VinMart sáp nhập vào Masan, thành lập tập đoàn tiêu dùng

VinMart, VinMart+, VinEco sẽ được sáp nhập vào Masan để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ, trong đó quyền điều hành sẽ thuộc về Masan.

VinMart, VinMart+, VinEco sẽ được sáp nhập vào Masan để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ - Ảnh: Internet

VinMart, VinMart+, VinEco sẽ được sáp nhập vào Masan để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng và bán lẻ - Ảnh: Internet

Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) và Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) ngày 3.12 đã thỏa thuận việc sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Mã CK: MCH).

Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce là thành viên của Tập đoàn Vingroup, hiện đang sở hữu hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+, VinEco - đơn vị chuyên đầu tư mảng nông nghiệp của Vingroup.

Theo đó, VinCommerce, VinEco và Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan sẽ sáp nhập để thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ. Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Đại diện Vingroup cho biết tỷ lệ sở hữu trong công ty mới của họ không còn là đa số. Hoạt động này theo Vingroup là nằm trong chiến lược tập trung vào mảng công nghệ và công nghiệp.

Sau khi tiếp quản, Masan Consumer sẽ vẫn giữ nguyên hệ thống quản trị hiện tại của VinCommerce cũng như các chính sách với nhà cung cấp, khách hàng. Nhân viên của VinMart & VinMart+ sẽ được kế thừa các quyền lợi có sẵn từ Vingroup và hưởng thêm các chế độ đãi ngộ từ Masan.

Như vậy, Công ty mới sau khi sáp nhập sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Thỏa thuận này được giới chuyên gia đánh giá là "bước ngoặt" với cả Vingroup và Masan, bởi lợi ích và toan tính phía sau thương vụ. Vingroup sẽ có nguồn để tập trung vào những mảng kinh doanh chiến lược, trong khi Masan sẽ được mảng ghép quan trọng để xây dựng đế chế hàng tiêu dùng - bán lẻ.

VinCommerce hiện có vốn điều lệ 6.436 tỉ đồng, sở hữu chuỗi Vinmart và Vinmart+. Trong khi VinEco vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng, là công ty nông nghiệp áp dụng công nghệ vào sản xuất với sở hữu 15 nông trường trên cả nước. Tuy là nhà bán lẻ có số điểm bán lớn nhất thị trường Việt Nam, nhưng hoạt động kinh doanh này của Vingroup đến nay vẫn chưa đạt điểm hòa vốn.

Trong 9 tháng từ đầu năm, bán lẻ là mảng kinh doanh có doanh thu cao thứ 2 của tập đoàn với 23.571 tỉ đồng, chỉ xếp sau chuyển nhượng bất động sản.

Trong khi đó, Masan có vốn điều lệ 7.229 tỉ đồng. Doanh nghiệp này cũng sở hữu mạng lưới bán lẻ với 180.000 điểm bán lẻ sản phẩm thực phẩm và 160.000 điểm bán lẻ sản phẩm đồ uống.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/vinmart-sap-nhap-vao-masan-thanh-lap-tap-doan-tieu-dung-126856.html