Vĩnh Phúc: Vĩnh Tường giảm nghèo bền vững

'Đảng bộ huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) xác định công tác giảm nghèo tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Mỗi năm huyện phấn đấu giảm từ 0,5% - 0,7% tỷ lệ hộ nghèo. Huyện hiện không có hộ nghèo ở nhà dột nát, nhà thiếu kiên cố', ông Trần Việt Cường - Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Tường cho biết.

Hội viên phụ nữ xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách . Ảnh: Trà Hương

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo đề ra, cùng với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội chung, huyện Vĩnh Tường xác định triển khai đồng bộ các chương trình, giải pháp giảm nghèo, thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững; ưu tiên các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm cho lao động tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

“Cùng với đó, huyện thực hiện tốt chính sách dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động và tạo điều kiện cho người nghèo khai thác tối đa nguồn lực hiện có về đất đai, lao động để tăng thêm thu nhập, giúp họ vươn lên thoát nghèo; hướng dẫn người nghèo tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn gắn với việc hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo. Mặt khác, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau; chú trọng giám sát, đánh giá bảo đảm công tác giảm nghèo thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng”, Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Tường chia sẻ.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 được các cấp triển khai đầy đủ trên địa bàn huyện. UBND các xã, thị trấn đã kịp thời thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo, thành lập tổ công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, tổ chức tập huấn cho chuyên môn nghiệp vụ, cho trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tiêu chí rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo đến toàn thể nhân dân được biết và đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,31% năm 2015 xuống còn 1,4% vào năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2015 lên 55,3 triệu đồng vào năm 2020.

Từ nguồn lực của Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, đời sống của người dân trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được nâng lên về mọi mặt. Quan trọng hơn cả, đa số người nghèo đã không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Ý chí, tinh thần vươn lên thoát nghèo trở thành động lực để thực hiện các phong trào sản xuất, kinh doanh.

Vườn bưởi Diễn của gia đình ông Phùng Văn Tân đem lại hiệu quả kinh tế cao

Những năm trước, gia đình ông Phùng Văn Tân, thôn Yên Định, xã Phú Đa (Vĩnh Tường) gắn bó với nghề nông nhưng canh tác theo phương thức cũ nên thu nhập không ổn định. Quyết tâm “không cam chịu đói nghèo”, ông Tân đã mạnh dạn trồng cây bưởi Diễn như một hướng đi mới để thoát nghèo. Đến nay mô hình trồng bưởi Diễn của ông không chỉ giúp kinh tế gia đình phát triển ổn định mà còn vươn lên làm giàu.

Nhờ thường xuyên tìm đọc, nghiên cứu kỹ thuật chăm sóc cũng như đặc tính sinh trưởng của giống bưởi Diễn; tích cực tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do huyện và tỉnh tổ chức nên vườn bưởi của gia đình phát triển tốt, không bị sâu bệnh. Cùng đó, ông áp dụng quy trình chăm sóc hữu cơ và tiêu chuẩn VietGAP vào chăm sóc vườn bưởi, hướng tới xây dựng thương hiệu hoa quả sạch, an toàn. Hiện nay, hơn 200 gốc bưởi của gia đình đã cho thu hoạch, trong đó có nhiều gốc đã 15 năm tuổi. Trung bình mỗi năm, gia đình ông Tân có thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng từ bán bưởi và cung cấp cây bưởi giống. Nhờ đó, gia đình ông đã có cuộc sống khá giả. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, ông Tân luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, chăn nuôi, trồng trọt với người dân trong xã, trong thôn để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay huyện Vĩnh Tường có trên 100 ha đất trồng bưởi; trong đó, diện tích trồng bưởi cho thu hoạch quả khoảng hơn 60 ha, mỗi năm sản lượng bưởi bán ra thị trường ước đạt gần 2 triệu quả, trị giá gần 40 tỷ đồng, từ đó khẳng định hướng đi đúng đắn khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích canh tác cho giá trị thấp sang sản xuất chuyên canh cây ăn quả có giá trị cao.

Cùng với gia đình ông Tân, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Vĩnh Tường đã có 3.314 hộ nghèo, hộ thoát nghèo được sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho con em đi học, doanh số cho vay đến nay đạt gần 165 tỷ đồng. Cùng với đó, để giúp các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, toàn huyện đã có 23 gia đình được vay vốn làm nhà ở với số tiền 575 triệu đồng.

Với quan điểm xóa nghèo phải được thực hiện bằng việc trao cho người dân “cái cần” chứ không phải “con cá”, huyện đã đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho lao động nghèo; chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động địa phương, nhất là lao động thuộc hộ nghèo vào làm việc; triển khai hỗ trợ người nghèo đi xuất khẩu lao động ở những thị trường có thu nhập ổn định. Từ năm 2016 đến hết tháng 6/2019, Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã cho 207 đối tượng vay vốn xuất khẩu lao động với tổng kinh phí là gần 13,5 tỷ đồng.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-vinh-tuong-giam-ngheo-ben-vung-79364