Virus SAR-CoV-2 chuyển hướng tấn công, WHO khẳng định về vaccine

Người dưới 40 tuổi chiếm 75% số ca nhiễm mới nhất ở Thụy Sĩ; trong khi Tổng thống Trump nói Trung Quốc có nhiều người chết vì Covid-19 hơn Mỹ...

Trung Quốc có nhiều người chết vì Covid-19 hơn Mỹ?

Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 4/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng Trung Quốc có nhiều ca tử vong vì Covid-19 hơn Mỹ nhưng không công bố hoặc đã không báo cáo chính xác.

Theo Sputnik, ông Trump không đưa ra bằng chứng nào cho tuyên bố trên.

Viện nghiên cứu ở Washington dự báo ca tử vong do nCoV ở Mỹ có thể lên tới 410.000 người vào cuối năm nay, gấp đôi so với hiện tại.

Viện nghiên cứu ở Washington dự báo ca tử vong do nCoV ở Mỹ có thể lên tới 410.000 người vào cuối năm nay, gấp đôi so với hiện tại.

Số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy, tính đến sáng 5/9, Mỹ có hơn 6,2 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó 187.750 người tử vong. Trong khi tại Trung Quốc tính đến ngày 4/9 có 85.102 ca nhiễm với 4.634 người tử vong.

Trước phát biểu của Tổng thống Donald Trump, ngày 3/9, Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe (IHME), Đại học Washington dự báo ca tử vong do nCoV ở Mỹ có thể lên tới 410.000 người vào cuối năm nay, gấp đôi so với hiện tại.

Mô hình dự báo của IHME từng được Nhà Trắng và các quan chức chính phủ trích dẫn, cho rằng số người chết có thể tăng hơn gấp đôi vào ngày 1/1/2021 và thậm chí lên tới 620.000, nếu các bang nới lỏng các hạn chế ngăn Covid-19 và người dân xem nhẹ các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng.

"Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến. Tôi không nghĩ đó là điều ngạc nhiên", tiến sĩ Christopher Murray, giám đốc IHME, nói với các phóng viên trong một hội nghị trực tuyến hôm 4/9.

Virus SARS-CoV-2 chuyển hướng tấn công người dưới 40 tuổi

Một thông tin đáng quan tâm được Thụy Sĩ thông tin, đó là virus SARS-CoV-2 đã chuyển hướng tấn công.

Theo đó, lần đầu tiên kể từ trung tuần tháng 4 vừa qua, Thụy Sĩ đã ghi nhận hơn 400 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ qua.

Một đặc điểm trong đợt dịch lây nhiễm này là số người dưới 40 tuổi nhiễm bệnh tăng cao.

Ngày 4/9 đánh dấu quốc gia có 8,5 triệu dân này đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất - 405 ca - nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lên 43.532 ca kể từ khi bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Tuy nhiên, người đứng đầu bộ phận dịch tễ cộng đồng thuộc Bộ Y tế Thụy Sĩ, ông Stefan Kuster cho biết tình hình khá ổn định vì số ca phải nhập viện và tỷ lệ tử vong thấp.

Theo ông, tỷ lệ nhiễm ở Thụy Sĩ hiện ở mức thấp, dưới 1, tức là một người nhiễm có thể lây bệnh cho trung bình dưới 1 người khác. Ông Kuster dẫn các số liệu thống kê chính thức cho thấy, tính từ đầu mùa dịch đến nay, 39% người nhiễm ở nước này dưới 40 tuổi. Nhưng đối tượng này chiếm 75% số ca nhiễm mới nhất.

Dù giáp ranh với miền Bắc Italy, tâm dịch đầu tiên ở châu Âu, Thụy Sĩ không bị tác động mạnh của dịch và không áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt như các nước châu Âu khác.

Số ca nhiễm mới hằng ngày thường ở mức 1.000 ca hồi tháng 3 nhưng đã giảm mạnh và giữ ở mức ổn định vào giữa tháng 6. Kể từ đó, con số này vẫn ổn định.

WHO sẽ không phê chuẩn vaccine chưa đáp ứng tiêu chí an toàn

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành, có nhiều lo ngại khi các nhà sản xuất đang đẩy nhanh quá trình bào chế vaccine phòng Covid-19, ngày 4/9, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ không có vaccine nào được triển khai hàng loạt trước khi các chính phủ và WHO chắc chắn rằng loại vaccine này đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về an toàn và hiệu quả.

Theo các quy trình thông thường, phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để khẳng định rằng một vaccine tiềm năng nào đó là an toàn và hiệu quả.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, hiện có hơn 30 ứng cử viên vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng, trong đó ít nhất 8 loại đang trong giai đoạn 3, cũng là giai đoạn cuối cùng được thử nghiệm trên hàng chục nghìn người để khẳng định độ an toàn và hiệu quả của vaccine.

Liên quan đến việc phân phối vaccine, ông Ghebreyesus cho biết: "Phải ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế nơi tuyến đầu và những người có nguy cơ cao nhất. Nói cách khác là cần ưu tiên tiêm phòng cho một số đối tượng tại tất cả các nước, thay vì tiêm cho tất cả mọi người ở một số nước".

Trước đó, WHO đã thiết lập một cơ chế mang tên COVAX nhằm đảm bảo phân phối vaccine công bằng hơn, song hiện vẫn khó khăn trong việc gây quỹ để cung cấp vaccine cho 92 nước nghèo đã đăng ký.

Tuy nhiên, ông Ghebreyesus hoan nghênh các quốc gia và nền kinh tế có thu nhập trên trung bình và cao đã khẳng định tham gia COVAX, trong đó có Đức, Nhật Bản, Na Uy và Ủy ban châu Âu (EC) trong tuần trước.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/virus-sar-cov-2-chuyen-huong-tan-cong-who-khang-dinh-ve-vaccine-3418495/