VKSND huyện Đức Thọ: Kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm về cố ý gây thương tích

Qua công tác kiểm sát, phân tích nguyên nhân từ những vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Đức Thọ trong thời gian qua, Viện kiểm sát huyện Đức Thọ kiến nghị với Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Thọ về một số biện pháp phòng ngừa vi phạm, tội phạm về loại tội này.

Thông qua công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, VKSND huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nhận thấy: Trong 9 tháng đầu năm 2018, số tin báo về tội phạm Cố ý gây thương tích xảy ra 05 trên tổng số 25 tin báo đã tiếp nhận, giải quyết, chiếm tỷ lệ 20%, tăng 60% về số vụ và 50% về số bị can so với cùng kỳ năm 2017. 100% đối tượng gây án đều không tham gia sinh hoạt trong các tổ chức, đoàn thể nào, không có nghề nghiệp ổn định hoặc chỉ là lao động giản đơn trong nông nghiệp và đang ở độ tuổi còn khá trẻ từ 18 đến 30 (chiếm tỷ lệ 89%); Có 02/08 đối tượng nhân thân xấu, chiếm tỷ lệ 25%. Ngoài ra, còn xảy ra 17 vụ việc gây gỗ, đánh nhau khác đã được cơ quan chức năng xử phạt hành chính, chủ yếu ở một số xã, như: Thị trấn Đức Thọ, Đức Nhân, Đức Thịnh, Đức Thủy, Đức An, Đức Lập… Tính chất của tội phạm ngày càng nguy hiểm hơn, 100% tội phạm được phát hiện, xử lý trong năm 2017 (03 vụ/ 04 bị cáo) đều thuộc trường hợp nghiêm trọng (có khung hình phạt đến 7 năm), nhưng năm 2018 số đối tượng bị phát hiện, xử lý hình sự thuộc trường hợp rất nghiêm trọng (có mức hình phạt cao nhất đến 10 năm tù) là 01 vụ 04 bị cáo, tăng 100% số vụ, 400% số bị cáo, chiếm tỷ lệ 25%, trên tổng số vụ án đã xét xử và hình phạt cũng tăng lên đáng kể, từ 100% bị cáo có mức án dưới 36 tháng tù năm 2017, thì 09 tháng đầu năm 2018 có 3/8 bị cáo có mức án trên 36 tháng tù (chiếm tỷ lệ 37,5%).

Qua thực tiễn công tác khi giải quyết các vụ án cố ý gây thương tích, VKSND huyện Đức Thọ nhận thấy một số nguyên nhân thường dẫn đến hành vi phạm tội đó là: Do một số bộ phận thanh niên có lối sống buông thả, tự do, thiếu kỹ năng ứng xử, kiềm chế bản thân, muốn giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực để thể hiện bản thân, nên khi xảy ra va chạm nhỏ, có thể bỏ qua, nhưng đã cố tình làm cho xung đột căng thẳng, dẫn đến đánh nhau (chiếm tỷ lệ 80%); việc sử dụng rượu, bia, dẫn đến dễ bị kích động, nổi nóng và có những lời nói, hành động quá khích, nên xảy ra va chạm và đánh nhau (chiếm tỷ lệ 40%); việc giải quyết một số vụ việc hành chính thiếu quyết liệt, nặng về hòa giải, nên chưa đủ sức răn đe, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm (chiếm tỷ lệ 40%) trong giai đoạn hiện nay.

Ảnh minh họa

Từ những thực trạng và nguyên nhân như đã nêu trên, để hạn chế các vụ cố ý gây thương tích trên địa bàn huyện Đức Thọ trong thời gian tới, Viện kiểm sát huyện Đức Thọ kiến nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đức Thọ một số nội dung:

1. Chỉ đạo lực lượng Công an huyện tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm Cố ý gây thương tích. Có kế hoạch định kỳ ra quân trấn áp tội phạm, bám sát địa bàn, giải quyết kịp thời các vụ án cố ý gây thương tích có dấu hiệu tội phạm. Đối với những vụ án gây thương tích có sử dụng hung khí nguy hiểm như: Dao, kiếm, gậy… thì cần phải được trưng cầu giám định ngay để xác định tỷ lệ thương tích làm căn cứ xử lý kịp thời. Trường hợp người bị hại không thể đi giám định được, thì trưng cầu Hội đồng giám định pháp y đến tận cơ sở y tế nơi người bị hại điều trị, để giám định. Trường hợp người bị hại không hợp tác, thì áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải theo quy định.

2. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đoàn thể cấp huyện, như: Phòng tư pháp, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng giáo dục đào tạo, Phòng văn hóa, Đài TT-TH huyện phối hợp Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Mặt trận tổ quốc huyện, các ngành trong khối nội chính và các trường học đóng trên địa bàn huyện… tiếp tục tham mưu bố trí kinh phí đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, như: Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật, tổ chức phiên tòa giả định về các tội xâm hại sức khỏe con người và bạo lực học đường; nhân rộng mô hình gia đình, dòng họ, trường học không có tội phạm. Đồng thời, có biện pháp vận động đoàn viên, thanh niên tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, hưởng ứng các phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, làm kinh tế giỏi, tạo thêm công ăn việc làm cho thanh niên.

3. Chỉ đạo UBND cấp xã, Công an xã chủ động phối hợp với các tổ chức, đoàn thể: Đoàn thanh niên, Mặt trận tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh xã… tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các hình thức như: Phát trên loa phát thanh của xã, tổ chức ký cam kết đến từng hộ dân hay lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể… Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải cơ sở; kịp thời nắm bắt tình hình vi phạm, tội phạm cũng như các mâu thuẫn trong đời sống nhân dân, tổ chức hòa giải và xử lý kịp thời các vụ việc ngay từ cơ sở theo đúng thẩm quyền, nhất là các vụ việc cố ý gây thương tích, đồng thời, báo cáo cơ quan chủ quản, Công an, Viện kiểm sát những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp hoặc có dấu hiệu tội phạm.

Văn Đức - Hồng Ngọc

Nguồn Kiểm Sát: http://kiemsat.vn/vksnd-huyen-duc-tho-kien-nghi-phong-ngua-vi-pham-toi-pham-ve-co-y-gay-thuong-tich-50777.html