Virus corona biến kỳ nghỉ hạng sang thành 'du thuyền từ địa ngục'

Việc những ổ dịch virus corona (Covid-19) xuất hiện trên các tàu du lịch trong thời gian qua đang đe dọa nghiêm trọng tương lai của ngành kinh doanh dịch vụ du lịch tàu biển.

Anne Sagebiel đang phân vân không biết làm gì trong dịp sinh nhật diễn ra vào cuối năm nay. Cô đã từng nghĩ tới việc bước lên boong một con tàu du lịch với những tiện nghi như khách sạn để rong ruổi trên đại dương. Có thể là đến một nơi nào đó ở châu Âu, như là Na Uy chẳng hạn.

 Tàu Diamond Princess đậu ngoài cảng Yokohama ở Nhật Bản, con tàu chính là ổ dịch COVID-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tàu Diamond Princess đậu ngoài cảng Yokohama ở Nhật Bản, con tàu chính là ổ dịch COVID-19 lớn nhất bên ngoài Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Lần này mọi thứ rất khác

Nhưng rồi những ngày này, cô đọc được những tin tức đáng sợ về những gì diễn ra trên "du thuyền từ địa ngục" Diamond Princess, vốn đang bị cách ly tại cảng Yokohama của Nhật Bản với hàng nghìn hành khách. Tính đến ngày 19/2, 621 hành khách trên tàu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona.

"Tôi không muốn trở thành một phần của kịch bản xấu nhất. Tàu du lịch sẽ bị loại khỏi danh sách những lựa chọn của tôi, cho đến khi họ xử lý được việc này", cô Sage, một nhiếp ảnh gia thiên nhiên, chia sẻ.

Những sự dè dặt như vậy là tin xấu đối cho ngành du lịch tàu biển, vốn đang phát triển mạnh mẽ nhưng đã phải chịu thiệt hại hàng chục triệu USD kể từ khi dịch bệnh do virus corona bùng phát. Số lượng đặt chỗ đã giảm đáng kể, các công ty lớn trong ngành cho biết, và sự chú ý liên tục của truyền thông đang khiến tình hình càng tệ thêm.

"Chúng tôi luôn tự hào vì có khả năng đưa những con tàu cách xa nơi nguy hiểm. Ngành này được biết tới với khả năng phục hồi tốt. Nhưng vấn đề lần này rất rất khác", ông Mike Driscoll, tổng biên tập tạp chí Cruise Week - chuyên san về ngành du lịch tàu biển, nói.

4 ngày trước khi kết thúc cách ly vào 19/2, các quan chức Mỹ cho biết họ sẽ sơ tán công dân nước này khỏi tàu Diamond Princess, nếu những người này không có triệu chứng nào. Khi trở về Mỹ, tất cả hành khách tiếp tục bị cách ly thêm 14 ngày nữa.

Tàu Diamond Princess tới thời điểm này là con tàu du lịch duy nhất ghi nhận việc lây nhiễm chéo xảy ra trên boong, khiến nó trở thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc. Nhưng nó không phải là con tàu duy nhất bị ảnh hưởng bệnh dịch.

Một con tàu khác là World Dream, với hơn 3.800 người trên boong, đã phải cách ly ở Hong Kong 4 ngày sau khi nhà chức trách phát hiện một hành khách trong chuyến đi trước đó của tàu nhiễm virus corona. Rất may là thủy thủ đoàn không có ai bị nhiễm bệnh sau khi được xét nghiệm, và các hành khách cũng vượt qua bài kiểm tra sức khỏe.

Tàu MS Westerdam tại cảng Sihanoukville của Campuchia, hiện những hành khách còn lại của tàu được cách ly và xét nghiệm, sau khi 1 hành khách người Mỹ có kết quả dương tính với virus corona. Ảnh: AP.

Trong khi đó, không có ai trên tàu Westerdam được cho là nhiễm virus corona khi nó rời cảng Hong Kong vào ngày 1/2, mang theo 2.200 người bao gồm hành khách và thủy thủ đoàn. Mặc dù vậy, nó đã phải lênh đênh trên biển nhiều ngày trước khi được Campuchia đồng ý tiếp nhận hôm 14/2. Tuy nhiên quyết định này bị đặt dấu hỏi lớn, khi các quan chức Malaysia thông báo rằng một hành khách trên tàu có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona khi đang quá cảnh ở Kuala Lumpur.

Khủng hoảng truyền thông

Một số con tàu khách bị từ chối cập cảng cũng vì lo ngại này. Hồi đầu tháng, tàu Anthem of the Seas của hãng Royal Caribbean đã phải trì hoãn khởi hành 2 ngày để xét nghiệm virus cho những hành khách có lịch sử đi du lịch tới Trung Quốc.

Trên truyền thông và các mặt báo, hàng loạt những dòng tít như "ác mộng tàu du lịch", "con tàu bị ruồng bỏ" và "đĩa petri nổi" (đĩa petri là dụng cụ để nuôi cấy vi sinh vật - ý nói con tàu là nơi virus lây lan) xuất hiện. Sự chú ý tiêu cực này đến đúng vào mùa cao điểm khi các khách du lịch bắt đầu đặt chỗ cho những chuyến đi mùa hè.

"Do tình hình tiếp tục diễn biến phức tạp, công ty hiện không thể dự đoán tác động tài chính đầy đủ trong năm tài khóa 2020", Carnival Corp - tập đoàn lớn nhất ngành - cho biết trong một thông báo. Nếu Carnival phải tạm dừng tất cả hoạt động của họ ở châu Á cho đến hết tháng tư, thiệt hại có thể rơi vào khoảng từ 385-445 triệu USD.

Royal Caribbean, công ty lớn thứ hai trong ngành, cũng cho biết họ phải hủy 18 chuyến tàu ở khu vực Đông Nam Á và sửa đổi hành trình cho những chuyến tàu khác. Những thay đổi này đã khiến công ty mất đi khoảng 136 triệu USD. Nếu phải hủy các chuyến đi ở châu Á cho đến cuối tháng 4, thiệt hại của họ sẽ tăng thêm 115 triệu USD nữa.

Các nhà phân tích trong ngành hy vọng rằng những người từng thích đi tàu du lịch trên biển sẽ quay trở lại với thói quen của mình sau khi dịch bệnh kết thúc. Nhưng những khách hàng mới tiềm năng như Sagebiel - thành phần giúp ngành công nghiệp phát triển - sẽ ít có khả năng lên tàu hơn.

Lượng khách đăng ký đặt chỗ trên các chuyến tàu du lịch biển hiện đã giảm mạnh. Ảnh: AP.

"Chắc chắn là điều này sẽ ảnh hưởng đến những khách hàng mới tiềm năng", ông Driscoll nhận định.

Tuy nhiên, số lượng khách đi du lịch tiếp tục tăng hàng năm, và những công ty như Carnival hay Royal Caribbean vẫn chứng kiến doanh thu của họ đi lên. Bà Jamie Katz, chuyên gia trong ngành, cho rằng những thiệt hại chỉ là tạm thời và sự tăng trưởng hành khách cuối cùng sẽ hồi phục.

"Tôi cho rằng hầu hết mọi người đều cảm thấy rằng điều này rồi sẽ qua đi", bà Katz nhận định.

Sơn Trần
(theo Washington Post)

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/virus-corona-bien-ky-nghi-hang-sang-thanh-du-thuyen-tu-dia-nguc-post1048779.html