số trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 3/11, ông Lê Đức Hiền - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB-XH cho biết: "Nếu để chính xác từng con số trong báo cáo thì phải đi từng địa phương, tỉnh thành phố trên cả nước để rà soát.

Riêng số liệu báo cáo mà có con số lẻ đằng sau là cực kỳ không chính xác, không thể có chuyện này, vì tất cả con số chỉ là ước tính.

Còn về phía Cục, số liệu thống kê dựa theo con số do các địa phương, các Chi cục báo cáo lên, còn chúng tôi có nhiệm vụ tổng hợp lại.

Một địa điểm bán dâm được phát hiện. Ảnh NLĐ

Kể cả Bộ Y tế đưa ra con số cũng chỉ là ước tính, chúng tôi chỉ xác định số liệu qua các Chi cục, các cơ quan phòng chống địa phương, còn bảo ước tính bao nhiêu thì rất khó, chúng tôi không thể đưa ra con số khác với con số địa phương báo cáo.

Còn con số của Liên hợp quốc cho rằng có đến 300.000 người bán dâm, chúng tôi cũng chỉ biết như vậy nhưng cũng không phản đối và cũng không chấp nhận con số đó".

Trong khi đó, chia sẻ với Đất Việt, ông Phạm Đức Chính - Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Nam Định cho biết: "Theo tôi, các đối tượng thống kê chỉ có thời điểm, nên những con số các cơ quan ban ngành cấp trên được báo cáo không thống nhất là điều dễ hiểu.

Mỗi một đơn vị sẽ có cách thống kê khác nhau, nên sẽ có sự chênh lệch, thực tế, đối tượng thống kê thay đổi rất nhanh, có sự di chuyển thường xuyên, nên tôi nghĩ chuyện báo cáo con số có sự khác nhau cũng bình thường".

Bên cạnh đó, theo ông Chính, với số liệu 300.000 người bán dâm ở Việt Nam, phải làm rõ con số thống kê này được dựa theo nội hàm ra sao thì mới đặt ra các câu hỏi rõ ràng vì sao có sự chênh lệch, vì mỗi bên có những cách tiếp cận khác nhau.

Bình thường số liệu cũng do 2-3 lực lượng thống kê, đôi khi công an thống kê địa điểm này, địa phương thống kê địa điểm khác. Đối tượng được thống kê là người bán dâm luôn biến động, nên vấn đề quan trọng là dựa vào đâu để lấy số liệu, mới tìm ra sự khác biệt.

"Riêng về số liệu thống kê lượng người bán dâm ở Nam Định thì các địa phương có sổ sách lưu lại, cuối năm thì có một báo cáo tại thời điểm cụ thể. Về số lượng 2 năm qua ở Nam Định số lượng người bán dâm có hồ sơ thực tế có giảm", ông Chính cho hay.

Khó phát hiện trường hợp mới

Cũng đưa ra quan điểm về sự chênh lệch các con số trong báo cáo này, ông Hoàng Thành Thái - Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TP Hà Nội cho rằng, ngày xưa sẽ có trung tâm cải tạo để đưa đối tượng bán dâm vào cải tạo, trung tâm sẽ lưu trữ hồ sơ, nên số lượng sẽ dựa theo con số này.

Còn bây giờ thì phải qua Luật xử hành chính, qua những vụ án bắt được thì mới cập nhật vào lưu trữ hồ sơ, còn đối tượgg quản lý vẫn là đối tượng cũ.

"Hiện nay, bảo mới phát hiện các trường hợp bán dâm rất khó, vì không thể phát hiện được ra, cứ bảo tồn tại nhiều nhưng không bắt được. May là bây giờ còn có phần mềm cập nhật vào, chứ trước đây chỉ trên cơ sở hồ sơ để nhập vào.

Tất cả không thể chỉ ước tính vì phải thực sự có mới được đưa vào, phải nhìn thấy cụ thể, mắt nhìn thấy, mới khẳng định được.

Những con số thống kê khác chỉ là nghi chứ còn phải bắt được cụ thể, bắt tận tay day tận trán mới đưa vào quản lý, đưa vào hồ sơ theo dõi.

Có thể các tổ chức khác mới chỉ tính ở mặt bằng, nghi là bán dâm khác với người đã thực hiện hành vi bán dâm, ngay cả Hà Nội tất cả các vụ bán dâm bị bắt thì mới được cập nhật vào hồ sơ, còn nghi ngờ mà đưa vào là không được chấp nhận", ông Thái phân tích.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/vn-co-15000-hay-300000-nguoi-ban-dam-chi-la-uoc-tinh-3346364/