VKSND tối cao hướng dẫn phối hợp kiểm sát giao, gửi bản án, quyết định thi hành án hình sự

Định kỳ vào ngày làm việc cuối cùng của tháng, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự liên hệ với các bộ phận chuyên môn của Tòa án cùng cấp để đối chiếu xác định: Số vụ án/bị cáo đã xét xử; số bản án đã chuyển đến Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó số vụ án đã có hiệu lực pháp luật, số bản án có kháng cáo (hoặc kháng nghị). Số còn lại chưa chuyển, số bản án/bị cáo chưa có hiệu lực pháp luật.

Ngày 17/9, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 27/HD-VKSTC hướng dẫn phối hợp kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự.

Theo VKSND tối cao, thời gian qua, VKSND các cấp đã tăng cường công tác kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự cho Viện kiểm sát, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Thông qua hoạt động kiểm sát, VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện nhiều vi phạm pháp luật của Tòa án và các cơ quan hữu quan để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu chấm dứt, khắc phục, sửa chữa vi phạm.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự còn thiếu chủ động dẫn đến một số bản án hình sự có hiệu lực pháp luật nhưng không được thi hành; người bị kết án phạt tù vẫn ở ngoài xã hội, nhiều trường hợp phải lập hồ sơ để người bị kết án được hưởng thời hiệu thi hành bản án; một số bản án đang thi hành bị cải sửa về hình phạt theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng chậm được giải quyết, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả, chất lượng công tác kiểm sát.

Nguyên nhân chính là do công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) về thẩm quyền, thủ tục trong giai đoạn xét xử mới được bổ sung, điều chỉnh nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, VKSND tối cao hướng dẫn một số nội dung trong thực hiện phối hợp kiểm sát việc Tòa án giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án; gửi quyết định thi hành án hình sự cho Viện kiểm sát, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phối hợp kiểm sát việc giao, gửi bản án, quyết định

Đối với việc phối hợp kiểm sát việc giao, gửi bản án, quyết định, Hướng dẫn nêu rõ: Sau khi tiếp nhận bản án, quyết định do Tòa án các cấp gửi đến (kể cả bản án chưa có hiệu lực pháp luật) hoặc thông báo kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm do Viện kiểm sát có thẩm quyền chuyển đến, đơn vị kiểm sát xét xử hình sự thực hiện nhiệm vụ kiểm sát bản án, quyết định theo quy định, đóng dấu chưa có hiệu lực pháp luật hoặc có hiệu lực pháp luật vào bản án, quyết định để theo dõi quản lý; đồng thời có trách nhiệm sao gửi ngay 1 bản đến đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự để phối hợp kiểm sát theo nhiệm vụ, quyền hạn của Ngành; trường hợp bản án dài, phức tạp thì có thể sao gửi phần đầu (thủ tục và lý lịch bị cáo) và phần quyết định của Hội đồng xét xử.

Đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự mở sổ theo dõi, quản lý đầy đủ việc tiếp nhận bản án, quyết định do các đơn vị chuyển đến, sổ theo dõi phải thể hiện nguồn tiếp nhận (trường hợp chuyển trực tiếp phải thể hiện ký nhận giữa các bên để quản lý chung). Sau khi tiếp nhận, phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên quản lý, nghiên cứu theo dõi thi hành bản án, quyết định của Tòa án, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự phải chủ động trong việc tiếp nhận bản án, quyết định và theo dõi kết quả xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm để kiểm sát thi hành án.

 Viện kiểm sát kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại Nhà tạm giữ, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. (Ảnh minh họa)

Viện kiểm sát kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại Nhà tạm giữ, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện. (Ảnh minh họa)

Định kỳ hằng tháng, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự phối hợp với đơn vị kiểm sát xét xử rà soát hệ thống sổ theo dõi kết quả kiểm sát xét xử hình sự, lập danh sách các trường hợp Tòa án cùng cấp đã xét xử trong tháng, đối chiếu, xác định số lượng bản án, quyết định đã tiếp nhận; số lượng bản án, quyết định còn thiếu chưa tiếp nhận và ban hành thông báo những vụ án đã xét xử chưa nhận được bản án, quyết định.

Đối với Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (Vụ 7), VKSND cấp cao 1, 2, 3, khi nhận được bản án, quyết định do Tòa án cùng cấp gửi đến (kể cả quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm; quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật), thực hiện ngay nhiệm vụ kiểm sát việc gửi bản án, quyết định của Tòa án theo đúng quy định tại Điều 262, Điều 395 BLTTHS 2015 để bảo đảm việc gửi bản án, quyết định của Tòa án được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; đồng thời thông báo cho VKSND cùng cấp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm biết để theo dõi kết quả xét xử theo quy định tại Điều 34 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao.

Định kỳ vào ngày làm việc cuối cùng của tháng, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự liên hệ với các bộ phận chuyên môn của Tòa án cùng cấp để đối chiếu xác định: Số vụ án/bị cáo đã xét xử; số bản án đã chuyển đến Viện kiểm sát, cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó số vụ án đã có hiệu lực pháp luật, số bản án có kháng cáo (hoặc kháng nghị). Số còn lại chưa chuyển, số bản án/bị cáo chưa có hiệu lực pháp luật.

Riêng đối với trường hợp Hội đồng xét xử trả tự do ngay tại phiên tòa thì đơn vị Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thông báo ngay cho đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự biết để phối hợp kiểm sát.

Phối hợp kiểm sát việc ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án

Đối với việc phối hợp kiểm sát việc ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án, theo Hướng dẫn của VKSND tối cao: Định kỳ hằng tháng, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự phải rà soát, đối chiếu, lập danh sách về số lượng bản án, quyết định thi hành án hình sự, ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự đã tiếp nhận.
Chủ động phối hợp với Tòa án cùng cấp đối chiếu, rà soát kết quả chuyển bản án và ra quyết định thi hành án để xác định: Số bản án/số bị án Tòa án đã ra quyết định thi hành án, số bản án/số bị án còn lại chưa ra quyết định thi hành án, trong đó chú ý đến những trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng đang tại ngoại.

Căn cứ vào kết quả theo dõi việc tiếp nhận bản án, quyết định đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc Tòa án cùng cấp ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 11 của Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao (Quy chế số 501).

Cùng với đó, Hướng dẫn còn đề cập đến nội dung phối hợp kiểm sát việc gửi quyết định thi hành án. Cụ thể, VKSND thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc Tòa án cùng cấp gửi quyết định thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 10 của Quy chế số 501, bảo đảm quyết định thi hành án hình sự được gửi đúng thời hạn, thành phần, thẩm quyền, thủ tục theo quy định tại các điều 21, 22, 77, 84 và 96 Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Định kỳ hằng tháng, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự tham mưu, phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự Công an có thẩm quyền để rà soát việc tiếp nhận, tổ chức thi hành quyết định thi hành án hình sự, trong đó chú ý đến việc nhận quyết định thi hành án đối với các trường hợp người bị kết án phạt tù nhưng đang tại ngoại.

Ngoài ra, đơn vị kiểm sát thi hành án hình sự phối hợp với các đơn vị trong Ngành để kiểm sát việc gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của cơ quan, người có thẩm quyền theo đúng quy định tại Điều 380 BLTTHS 2015.

Liên quan đến nội dung về trách nhiệm phát hiện, xử lý vi phạm, Hướng dẫn đề cập: Khi phát hiện vi phạm của Tòa án, cơ quan hữu quan trong việc giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự; gửi quyết định thi hành án hình sự; gửi quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì lập biên bản vi phạm (tiến hành xác minh nếu thấy cần thiết), báo cáo, đề xuất với Lãnh đạo VKSND cùng cấp để xử lý theo quy định của pháp luật và của Ngành.

Về tổ chức thực hiện, Hướng dẫn nêu rõ: Viện kiểm sát các cấp chủ động xây dựng quy chế phối hợp với Tòa án cùng cấp để phối hợp thực hiện nội dung này; định kỳ rà soát, đối chiếu việc tiếp nhận bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự; gửi quyết định thi hành án hình sự trong đó lưu ý đến việc tiếp nhận bản án phúc thẩm mà người bị kết án tù giam đang tại ngoại hoặc có cải sửa về hình phạt; các quyết định giám đốc thẩm có cải sửa về hình phạt và phần bồi thường dân sự. Đồng thời, lãnh đạo VKSND các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, định kỳ hằng tháng đánh giá kết quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong kiểm sát giao, gửi bản án, quyết định; ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định thi hành án hình sự; gửi quyết định thi hành án hình sự cho Viện kiểm sát, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác kiểm sát.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vksnd-toi-cao-huong-dan-phoi-hop-kiem-sat-giao-gui-ban-an-quyet-dinh-thi-hanh-an-hinh-su-94731.html