VKSND tối cao đã công bố kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/5/2019, đã có 21/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (đạt 95.4%), 62/63 UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt 98.4%) công bố kết quả hệ thống hóa văn bản. Kiểm toán nhà nước, VKSND tối cao cũng đã công bố kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định.

Báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước kỳ 2014-2018 của Bộ Tư pháp cho thấy, ngay từ cuối năm 2017, Bộ Tư pháp đã có Công văn đề nghị TAND tối cao, VKSND tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để triển khai nhiệm vụ này trong năm 2018, trong đó xác định nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản kỳ 2014-2018 là nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch công tác năm 2018.

Trên cơ sở các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Kế hoạch số 126/QĐ-TTg, các Bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được ý nghĩa quan trọng của công tác hệ thống hóa văn bản đối với việc chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực quản lý nhà nước cũng như để bảo đảm sự minh bạch, thống nhất của hệ thống pháp luật. Do đó, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều xây dựng Kế hoạch hệ thống hóa văn bản tại cơ quan mình. Nhiều Bộ, ngành, địa phương còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ, thành lập các tổ rà soát, hệ thống hóa văn bản, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc hệ thống hóa văn bản. Tuy nhiên, một số cơ quan ban hành Kế hoạch hệ thống hóa quá muộn, ảnh hưởng đến tiến độ hệ thống hóa văn bản.

Ngoài việc chú trọng ban hành Kế hoạch hệ thống hóa văn bản theo đúng quy định, các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm bố trí nhân lực, kinh phí, các điều kiện bảo đảm khác phục vụ cho hoạt động hệ thống hóa. Đồng thời, các cơ quan đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ trong quá trình thực hiện hệ thống hóa văn bản. Do đó, việc công bố kết quả hệ thống hóa văn bản đã được các cơ quan thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn hơn so với kỳ hệ thống hóa văn bản đầu tiên thống nhất trong cả nước năm 2013.

Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống hóa văn bản tại cấp huyện, cấp xã cũng được UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm thực hiện. Qua đó, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã xây dựng Kế hoạch hệ thống hóa văn bản, tổ chức và công bố kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng UBND cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện đúng, chưa bảo đảm thời gian công bố kết quả.

Tính đến ngày 31/5/2019, đã có 21/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ (đạt 95.4%), 62/63 UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đạt 98.4%) công bố kết quả hệ thống hóa văn bản. Kiểm toán nhà nước, VKSND tối cao cũng đã công bố kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định.

Các văn bản được ban hành cơ bản đã tuân thủ về trình tự, thủ tục, thể thức ban hành văn bản; nội dung của các văn bản khi xây dựng được chú trọng để bảo đảm không trái với các quy định trong văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp trên và phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, tình trạng văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, không xác định được tình trạng hiệu lực vẫn còn tồn tại. Theo đó, các văn bản này đã được đưa vào Danh mục văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới để kịp thời xử lý theo quy định.

Từ kết quả hệ thống hóa văn bản của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Tư pháp đã nêu những kiến nghị về một số vấn đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản nói riêng và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản nói chung. Cụ thể, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương chưa hoàn thành việc hệ thống hóa văn bản khẩn trương hoàn thành và thực hiện công bố kết quả hệ thống hóa theo đúng quy định của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương khẩn trương sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản (trường hợp văn bản thuộc thẩm quyền xử lý) hoặc kiến nghị các cơ quan, người có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản (trường hợp văn bản không thuộc thẩm quyền xử lý) để bảo đảm sự phù hợp, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường ý thức trách nhiệm đối với công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, thực hiện nghiêm Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, đồng thời tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác rà soát, hệ thống hóa, bảo đảm kinh phí theo quy định pháp luật cho công tác này.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/vksnd-toi-cao-da-cong-bo-ket-qua-he-thong-hoa-van-ban-theo-quy-dinh-71413.html