Virus corona: Tin giả gieo nỗi sợ hãi cho xã hội

Các chuyên gia thế giới đều cho rằng những tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi Vũ Hán đang gây nhiều hoang mang trong dư luận.

Tờ Thanh Niên dẫn lời giáo sư truyền thông báo chí Alfred Hermida tại đại học British Columbia (Canada) nhận định, nỗi sợ đóng vai trò rất lớn trong việc này và rất dễ được vũ khí hóa. Đối với nhiều người, việc phân biệt đâu là thông tin đúng trên mạng xã hội là điều rất khó khăn.

Nhiều tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi ở Vũ Hán. Ảnh: Hanoimoi

Nhiều tin đồn thất thiệt về dịch viêm phổi ở Vũ Hán. Ảnh: Hanoimoi

Tương tự, Giáo sư xã hội học Fuyuki Kurasawa tại Đại học York (Canada) nói rằng mạng xã hội có thể làm gia tăng nỗi sợ của người dân trong thời điểm khủng hoảng vì bệnh dịch và làm suy giảm khả năng sàng lọc thông tin của họ.

Điều này có thể khiến cho một số người dễ trở thành nạn nhân của việc thông tin sai lệch và bị kỳ thị, công kích ngoài đời. Như sự việc tại Canada mới đây, một tài khoản Twitter tung tin rằng có một người vừa trốn thoát khỏi Vũ Hán và đang về Toronto.

Tài khoản chính thức của sân bay sau đó cảm ơn tài khoản tung tin và cho biết sẽ thông báo với cơ quan di trú. Ngay sau đó, nhiều người khác nhảy vào bình luận và kêu gọi cách ly người đàn ông khả nghi cùng toàn bộ người trên chuyến bay đó.

Theo giáo sư Kurasawa, nỗi sợ vô căn cứ này làm gia tăng những hành vi phân biệt đối xử hoặc xâm phạm nhân quyền, quyền được đối xử công bằng khi nhập cảnh vào Canada.

Trên trang cá nhân, GS. Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales, Úc cảnh báo, những thông tin sai lệch, tin giả không chỉ gây tình trạng hoang mang trong cộng đồng, mà còn gieo nỗi sợ hãi cho xã hội, tạo kích động trong cộng đồng mạng.

"Chúng ta không chỉ cần phải tỉnh táo để phân biệt tin giả và tin thật, mà còn biết cách lượng giá thông tin", ông Tuấn nói.

Từ những nhận định trên, ông Tuấn cho rằng, khi tiếp nhận thông tin việc đầu tiên là cần phải xác định nguồn thông tin từ đâu và ai, có đáng tin cậy hay không?

Việc phao tin về virus corona ở Vũ Hán như là một đại dịch hay tiềm năng đại dịch ở VN mà chưa có cơ sở đã làm cho cộng đồng hoang mang.

Tiếp theo là kiểm tra nội dung thông tin qua các trang web khác.

Ông Tuấn cho biết, nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm. Chẳng hạn như thông tin cho rằng Singapore không cho hàng trăm khách từ Vũ Hán nhập cảnh, nhưng nguồn tin chính thức từ chính phủ Singapore khẳng định đó là tin giả tạo.

Vấn đề nữa là phải kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Theo ông Tuấn, các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, kích động, cảm tính. Ngôn ngữ giả bộ khoa học nhưng không có dữ liệu. Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh họ viết nhiều khi sai về chính tả và ngữ pháp.

Đặc biệt, không chạy theo các "thuyết âm mưu" lạ lùng. Chẳng hạn như họ cho rằng các công ty dược, thậm chí Bill Gate tạo ra những chủng vi khuẩn mới để ... bán thuốc. Sự hiện diện của cái labo (bị nghi ngờ làm nghiên cứu về vũ khí sinh học) cũng được suy luận là nguồn gốc của vi khuẩn Vũ Hán, dù chẳng có chứng cớ gì.

Hay như việc sử dụng những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm. Rất nhiều hình trên facebook không hề có chú thích nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin.

Ông Tuấn cảnh báo người đọc đừng mắc mưu những kẻ kém lương thiện như vậy.

Virus corona: Việt Nam đặt mức khuyến cáo cao hơn WHO

Liệt kê lại toàn bộ những cơn dịch cúm đến rồi đi trong 40 năm qua như: Dịch Ebola năm 1976 ảnh hưởng đến 33000 người và tỉ lệ tử vong là 40%. Năm 1998, con Nipah làm cho 500 người bị nhiễm, nhưng tỉ lệ tử vong lên đến 78%! Năm 2002, SARS đến, làm nhiễm 8000 người, và 7-9% chết. Năm 2012 MERS gây nhiễm chừng 2500 người nhưng tỉ lệ tử vong khá cao (34%). Năm nay cũng con Corona (cùng dòng họ với con gây SARS và MERS) gây tác động cho hơn 1000 người, nhưng tỉ lệ tử vong chỉ 3% (hay có thể thấp hơn).

GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, trong tất cả các trận dịch trên, không có dịch nào giết nhiều người bằng cúm mùa. Mỗi năm cúm cướp đi hơn 650,000 sinh mạng trên thế giới. Nhưng chẳng ai sợ hãi cúm!

"Khi chúng ta không hiểu một hiện tượng, chúng ta sợ hãi; khi chúng ta hiểu hiện tượng thì sự sợ hãi sẽ biến mất", ông Tuấn nêu.

Nhìn nhận toàn diện từ dịch cúm ở Vũ Hán, ông Tuấn có lời khen ngợi giới khoa học Trung Quốc đã làm rất nhanh và bài bản trong việc xử lý vụ virus Vũ Hán.

"Chỉ 10 ngày sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện, họ đã giải mã toàn bộ hệ gen của virus. Chẳng những vậy, họ còn công bố kết quả cho giới khoa học thế giới phân tích. Hơn thế nữa, họ công bố 2 bài báo trên tập san y khoa lừng danh Lancet mô tả chi tiết những ca bị nhiễm. Họ làm thật nhanh và bài bản.

So với vụ SARS khoảng 18 năm trước, Trung Quốc đã tiến bộ nhiều về khoa học và công nghệ sinh học, giỏi hơn về công bố khoa học, và minh bạch hơn với thế giới", ông Tuấn nhận định.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/virus-corona-tin-gia-gieo-noi-so-hai-cho-xa-hoi-3395885/