Vĩnh Phúc: Thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo

Công tác giảm nghèo luôn được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Các chương trình tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả

Các chương trình tập huấn cho cán bộ làm công tác giảm nghèo được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả

Thực hiện Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 9/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 9104/KH-UBND ngày 15/12/2016 về thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.

HĐND tỉnh Vĩnh Phúc cũng ban hành Nghị quyết số 66/2016/NQ-HĐND ngày 22/12/2016 Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chế độ, chính sách cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó mục tiêu Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm 1,0 - 1,5%/năm (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020). Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch giảm nghèo, kịp thời nắm bắt thông tin, lập danh sách quản lý, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện đầy đủ, đúng và kịp thời các chế độ, chính sách cho người nghèo, cận nghèo; rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách của Nhà nước và của tỉnh đối với người nghèo.

Để triển khai thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Sở Lao động TB&XH Vĩnh Phúc đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành 01 Nghị quyết; UBND tỉnh ban hành các Quyết định, Kế hoạch, văn bản chỉ đạo công tác giảm nghèo. UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch giảm nghèo hằng năm phù hơp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương. Một số địa phương xây dựng Kế hoạch giảm nghèo bền vững, trong đó đưa ra nhiều giải pháp đặc thù để hỗ trợ hộ nghèo.

Trong 04 năm 2016 - 2019, ngân sách tỉnh đã bố trí trên 192,645 tỷ đồng để thực hiện chương trình giảm nghèo. Ngoài nguồn ngân sách, Ủy ban MTTQ Tỉnh và câp huyện đã vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo” được trên 35,811tỷ đồng, Riêng năm 2019 Mặt trận tổ quốc tỉnh vận động các doanh nghiệp hỗ trợ trên 13 tỷ đồng để xây nhà ở cho hộ nghèo. Hội chữ thập đỏ tỉnh vận động được nguồn kinh phí 57,94 tỷ đồng hỗ trợ tết cho người nghèo, nạn nhân da cam dioxin.

Từ năm 2016 đến nay, đã có trên 178 nghìn lượt hộ nghèo, hộ thoát nghèo được sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển sản xuất và tạo điều kiện cho con em đi học, doanh số cho vay đến nay đạt 1.101.175 triệu đồng với trên 56.227 lượt khách hàng vay vốn, trong đó cho vay hộ nghèo 18.226 hộ, hộ cận nghèo 16.232 hộ, hộ mới thoát nghèo 8.567 hộ và hàng ngàn hộ được giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động...

Ngân sách tỉnh cũng hỗ trợ đóng 100% bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Trong 4 năm, đã có 174.787 lượt người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, kinh phí trên 120.527 tỷ đồng. Có trên 57.231,401 lượt người thuộc đối tượng chính sách được khám, cấp thuốc miễn phí, miễn, giảm viện phí.

Từ năm 2016-2019, đã có trên 1.121 hộ nghèo được hỗ trợ xây, sửa nhà ở cho từ nguồn ngân sách tỉnh và vận động. Riêng nguồn vận động hỗ trợ xây dựng nhà là 881 nhà, nguồn vốn vay 270 nhà. Đến hết ngày 31/12/2019, các huyện, thành phố đã hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 45.000 triệu đồng, trong đó 6,750 triệu đồng tín dụng cho vay, còn lại là kinh phí xã hội hóa các cấp hỗ trợ.

Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 41.083 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Trong đó: đối tượng Bảo trợ xã hội được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội: 216 người; hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng 39.460 người. Đối tượng bảo trợ xã hội đang với mức chuẩn trợ cấp của tỉnh bằng (30%) mức lương tối thiểu, hiện hành tương đương 447.000đ/hệ số 1 (cao hơn mức chuẩn trợ cấp Trung ương), tổng kinh phí đang thực hiện trợ cấp xã hội 297.000 triệu đồng/năm.

Thực hiện chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định hỗ trợ 100% học phí cho các cháu mẫu giáo ở các trường mầm non nông thôn, miền núi, các cháu con nông dân ở các phường, thị trấn đó là sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em bậc học mầm non trong tỉnh. Từ năm học 2016 đến 2019 có 8.352 sinh viên, học sinh được hỗ trợ chi phí học tập miễn, số tiền 7.428 triệu đồng; Có 5. 737 học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm chi phí học tập, kinh phí miễn giảm trên 2.000 triệu đồng.

Ngoài ra, với chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp trên 1.713 học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo được hỗ trợ học nghề. Kinh phí thực hiện ước đạt 1.421 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo trong tiếp cận vốn để đi xuất khẩu lao động.

Giai đoạn 2016 - 2019, đã có 101.324 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tại Vĩnh Phúc được hỗ trợ tiền điện với tổng kinh phí đã thực hiện 32.064 triệu đồng.

Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo được triển khai kịp thời, hiệu quả. Công tác đào tạo nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được chú trọng. Các chương trình tặng quà cho hộ nghèo, người cao tuổi và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dịp Tết Nguyên đán được duy trì thường xuyên.

Từ năm 2016 đến nay, ngân sách tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ hỗ trợ Tết cho 8.315 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kinh phí thực hiện trên 5.300 triệu đồng, riêng năm 2019 tỉnh đã hỗ trợ tết toàn bộ hộ nghèo và hộ gia đình Bảo trợ xã hội thuộc diện cận nghèo (7.032 hộ). Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, cá nhân đồng hành tham gia hỗ trợ tết cho người nghèo, đã có hàng nghìn xuất quà được trao hỗ trợ hộ nghèo đón tết, quy đổi ra tiền trị giá trên 10.000 triệu đồng.

Cùng với đó, MTTQ tỉnh và các đoàn thể xã hội đã triển khai nhiều phong trào thi đua giảm nghèo trong toàn thể hội viên. Hình thức giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế gia đình cũng đa dạng, phong phú, như: Phong trào CCB đoàn kết giúp nhau xây dựng nhà “Tình đồng đội” của Hội Cựu chiến binh tỉnh; Phong trào thi đua “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo” “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ” của Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh; Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng...

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thoi-su/vinh-phuc-thuc-hien-hieu-qua-cac-chinh-sach-ho-tro-nguoi-ngheo-cObk3aOMg.html