Vinpearl Air và cuộc đua trở thành hãng hàng không thứ 6 của Việt Nam

Nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định thời điểm vàng để gia nhập thị trường hàng không Việt Nam đã trôi qua, nhưng sau Bamboo Airways vẫn có rất nhiều cái tên đang xếp hàng.

Việc Vietjet Air cất cánh vào năm 2013 không chỉ mang tính biểu tượng về một bầu trời mở mà còn là minh chứng rõ rệt về tiềm năng của hàng không tư nhân Việt Nam. Chỉ sau 6 năm vận hành hãng đã dẫn đầu thị trường với doanh thu 33.815 tỷ đồng đến từ mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không.

Việc Bamboo Airways chào sân đầu năm 2019 càng cho thấy cánh cửa cho các hãng bay tư nhân mới vẫn rất rộng và dư địa thị trường còn đủ để đón thêm những tay chơi mới.

Thiên Minh Group và cú bắt tay hụt với AirAsia

Dữ liệu trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group, đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh vào ngày 13/6 vừa qua.

Ông Trần Trọng Kiên khẳng định quyết tâm lập hãng bay với pháp nhân mới có vốn điều lệ 1.000 tỷ. Ảnh: Fulbright VN.

Ông Trần Trọng Kiên khẳng định quyết tâm lập hãng bay với pháp nhân mới có vốn điều lệ 1.000 tỷ. Ảnh: Fulbright VN.

Công ty hàng không mới này có vốn điều lệ lên tới 1.000 tỷ đồng và ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách hàng không, trụ sở chính đặt tại số 187 Lý Thường Kiệt, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Ngoài ra, Công ty Hàng không Thiên Minh cũng đăng ký một số lĩnh vực kinh doanh như sửa chữa và bảo dưỡng phương tiện vận tải (trừ ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác), vận tải hàng hóa hàng không và cho thuê máy bay.

Công ty hàng không này được ông Kiên thành lập trong bối cảnh tháng 4 vừa qua, Thiên Minh Group và AirAsia chấm dứt hợp tác trong việc thành lập một liên doanh.

AirAsia phát đi thông báo về việc chấm dứt hợp tác cùng Thiên Minh Group để thành lập hãng hàng không giá rẻ tại thị trường Việt Nam sau hơn 1 năm đàm phán.

Ông Trần Trọng Kiên sau đó cũng cho biết nguyên nhân khiến hai bên dừng hợp tác là không tìm được tiếng nói chung trong các thỏa thuận. Tuy nhiên, cả AirAsia và phía Thiên Minh Group đều khẳng định vẫn sẽ tham gia thị trường hàng không theo cách của riêng mình.

Động thái lập Công ty Cổ phần Hàng không Thiên Minh, đi trước đối tác cũ là AirAsia một bước, cho thấy quyết tâm gia nhập ngành hàng không của Thiên Minh Group.

Vietravel muốn lập hãng bay charter

Giữa tháng 6/2019, Công ty Lữ hành Vietravel vừa trình hồ sơ thành lập Hãng hàng không Lữ hành du lịch Việt Nam (Vietravel Airlines) với số vốn được công bố là 1.000 tỷ đồng.

Chia sẻ về chiến lược của Vietravel Airlines nếu cất cánh trong tương lai, ông Nguyễn Quốc Kỳ - CEO của doanh nghiệp - cho biết hãng bay sẽ hoạt động theo mô hình bay charter (bay thuê nguyên chuyến) để giúp Vietravel tăng lượng khách du lịch mà không tốn nhiều chi phí đầu tư hàng không.

Vị này cũng chia sẻ tính riêng năm 2018, số chuyến bay charter công ty của ông đã thực hiện là gần 300.

Dư địa thị trường vẫn còn, nhưng hàng không Việt Nam đang quá tải về hạ tầng và nhân lực kỹ thuật cao như phi công, thợ máy. Ảnh: Việt Đức.

Hiện Vietravel đã gửi Sở GTVT Thừa Thiên - Huế đề án thành lập Công ty Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Dự kiến hãng hàng không của Vietravel sẽ đặt trụ sở căn cứ tại tỉnh Thừa thiên Huế.

Nói về dư địa thị trường, CEO Vietravel dẫn chứng hiện có 68 hãng nước ngoài ở 25 nước và 5 hãng nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar, Vasco, Bamboo Airways) đang khai thác tại Việt Nam. Trong đó, các hãng bay quốc tế liên tục mở thêm đường bay mới đến Việt Nam.

"Chúng ta là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ 5 thế giới, dự kiến phục vụ 150 triệu lượt khách vào năm 2035. Với quy mô dân số gần 100 triệu và lượng khách du lịch quốc tế tăng đều hàng năm, đạt 15,5 triệu lượt, việc Việt Nam có 5 hãng hàng không là còn ít", ông Kỳ khẳng định.

Vingroup cũng muốn bay

Mới đây thông tin về doanh nghiệp có tên Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air xuất hiện trên Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cũng gây chú ý.

Theo Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty này có mã số doanh nghiệp và mã số thuế là 0108712524, bắt đầu hoạt động từ ngày 22/4.

Doanh nghiệp có trụ sở tại tầng 2 khu Almaz Market, đường Hoa Lan, Khu đô thị sinh thái phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội, tức nằm trong khuôn viên khu đô thị Vinhomes Riverside của Vingroup.

Dù xuất phát sau nhưng Vinpearl Air của ông Phạm Nhật Vượng được đánh giá sẽ là đối thủ đáng gờm vì tiềm lực lớn và hệ sinh thái rộng khắp của Vingroup. Ảnh: Forbes.

Đây là pháp nhân mà Vingroup thành lập để thực hiện tham vọng gia nhập ngành hàng không Việt Nam. Doanh nghiệp này hiện đăng ký 9 ngành nghề kinh doanh, trong đó ngành nghề chính của Công ty Cổ phần Hàng không Vinpearl Air là vận tải hành khách hàng không.

Vinpearl Air được đăng ký hoạt động dưới dạng công ty cổ phần với số vốn đăng ký là 1.300 tỷ đồng. Người đại diện của công ty có tên Nguyễn Thanh Hương, sinh năm 1972. Theo hồ sơ mới nhất, bà Hương giữ vị trí chủ tịch HĐQT công ty trong khi trước đó bà đảm nhận vai trò tổng giám đốc.

Ngay sau khi thành lập công ty chuyên kinh doanh vận chuyển hành khách hàng không, Vingroup cũng tuyên bố mở trường đào tạo phi công và thợ máy tại Việt Nam.

Doanh nghiệp này cho biết đã thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) để đào tạo phi công và thợ máy. Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên.

Bên cạnh đào tạo phi công, thợ máy, Vingroup cho biết cũng sẽ đào tạo các nhân sự khác trong ngành hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy, huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không. Các ngành nghề này được đào tạo tại Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre) tại Việt Nam.

Hiện Vinpearl Air chưa công bố bất kỳ thông tin nào về mô hình hoạt động, dàn nhân sự cũng như kế hoạch mua, thuê máy bay.

Ngô Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vinpearl-air-va-cuoc-dua-tro-thanh-hang-hang-khong-thu-6-cua-viet-nam-post966153.html