VKSND tối cao trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn

Ngày 6/5, VKSND tối cao có công văn số 1749/VKSTC-V14 gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn gửi tới trước Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Cử tri nêu câu hỏi: Tại điểm o khoản 1 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có giải thích vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Đề nghị quy định rõ nội dung của hành vi “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng”.

Về nội dung trên, theo VKSND tối cao, theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 02/2017 ngày 22/12/2017 về việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng là làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, có thể gây ra cho họ thiệt hại về vật chất, tinh thần.

Ví dụ 1: Trong vụ án có bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình hoặc bị can, bị cáo có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa, người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không chỉ định người bào chữa cho họ.

Ví dụ 2: Trong vụ án có người bị hại nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng không xác định tư cách bị hại để đưa họ vào tham gia tố tụng, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại của họ.

Có cử tri hỏi: Khoản 3 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa”. Đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện đối với trường hợp bị hại được triệu tập hợp lệ nhiều lần mà vẫn không đến phiên tòa.

Về câu hỏi này, VKSND tối cao cho rằng, theo quy định tại khoản 1 Điều 292 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nếu bị hại hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. Nếu Tòa án vẫn tiến hành xét xử thì theo quy định tại Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên có thể công bố lời khai, lời buộc tội của bị hại trong giai đoạn điều tra, truy tố (có thể có lời khai buộc tội của bị hại), trừ trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ngoài ra, nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì người đại diện cũng có thể trình bày lời buộc tội tại phiên tòa thay cho bị hại vắng mặt.

 Cử tri tham dự buổi tiếp xúc tại Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 4, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

Cử tri tham dự buổi tiếp xúc tại Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị số 4, TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa)

Một câu hỏi khác đó là: Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng hình sự được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 41 như sau: “... quyết định khởi tố, không khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định của Bộ luật này” và tại điểm b khoản 2 Điều 41 quy định: “... quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can...”. Như vậy, quy định giữa điểm a khoản 2 Điều 41 và điểm b khoản 2 Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có sự trùng lặp khi quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát.

Nội dùng này, VKSND tối cao trả lời: Đây là kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tuy nhiên, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 mới có hiệu lực từ 1/1/2018 nên việc xem xét sửa đổi, bổ sung cần phải có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền. VKSND tối cao ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri và sẽ đề xuất cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tổng kết, sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Có cử tri hỏi nội dung: Điều 83 quy định về Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và Điều 84 quy định Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Tuy nhiên, nội dung của hai Điều này chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà không quy định thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Theo VKSND tối cao, đối với nội dung trên, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về thủ tục đăng ký hoặc cấp giấy chứng nhận cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự nhưng tại Thông tư số 46/2019/TT-BCA ngày 10/10/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 liên quan đến bảo đảm quyền bào chữa của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố đã quy định cụ thể về thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (Điều 9).
Tuy nhiên, đây chỉ là văn bản quy phạm pháp luật đơn ngành, chỉ áp dụng trong hệ thống Cơ quan điều tra. VKSND tối cao ghi nhận kiến nghị nêu trên của cử tri để phản ánh với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tổng kết Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Một câu hỏi khác của cử tri đó là: Về quy định thời hạn áp dụng việc truy tố tại Điều 240 và việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế tại Điều 241 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: Với quy định tại các Điều này được hiểu là áp dụng đối với những vụ án được giải quyết theo trình tự ban đầu. Tại Điều 174 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại và thời hạn tạm giam nhưng trong giai đoạn truy tố Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 không quy định về thời hạn truy tố và thời hạn tạm giam trong giai đoạn truy tố đối với trường hợpViện kiểm sát nhận lại hồ sơ vụ án do điều tra bổ sung. Việc này sẽ dẫn đến cách hiểu không thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Đối với câu hỏi trên, VKSND tối cao cho biết, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (cũng như Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 trước đây) không có quy định riêng về thời hạn quyết định việc truy tố và thời hạn tạm giam bị can trong trường hợp Viện kiểm sát nhận lại hồ sơ vụ án kèm theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan điều tra; do đó trong trường hợp này, thời hạn quyết định việc truy tố và thời hạn tạm giam bị can trong giai đoạn truy tố được Viện kiểm sát thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Điều 240 và Điều 241 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các quy định liên quan của Thông tư liên tịch số 04/2018 ngày 19/10/2018 quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/ban-tin-kiem-sat/vksnd-toi-cao-tra-loi-kien-nghi-cua-cu-tri-tinh-lang-son-105045.html