Vĩnh Phúc: Vở chèo ' Gió đại ngàn' tôn vinh nữ anh hùng Khuất Thị Bảy

Hướng tới kỷ niệm 73 năm cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2018), Nhà hát chèo Vĩnh Phúc và Đài truyền hình Việt Nam phối hợp, triển khai dàn dựng vở chèo ' Gió đại ngàn'. Vở diễn ca ngợi người chiến sỹ cách mạng Khuất Thị Bảy, khi bà là Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Yên (thời điểm chưa sát nhập tỉnh Phúc Yên và Vĩnh Yên thành Vĩnh Phúc), bà góp công lớn trong việc giải tán Quốc dân đảng và giành lại chính quyền tại Vĩnh Tường tiến tới cách mạng tháng Tám thành công.

Vở diễn báo cáo " Gió đại ngàn" diễn ra thành công

Sáng 19/7/2018, tại Nhà hát Chèo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình báo cáo vở chèo “ Gió đại ngàn" để chuẩn bị diễn và phát sóng trên VTV1 cho lễ kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám . Dự buổi báo cáo vở chèo có lãnh đạo sở ban ngành tỉnh Vĩnh Phúc, khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật chèo truyền thống và đặc biệt là bà Hạ Chí Nhân con gái của cụ Khuất Thị Bảy và Hoàng Quốc Việt( tên thật Hạ Bá Cang).

Vở diễn “Gió đại ngàn”, tác giả kịch bản Nghệ sĩ Thượng Luyến, Đạo diễn Thanh Tùng là câu chuyện kể về quá trình hoạt động cách mạng của nữ chiến sỹ cách mạng trẻ tuổi Khuất Thị Bảy (bí danh Khuất Thị Vĩnh) là phu nhân của nhà cách mạng, chính trị gia Hoàng Quốc Việt .Bà sinh năm 1920 tại thôn Thuần Mỹ, xã Mỹ Trạch Lộc, tỉnh Sơn Tây (cũ nay là Hà Nội), bà Bảy tham gia cách mạng từ năm 1936, lúc vừa 16 tuổi. Bà là con thứ bảy của cụ Khuất Duy Đính, hương thân bậc nhất trấn Nam Sơn.

Đại diện gia đình bà Hạ Chí Nhân (thứ 7 từ phải sang) tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm

Năm 17 tuổi, Khuất Thị Bảy được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan liên lạc của Đảng ở Bắc Giang, ủy viên BCH Thanh niên tỉnh Sơn Tây, ủy viên Ban cán sự tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc), ủy viên Ban công vận TP Hải Phòng… Tháng 9/1941 bà bị đế quốc Pháp bắt tại Hải Phòng và kết án 20 năm tù khổ sai, giam giữ tại các nhà tù Sơn Tây, Nam Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Thời gian bị tù, bà vẫn liên lạc với cách mạng bên ngoài và sau đó vượt ngục về hoạt động, xây dựng các căn cứ địa để bảo vệ cơ quan đầu não của Đảng, làm ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Yên (tháng 8/1945 bà là quyền Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Yên). Cũng tại Vĩnh Yên, bà đã góp công lớn trong việc giải tán Quốc dân đảng, tập hợp vũ trang nhân dân, giành chính quyền về tay cách mạng tại huyện Vĩnh Tường.

Tại buổi diễn, các diễn viên của Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc hóa thân và thể hiện sâu sắc về lòng biết ơn các bậc tiền nhân và nhân dân đã tuẫn tiết hi sinh, giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Các diễn viên Nhà hát Chèo hết mình sáng tạo, dàn dựng hoàn thiện vở diễn với tất cả tâm huyết để chuẩn bị tốt nhất phục vụ cho công chúng nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Tám thành công, làm sáng danh thêm lịch sử cách mạng Vĩnh Phúc.

Tuy chỉ là buổi diễn báo cáo nhưng với lối diễn chuyên nghiệp, dàn dựng công phu của các đạo diễn, diễn viên Nhà hát chèo Vĩnh Phúc đã đem đến cho khán giả thưởng thức nghệ thuật chèo truyền thống đầy ấn tượng với nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt là đoạn cậu Ấm trong vở đóng giả để trá hàng sau đó bị giặc bắn chết, khiến khán giả trong hội trường ai cũng rơi lệ. Đây là vở diễn chứa đựng bài học về tinh thần không ngại hi sinh, vất vả cho cách mạng. Vở chèo “Gió đại ngàn” sẽ tiếp tục được biểu diễn và phát trên VTV1 để phục vụ nhân dân trong cả nước.

Với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật chèo truyền thống, Nhà hát chèo Vĩnh Phúc đã dàn dựng nhiều vở diễn và chương trình nghệ thuật, với nhiều đề tài khác nhau, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Gần đây nhất phải kể đến vở chèo “Người đi đòi nợ Phật” được đánh giá về chuyên môn cũng như tính giáo dục rất cao góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật và khơi dậy sự yêu mến của nhân dân đối với nghệ thuật chèo truyền thống.

Phúc Vĩnh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-vo-cheo-%E2%80%9C-gio-dai-ngan%E2%80%9D-ca-ngoi-tam-guong-bat-khuat-cua-nu-anh-hung-khuat-thi-bay-62741