VKSND tối cao yêu cầu sơ kết thực hiện Quy chế 314 trong ngành KSND

VKSND tối cao vừa có công văn gửi một số đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao; VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sơ kết thực hiện Quy chế phối hợp giữa VKSND cấp trên với VKSND cấp dưới trong giải quyết các vụ án hình sự do VKSND cấp trên thực hành quyền công tố, truy tố và phân công VKSND cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm (Quy chế 314ngày 5/7/2018) trong ngành KSND.

Thực hiện nhiệm vụ được giao trong năm 2021, Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án kinh tế (Vụ 3), VKSND tối cao chủ trì xây dựng báo cáo sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa VKSND cấp trên với VKSND cấp dưới trong giải quyết các vụ án hình sự do VKSND cấp trên thực hành quyền công tố, truy tố và phân công VKSND cấp dưới thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm (ban hành kèm theo Quyết định số 314/QĐ-VKSTC ngày 5/7/2018 của Viện trưởng VKSND tối cao).

Để bảo đảm chất lượng và thời hạn hoàn thành báo cáo sơ kết, VKSND tối cao (Vụ 3) đề nghị các đơn vị và VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng báo cáo theo Đề cương. Thời điểm lấy số liệu báo cáo: Từ ngày 5/7/2018 đến 30/4/2021; thời hạn gửi báo cáo: trước ngày 15/6/2021.

Về Đề cương báo cáo của các đơn vị thuộc VKSND tối cao gồm các nội dung: Tình hình triển khai Quy chế; việc phối hợp trong giai đoạn khởi tố, điều tra; trong giai đoạn truy tố; trong giai đoạn xét xử sơ thẩm; chính sách đối với Kiểm sát viên; đánh giá; đề xuất, kiến nghị.

Trong đánh giá tình hình cần lưu ý nội dung: Việc phổ biến và triển khai thực hiện Quy chế 314 tại VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện.

Quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra thuộc VKSND tối cao với VKSND cấp tỉnh trong việc giải quyết vụ án hình sự do VKSND tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và quyết định truy tố, sau đó phân công cho VKSND cấp tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm (trước và sau khi ban hành Quy chế 314).

Đối với Đề cương báo cáo của VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Phối hợp giữa VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp huyện; phối hợp giữa VKSND tối cao và VKSND cấp tỉnh) các nội dung cũng tương tự như đối với các đơn vị thuộc VKSND tối cao.

VKSND tối cao (Vụ 3) cũng lưu ý, trong đánh giá chung, về mục đích phối hợp cần đánh giá mức độ chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Đánh giá trách nhiệm của Kiểm sát viên tham gia giải quyết vụ án hình sự; hiệu quả phối hợp của Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp dưới và Kiểm sát viên Viện kiểm sát cấp trên trong quá trình giải quyết vụ án từ giai đoạn điều tra, truy tố cho đến khi kết thúc xét xử sơ thẩm vụ án.

Đánh giá vai trò chỉ đạo của Viện kiểm sát cấp trên trong quá trình xét xử sơ thẩm vụ án.

Về thực hiện nguyên tắc phối hợp: Đánh giá quan hệ phối hợp với việc bảo đảm nguyên tắc tập trung, thống nhất lãnh đạo trong Ngành trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

Đánh giá quan hệ phối hợp với việc bảo đảm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của mỗi đơn vị trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành KSND.

Đồng thời, đánh giá quan hệ phối hợp với việc bảo đảm tuân thủ đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật và quy định của ngành Kiểm sát.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vksnd-toi-cao-yeu-cau-so-ket-thuc-hien-quy-che-314-trong-nganh-ksnd-106991.html