VIS - thay đổi cùng cổ đông lớn Thái Hưng

Đột nhiên, VIS tăng trần trong hai phiên giao dịch cuối tuần qua sau động thái cổ đông lớn nhất là Thái Hưng đăng ký chào mua công khai 3,95 triệu cổ phiếu với mức giá lên tới 28.000 đồng.

Các nhà đầu tư hẳn còn nhớ, tháng 8/2016 TCT Sông Đà (cổ đông kiểm soát) thoái vốn hoàn toàn khỏi VIS, bán gần 25 triệu cổ phần cho CTCP Thương mại Thái Hưng. Kể từ khi Thái Hưng trở thành cổ đông kiểm soát của VIS, doanh nghiệp đã có những bước thay đổi lớn.

Sau hơn một năm nắm giữ Thái Hưng quyết định chốt lời một phần. Ngày 13/11/2017, CTCP Thái Hưng đã bán 20% vốn của VIS (tương đương gần 14,8 triệu cổ phiếu) cho Tập đoàn Kyoei Steel và giảm tỷ lệ sở hữu từ 65,7% xuống còn 45,7%.

Tập đoàn Kyoei Steel là một doanh nghiệp lớn trong ngành thép và nắm giữ thị phần lớn tại Nhật Bản. Tập đoàn hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất, gia công và bán phôi thép. Hiện tại ở Việt Nam, Kyoei Steel đang có 2 công ty con là công ty Thép Vina Kyoei (hoạt động chính ở thị trường miền Nam với công suất 1 triệu tấn/năm) và công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam (KSVC) (hoạt động chính ở thị trường miền Bắc với công suất 300.000 tấn/năm).

Nhưng ngay sau đó, Thái Hưng đăng ký mua vào 3,95 triệu. Nếu thành công, Thái Hưng sẽ lại nâng tỷ lệ sở hữu tại Thép Việt Ý lên 51,01%.

Diễn biến giao dịch cổ phiếu VIS trong thời gian gần đây

Kết thúc phiên cuối tuần, VIS đóng cửa ở mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu, sau 2 phiên tăng trần liên tiếp. Đường giá đã vượt qua tất cả các ngưỡng kháng cự ngắn hạn và đang trên đường trở về đỉnh cũ. Thời điểm đó, mức giá cao nhất VIS đạt được lên tới 57.700 đồng.

Tăng 14,4% trong tuần qua, nhưng khối lượng giao dịch không có nhiều đột biến. Thanh khoản trung bình trong tuần ở mức 78 nghìn đơn vị/phiên. Trong khi, trung bình tháng cũng ở mức 53 nghìn đơn vị. Điều này cho thấy, cơ cấu cổ động VIS là khá cô đặc.

Dưới góc nhìn đồ thị, VIS được xem là có mẫu chart “đẹp nhất” ngành thép trong năm 2017. Khi các nhịp đi lên và điều chỉnh không quá mạnh, khiến nhà đầu tư không phải lo lắng về điểm phân phối và tạo cảm giác muốn cầm dài hạn.

Với mức tăng 18,7% trong một tháng qua, VIS trả lại thành quả cho nhà đầu tư biết chờ đợi. Nhưng với mức tăng 37% trong 3 tháng và 90% trong vòng 1 năm trở lại đây, VIS lại biến mình trở thành siêu cổ phiếu.

Thay đổi cùng Thái Hưng

Trong năm 2016, sau 4 tháng về với Thái Hưng các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, VIS đã có nhiều bước thay đổi lớn. Đặc biệt là, tiêu thụ hiệu quả hơn, thể hiện qua sản lượng bán hàng tăng nhưng tỉ trọng chi phí bán hàng/doanh thu giảm mạnh từ 1,74% về còn 0,45%. Chỉ trong vòng 4 tháng kể từ ngày Thái Hưng kiểm soát, lượng bán hàng thông qua cổ đông lớn này đạt tới 962 tỷ đồng, tương đương với 25% doanh số cả năm 2016.

Đầu ra được hỗ trợ bởi cổ đông lớn, sản xuất phôi hiệu quả trở lại. Trong 8 tháng đầu năm hoạt động sản xuất phôi đình trệ trong 2 tháng, công suất thấp do không thể cạnh tranh với mức phôi lò cao giá rẻ của Trung Quốc và các doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, trong 4 tháng cuối năm, khi cổ đông lớn Thái Hưng tiếp quản, đẩy mạnh công tác tiêu thụ phôi giúp cho nhà máy phôi bắt đầu tăng công suất mạnh trở lại, hoạt động vượt công suất thiết kế.

Tới năm 2017, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 tổng doanh thu của VIS đạt 4.645 tỷ đồng (+100% yoy); lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 67 tỷ đồng (+99% yoy). Có 2 lý do chính dẫn đến việc kết quả kinh doanh tích cực như trên.

Thứ nhất, lượng phôi thép tiêu thụ ngoài tăng mạnh so với năm 2016. Sản lượng thép thanh thành phẩm tiêu thụ và giá bán thép xây dựng đều tăng khoảng 13-15% so với cùng kỳ. Theo giải trình của công ty, lượng phôi thép tiêu thụ ngoài trong quý III/2017 tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, theo báo cáo của hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép tiêu thụ của VIS lũy kế 9 tháng đầu 2017 đạt 228.000 tấn (+13% yoy). Giá thép xây dựng trong năm 2017 trung bình tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2016.

Thứ hai, sự xuất hiện của cổ đông lớn CTCP Thương mại Thái Hưng giúp hỗ trợ năng lực bán hàng và quản lý chi phí hiệu quả hơn. CTCP Thái Hưng cũng là đối tác lâu năm với các doanh nghiệp thép ở miền Bắc. Đáng chú ý, trong năm 2016, Thái Hưng cũng đã trở thành cổ đông lớn nhất của CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS). Sau đó, VIS đã ký hợp đồng với CTCP cán thép Thái Trung (Upcom - TTS) - một công ty con của TIS để gia công thêm 50.000 tấn thép cho VIS (tương đương 20% công suất sản xuất của VIS).

 Kết quả kinh doanh của VIS.

Kết quả kinh doanh của VIS.

Thêm vào đó, hiệu quả quản lý chi phí cũng được cải thiện, thể hiện qua việc tỷ trọng chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng đã giảm 33% từ 76 tỷ (lũy kế 9T/2016 – tương đương 3,2% doanh thu) xuống còn 51 tỷ (lũy kế 9T/2017 - tương đương 1,1% doanh thu).

Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp 9 tháng đã giảm xuống còn 4,2% từ mức 6,4% so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do giá thép phế - nguyên vật liệu chính để sản xuất tăng khá mạnh trong thời gian này, và mảng phôi thép và thép thương mại có tỷ suất lợi nhuận không cao bằng thép xây dựng.

Thêm vào đó, chi phí lãi vay của VIS cũng tăng mạnh (+99% yoy), do VIS phải đi vay nhiều hơn vì bị chiếm dụng vốn từ CTCP Thái Hưng. Điều này khiến cho tỷ suất lợi nhuận từ HĐKD cũng như tỷ suất LNST gần như không thay đổi so với 2016, tương ứng đạt 3,1% và 1,5%. Đây cũng là vấn đề kinh điển trong đầu tư vào những công ty sở hữu của một cá nhân hay tổ chức nào đó.

PGT: Ai sẽ chi tiền mua 5,26 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp khi thị giá chưa đến 3.900 đồng?

FLC chốt trả cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu

VIB mua lại hơn 33,8 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ

MAI HƯƠNG

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/co-phieu-noi-bat-tuan-vis-thay-doi-cung-co-dong-lon-thai-hung-3425472.html