VKSND tối cao yêu cầu triển khai sơ kết thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017

Ngày 23/4, VKSND tối cao có công văn số 1583/VKSTC-V4 gửi Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sơ kết việc thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017 ngày 22/12/2017.

Theo VKSND tối cao, việc sơ kết nhằm đánh giá hiệu quả của Thông tư liên tịch số 02/2017 ngày 22/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Thông tư liên tịch số 02/2017) trong toàn Ngành (Hội nghị sơ kết dự kiến tổ chức trong Quý III/2021).

Qua đó rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư liên tịch trên, nhằm kéo giảm tỉ lệ số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, nhất là kéo giảm số vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung do lỗi của Kiểm sát viên.

Theo đó, Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng các đơn vị Vụ 1, Vụ 2, Vụ 3, Vụ 4, Vụ 5, Vụ 6 và Cục 1 thuộc VKSND tối cao; Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sơ kết, đánh giá việc thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017, trong 3 năm công tác (từ ngày 1/12/2017-30/11/2020), theo các nội dung đã được xác định.

Cụ thể: Kết quả công tác quán triệt, triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017; đánh giá hiệu quả của Thông tư liên tịch số 02/2017; tổng hợp, phân tích tình hình chung về án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, trong 3 năm (từ ngày 1/12/2017-30/11/2020).

 Quang cảnh phiên tòa hình sự. (Ảnh minh họa: VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Quang cảnh phiên tòa hình sự. (Ảnh minh họa: VKSND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Phân tích số liệu án trả hồ sơ để điều tra bổ sung của từng năm công tác (năm 2018, 2019 và năm 2020). Tỉ lệ % án trả hồ sơ để điều tra bổ sung của từng năm; so sánh số liệu, tỉ lệ % giữa các năm (tăng/giảm), trong đó tập trung làm rõ: Viện kiểm sát trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung; Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung.

Đánh giá việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017 về trả hồ sơ để điều tra bổ sung; việc Viện kiểm sát, Tòa án ban hành Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 9); nội dung Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung có bảo đảm thực hiện đúng quy định, có căn cứ (Điều 4, 5, 6 và 7).

Công tác phối hợp thực hiện Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 10); công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 11, 12 và Điều 13).

Công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng để hạn chế việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với các vụ án do Viện kiểm sát cấp trên thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra phân công cho Viện kiểm sát cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung (khoản 3 Điều 13). (Lưu ý: Nêu số liệu và đánh giá tỉ lệ % án trả hồ sơ để điều tra bổ sung đối với loại án này, chiếm tỉ lệ ...% (so sánh với tỉ lệ % tổng số án Tòa án trả cho Viện kiểm sát cao/thấp); nguyên nhân.

Việc thực hiện quản lý việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 14); xác định trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung (Điều 15).

Các biện pháp phối hợp khác trong thực tiễn giữa các cơ quan tiến hành tố tụng đem lại hiệu quả cao trong việc hạn chế trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Nguyên nhân và trách nhiệm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tập trung phân tích, đánh giá các quy định của Thông tư liên tịch số 02/2017 đã sát với thực tiễn chưa; đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc gì...? Những quy định của Thông tư liên tịch số 02/2017 chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và chưa tương thích với các văn bản hướng dẫn liên quan; công tác quán triệt, tổ chức, thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017 có vấn đề gì bất cập, hạn chế không.

Qua thực tiễn vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2017 trong 3 năm (1/12/2017 - 30/11/2020), có nội dung nào của Thông tư liên tịch cần phải sửa đổi, bổ sung.

VKSND tối cao yêu cầu Văn phòng và Cục 2 VKSND tối cao có trách nhiệm phối hợp, cung cấp số liệu thống kê, báo cáo và phụ lục các chỉ tiêu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử của ngành Kiểm sát nhân dân liên quan đến án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, phục vụ việc xây dựng báo cáo sơ kết trong toàn Ngành. Vụ 4, VKSND tối cao là đầu mối tiếp nhận số liệu và xây dựng báo cáo.

VKSND tối cao yêu cầu Viện kiểm sát quân sự, Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm triển khai thực hiện việc sơ kết 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 02/2017 và gửi báo cáo (kèm bản Phụ lục thống kê số liệu án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, theo Biểu mẫu số 01 gửi kèm) do Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện duyệt ký về VKSND tối cao (qua Vụ 4), trước ngày 31/5/2021.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vksnd-toi-cao-yeu-cau-trien-khai-so-ket-thuc-hien-thong-tu-lien-tich-so-02-2017-104463.html