Vĩnh Phúc: Vở chèo 'Phương thuốc thần kỳ' – Đả kích thói giả tạo, hách dịch, tham quyền

Tối 10/6, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc công diễn vở chèo 'Phương thuốc thần kỳ' phục vụ cho nhân dân xem miễn phí.

Dự buổi công diễn có các đồng chí Bùi Huy Vĩnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Ngọc Oanh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch; các đồng chí cán bộ lãnh đạo sở ban ngành trong và ngoài tỉnh cùng đông đảo khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống.

Vở chèo “Phương thuốc thần kỳ” hấp dẫn khán giả Vĩnh Phúc

Nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà hát Chèo đã dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật, vở diễn có chất lượng chuyên môn cao phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân, tạo dư luận xã hội tích cực.

Vở chèo “ Phương thuốc thần kỳ”chỉ đạo nội dung Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc; Chỉ đạo nghệ thuật, Nhạc sĩ Vũ Duy Dũng - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc; Chỉ đạo thực hiện Nghệ sĩ Kim Tuyến; Tác giả kịch bản Phạm Văn Quý, chuyển thể chèo Đức Chinh; Đạo diễn Ngọc Cao; âm nhạc Quang Nguyệt; Họa sỹ Nghệ sỹ ưu tú Hồng Lóng; Biên đạo múa Nghệ sỹ Đồng Tâm; Chỉ huy biểu diễn Nghệ sỹ ưu tú Lệ Thủy. Đây là vở diễn mới, mang tính hài hước và giá trị giáo dục sâu sắc, vở do tập thể Êkip đạo diễn cùng nghệ sỹ, diễn viên Đoàn Nghệ thuật Chèo - thuộc Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc dàn dựng, biểu diễn.

Nhân vật chính của vở chèo là hai vợ chồng nông dân hiền lành

Vở chèo kể về hai vợ chồng nông dân hiền lành, chất phát. Vợ là cô Hĩm người phụ nữ thương chồng con, chịu thương, chịu khó nhưng phải cái tật vụng về nên hay bị chồng đánh đập. Nhân một hôm có quan triều đình đi tìm kiếm thầy lang về chữa bệnh cho Công chúa. Hĩm bày ra chuyện chồng mình là thầy lang, để quan quân đánh và bắt đi.

Anh chồng bị bắt về kinh thành chữa bệnh cho công chúa

Người chồng bị bắt về hoàng cung là thầy lang bất đắc dĩ, bị Nhà Vua đánh đập đến đường cùng, thầy lang đã đánh lại công chúa để trả thù. Việc đánh công chúa đã có tác dụng làm bất ngờ làm công chúa khỏi bệnh hóc xương và thầy lang dởm được phong tặng danh hiệu Thần y, và phải đi chữa bệnh cho các quan lại trong triều với những bệnh “giả tạo”.

Công chúa cảm nhận được giá trị chân thực và cuộc sống lam lũ, khổ cực của nhân dân khi tiếp xúc với thầy lang. Người đã cùng với vợ chồng Hĩm chữa trị cho các quan giả bệnh, Nhà Vua lập lại kỷ cương triều chính.

Chữa bệnh "giả tạo" cho quan lại trong triều đình

Vở chèo “Phương thuốc thần kỳ” với sự tham gia biểu diễn của dàn diễn viên Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, như các nghệ sỹ: Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Huy Chúc, NSƯT Lệ Thủy, NSƯT Thu Bảy, Nghệ sỹ (NS) Thanh Tắc, NS Minh Trí, NS Lệ Thu, NS Sỹ Hưởng, cùng tập thể NS, diễn viên, nhạc công, kỹ thuật viên Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc. Vở diễn đã mang đến cho khán giả tiếng cười bổ ích mà chân thực, khách quan, phản ánh đúng “bệnh” của tầng lớp vua chúa, quan lại trong triều đình phong kiến xưa kia: Hách dịch, cửa quyền, tham lam, đố kỵ, thích uy hiếp dân lành. Với sự tham gia diễn xuất của đông đảo nam, nữ diễn viên kết hợp âm thanh, ánh sáng, vở diễn đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Đằng sau một cốt truyện giản dị, đơn giản, vở diễn có độ dài vừa phải nhưng đằng sau đó là những vấn đề rất thời sự đang làm nhức nhối ngay cả xã hội hôm nay khi đồng tiền đang chi phối mọi giá trị đạo đức với những câu chuyện “tham quyền cố vị’, ức hiếp người dân của một bộ phận quan lại...

Không đao to búa lớn, không nói những câu chuyện viển vông mang tính triết lý quá cao siêu, với nột dung cốt truyện đơn giản, dễ hiểu nhưng qua bàn tay của đạo diễn và diễn viên Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã rất cuốn hút khán giả.

Vở diễn đem lại niềm vui cho khán giả

Bác Nguyễn Thị Tâm (65 tuổi, trú tại phường Khai Quang, TP. Vĩnh Yên) chia sẻ, được biết nhà hát Chèo tỉnh tổ chức công chiếu vở chèo vào tối nay nên cả gia đình ăn cơm sớm để ra xem diễn, nội dung vở diễn rất hay. Diễn viên diễn rất đạt, nhất là phân đoạn trừng trị tên Lý trưởng ức hiếp dân làng. Hi vọng sẽ có thêm những buổi công chiếu như thế này để người dân được thưởng thức nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Còn bạn Phạm Ngọc Anh (12 tuổi) lại cho biết: “Trước con chỉ nghe bà nói về chèo mà chưa bao giờ được trực tiếp xem, nay đã được biết về chèo rõ hơn. Con thích nhân vật cô Hĩm, cố ấy hát hay và diễn rất đạt”.

Có thể khẳng định, nghệ thuật sân khấu chèo truyền thống là một trong những loại hình sân khấu ca kịch, mang tính dân tộc độc đáo. Dù đã có những biến đổi nhưng dù hình thức có thay đổi, chèo sân đình hay trên sân khấu hộp, nghệ thuật chèo vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đặc biệt, qua nhiều thử nghiệm đưa đến khán giả những vở mới, có nội dung gần với cuộc sống hiện đại, vài năm gần đây, các nhà hát, đoàn chèo đã trở lại với chèo cổ vẫn được đông đảo công chúng yêu thích và yêu cầu biểu diễn.

Từ giờ đến hết năm 2019, Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tham dự 2 Liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp, đó là: Xây dựng vở chèo thao gia liên hoan Chèo toàn quốc 2019 và Chương trình nghệ thuật Liên hoan "Tiếng hát đường 9 xanh".

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-vo-cheo-phuong-thuoc-than-ky-da-kich-thoi-tham-lam-69832