Vịnh Xuân quyền: Võ học Phục quốc Trung Hoa truyền tới Việt Nam

Có bao giờ bạn tự hỏi: một người Canada như Pierre Francois Flores đã học Vịnh Xuân quyền như thế nào? Môn võ này tới Việt Nam và Canada ra sao hay lịch sử của nó hào hùng thế nào?

Video Flores thắng trận thứ 2 liên tiếp trước võ sư Việt Nam Trận giao đấu giữa Flores phái Vịnh Xuân Nam Anh và võ sư Trần Lê Hoài Linh kết thúc trong khoảng thời gian 2 phút 12 giây, với phần thắng nghiêng về võ sư Canada.

Vịnh Xuân: Võ học phục quốc của người Trung Hoa

Vịnh Xuân quyền ra đời tại chùa Nam Thiếu Lâm (Trung Quốc) vào khoảng thế kỷ 17. Trong phong trào Phản Thanh phục Minh, một số võ tướng nhà Minh đã cùng các nhà sư Thiếu Lâm sáng tạo ra một phương pháp chiến đấu mới. Phương pháp này có nền tảng là võ học Thiếu Lâm được đơn giản hóa và ứng dụng vào thực chiến nhiều hơn. Họ muốn lấy đây làm vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại người Mãn Châu, khôi phục nhà Minh. Đó là nền tảng đầu tiên cho sự ra đời của Vịnh Xuân quyền.

Kế hoạch trên không bao giờ thành công. Vương triều Mãn Thanh của người ngoại tộc được xác lập ở Trung Hoa. Căn cứ địa Phản Thanh phục Minh ở Thiếu Lâm bị tiêu diệt vào đầu thế kỷ 18. 5 vị đại sư của chùa Thiếu Lâm sống sót sau cuộc tấn công của người Mãn. Một trong số đó là Ngũ Mai lão ni sư thái.

Sau khi sống sót rời Thiếu Lâm, Ngũ Mai lão ni truyền võ nghệ cho đồ đệ là Nghiêm Vịnh Xuân. Vịnh Xuân truyền lại cho chồng là Lương Bác Trù. Võ sư Trù đã phát triển và hoàn thiện môn võ này. Để nhớ ơn dìu dắt của vợ, ông lấy tên bà đặt cho môn phái: Vịnh Xuân quyền. Một số nguồn sử liệu khác tin rằng Vĩnh Xuân quyền là tên thật của võ phái này. Nhưng trong cuộc chiến Phản Thanh, để bảo vệ võ phái, những võ sư đã đổi tên nó thành Vịnh Xuân.

Võ công Vịnh Xuân quyền của Flores có xuất xứ từ chùa Nam Thiếu Lâm (Trung Quốc). Ảnh: FBNV.

Võ công Vịnh Xuân quyền của Flores có xuất xứ từ chùa Nam Thiếu Lâm (Trung Quốc). Ảnh: FBNV.

Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào thì Vịnh Xuân quyền cũng có liên hệ chặt chẽ với những người ủng hộ phong trào Phản Thanh phục Minh. Vì chữ Xuân vốn bao gồm ba chữ Nhật (日), Đại (大) và Thiên (天). Chữ này có thể được hiểu là “ánh sáng bao la khắp trời đất” trong khi chữ Vĩnh (永) mang hàm ý “mãi mãi”. Còn chữ Vịnh (詠) thể hiện sự ngợi ca, trân trọng.

Từ thuở ban đầu, Vịnh Xuân quyền đã là thứ võ thuật mang đậm tinh thần yêu nước, hướng tới đại chúng và đề cao thực chiến. Võ công Vịnh Xuân được xây dựng ở miền Nam Trung Quốc vốn có nhiều ao hồ, kênh rạch. Thứ võ công này mềm mại, có các động tác tay linh hoạt, khép léo nhưng thế tấn vững chãi, vững vàng tựa núi. Đặc điểm này có thể thấy rất rõ trong trận đấu của võ sư Flores với võ sư Đoàn Bảo Châu. Suốt trận đấu đó, võ sư Flores đã giữ tấn cực tốt. Rất nhiều cú đá của ông Châu không thể làm lung lay thế thủ của võ sư Vịnh Xuân Canada.

Sau này, võ công Vịnh Xuân tiếp tục phát triển trong dân gian và dần có được địa vị quan trọng trong dòng chảy võ học Trung Hoa. Đến giữa thế kỷ XX, Vịnh Xuân quyền bước vào giai đoạn phát triển bước ngoặt kế tiếp.

Con gái đại sư Nam Anh trổ tài luyện võ Các động tác Katleen Phan Võ, con gái Đại sư Nam Anh, thể hiện tại một võ đường ở TP.HCM tối 21/7 rất nhuần nhuyễn và có lực.

Vịnh Xuân Quyền tới Việt Nam

Tình hình chính trị phức tạp ở Trung Quốc trong giai đoạn này cũng khiến Vịnh Xuân phái bị ảnh hưởng. Nhiều võ sư phải ẩn cư hoặc trốn ra nước ngoài sinh sống. Võ sư Diệp Vấn - thầy của Lý Tiểu Long, phải tới Hong Kong trong khi sư huynh của ông là Nguyễn Tế Công chuyển tới Việt Nam. Chính Tế Công là người đem Vịnh Xuân quyền đến với mảnh đất hình chữ S. Ông được người đời xưng tụng là Sư tổ Vịnh Xuân Việt Nam.

Tế Công tên thật là Nguyễn Tế Vân. Ông Sinh năm 1873 tại Phật Sơn, Quảng Đông, là đệ tử chân truyền đời thứ 7 của Vịnh Xuân quyền.

Nhiều nguồn tin nói rằng Tế Công tới Việt Nam để trốn chạy khỏi sự truy đuổi của phát xít Nhật tại quê nhà. Nguồn khác bảo Tế Công tới đây vì các nhà giàu Việt Nam mời sang dạy võ. Không ai biết được sự thật nhưng rõ ràng, Tế Công đã ở Việt Nam từ đầu thập niên 30 của thế kỷ trước

Sư tổ Nguyễn Tế Công (ngồi) và các đồ đệ. Nguồn: vinhxuanquyen2013.

Ban đầu, ông ở Hàng Buồm, dạy võ và bí mật tham gia phong trào kháng Nhật. Đến năm 1954, Tế Công chuyển vào Sài Gòn và qua đời tại đây sau 6 năm.

Lúc sinh thời, Tế Công đã nhận rất nhiều học trò ở cả Bắc kỳ và Nam kỳ. Các học trò của ông sau này tỏa đi khắp thế giới. Từ Việt Nam tới Canada, Pháp, Anh, Ukraine, Singapore... đâu đâu cũng có dấu chân của môn đồ Vịnh Xuân Tế Công. Nhờ có họ, vị thế của Vịnh Xuân quyền ở Việt Nam và thế giới phát triển mạnh mẽ.

Bằng chứng, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang cũng là một cao thủ Vịnh Xuân. Ông Giang học Vịnh Xuân ở một nhánh của môn phái tại Liên Xô từ năm 1978 và được làng võ đặt cho biệt hiệu “Lý Tiểu Long Việt Nam”.

Video Flores bị Tuấn 'hạc' hạ gục cách đây 8 năm Sau khi đánh bại võ sư Đoàn Bảo Châu, Pierre Francois Flores muốn tái đấu với Tuấn ''hạc'' - người từng đánh bại võ sư Canada cách đây 8 năm.

Hiện nay, Vịnh Xuân quyền đã có mặt ở khoảng 140 quốc gia. Môn phái có 8 chi nhánh chính ở Trung Quốc và nhiều chi nhánh nhỏ tại các quốc gia khác trong đó có Việt Nam. Có khoảng 2 triệu người trên thế giới đang học Vịnh Xuân quyền. Rất nhiều võ sư Vịnh Xuân ngày nay đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới như Lý Tiểu Long, Diệp Vấn, Chân Tử Đan...

Sau gần một thế kỷ du nhập vào Việt Nam, Vịnh Xuân quyền đã có nhiều sự thay đổi khác xa so với Vịnh Xuân quyền Trung Quốc. Tại Việt Nam, các võ sư đã giữ nguyên hệ thống bài quyền, bộ pháp, những cách di chuyển cũ cùng mọi tuyệt kỹ của môn phái.

Cùng thời điểm ấy, Vịnh Xuân quyền tiếp tục được phổ biến ra toàn Trung Quốc. Năm 1967, võ sư Diệp Vấn lập Vịnh Xuân thể dục hội, tiếp tục đơn giản hóa Vịnh Xuân quyền, lược giản nhiều thành tố để môn võ này đi vào đại chúng hơn. Quá trình đó đã khiến Vịnh Xuân quyền mất dần những tinh hoa cổ. Nhiều võ sư Vịnh Xuân danh tiếng của Việt Nam tin rằng Vịnh Xuân quyền Việt Nam hiện tại còn giữ được nhiều tinh túy hơn cả võ thuật Trung Nguyên.

Vịnh Xuân quyền tới Canada và người học trò Flores

Trở lại với câu chuyện về võ sư Tế Công. Sư tổ Vịnh Xuân Việt Nam đã nhận rất nhiều đệ tử. Hai cao đồ trong số đó là Ngô Sỹ Quý ở miền Bắc và Hồ Hải Long ở miền Nam. Cao thủ Tuấn “hạc” từng đánh bại Pierre Francois Flores theo học dòng Vịnh Xuân của Ngô Sỹ Quý trong khi Đại sư Nam Anh - sư phụ của Flores, là học trò của võ sư Hồ Hải Long. Xét về thứ bậc trong môn phái, võ sư Ngô Sỹ Quý cao hơn Hồ Hải Long.

Võ sư Hải Long từng dạy Đại sư Nam Anh trong thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Vốn có tư chất hơn người và quyết tâm khổ luyện, Đại sư Nam Anh đã đạt Chu Sa đai cửu đẳng và được phong làm chưởng môn Nam Anh Vịnh Xuân tại Montreal (Canada), tức Vịnh xuân Chính Thống Phái vào năm 1983.

Tới năm 1986, Đại sư Nam Anh sang định cư tại Montreal (Canada). Tại đây, ông tiếp tục mở võ đường, thu hút hàng trăm võ sinh theo học. Các võ sinh có đủ mọi quốc tịch Pháp, Mỹ, Ấn Độ, Canada, Pakistan. Tại Canada, Đại sư Nam Anh cũng hoàn tất chương trình học tiến sĩ luật thương mại quốc tế và giảng dạy ở Đại học Montreal.

Flores và Đại sư Nam Anh (trái) tại lò võ Vịnh Xuân ở Canada. Ảnh: FBNV.

Nhờ Đại sư Nam Anh, Vịnh Xuân quyền được biết tới nhiều hơn ở Canada. Nhưng trước khi Flores tới Việt Nam, tên ông chỉ xuất hiện thoáng qua trong những bài viết về Hoa hậu điện ảnh Việt Nam 1992 Nguyễn Thị Thanh Xuân - người hiện là vợ ông.

Phải tới khi chuẩn võ sư Flores tới Việt Nam, chiến thắng 2 trận và gây náo động làng võ Việt. Nhiều người mới biết rằng có một chi nhánh lớn mạnh của Vịnh Xuân quyền Việt Nam ở Canada.

Đại sư Nam Anh biểu diễn màn giao tay Dù 80 tuổi, nhưng Đại sư Nam Anh vẫn giữ được tốc độ ra đòn rất nhanh nhẹn.

Thanh Hà

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vinh-xuan-quyen-vo-hoc-phuc-quoc-trung-hoa-truyen-toi-viet-nam-post763264.html