Vĩnh Phúc: Tập huấn về 'Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo'

Sáng 20/8/2019, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Vĩnh Phúc, Hội nhà báo Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tập huấn Luật an ninh mạng, quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, chuyên đề chống bệnh 'lệch thị' trong báo chí.

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi chia sẻ trong buổi tập huấn sáng 20/8

PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng Biên tập Tạp chí Người làm báo đã chia sẻ những kinh nghiệm bổ ích, những quy tắc mới nhất thông qua các ví dụ sinh động về những việc mà các nhà báo nên và không nên làm, trong thời buổi thông tin ngập tràn trên mạng xã hội như hiện nay.

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, thời kỳ của mạng xã hội và phổ biến là Facebook, ở diễn đàn tự do của hàng triệu con người, các thông tin được cập nhật đa chiều giúp chúng ta có một cái nhìn khách quan, toàn diện hơn. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo - hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Các học viên của lớp tập huấn cũng đưa ra những thắc mắc, những câu hỏi với PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, để từ đó có những sự trao đổi đa chiều, hữu ích xung quanh “Quy tắc sử dụng mạng xã hội” cho người làm báo.

Theo quy tắc này, bốn việc mà nhà báo cần làm là: Sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước. Đăng tải bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm.

Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân. Phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

Toàn cảnh buổi tập huấn

Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam cũng quy định rõ những việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội, như: vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu; quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật.

Nhà báo, người làm báo không được đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì múc đích tống tiền hoặc vì mục đích không trong sáng khác; không đăng tải các tin, bài, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội, đưa ra các bình luận, chia sẻ quan điểm cá nhân hoặc trích đăng lại các bài phát biểu, ý kiến trái đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và trái với nội dung, quan điểm của tác phẩm báo chí mà bản thân người làm báo đó đã viết, trái với quan điểm của cơ quan báo chí nơi mình công tác.

Người làm báo cũng không được bình luận, chia sẻ các thông tin có mục đích kích động, lôi kéo người khác phản ứng tiêu cực về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… có yếu tố nhạy cảm; không được thông tin vụ việc chưa được kiểm chứng, gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế, xã hội, gây tổn hại về thể chất, danh dự, nhân phẩm của công dân…

“Lệch thị” là hiện tượng cơ quan báo chí tập trung đưa nhiều về thông tin tiêu cực. Tin, bài có thông tin tiêu cực sẽ ảnh hưởng bất lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, gây ra những hậu quả tiêu cực trong xã hội. Đặc điểm nổi bật của những thông tin này là quá nhấn mạnh vào sự mới lạ và bất thường của sự kiện. Các tin, bài tiêu cực tập trung nhiều vào các sự kiện và hiện tượng có sự xung đột với trật tự xã hội và tiêu chuẩn đạo đức. Thực tế, nhiều thông tin về tội phạm, scandal, cướp, giết, hiếp, tai nạn giao thông, thiên tai, nhân tai thường là tâm điểm của giới truyền thông.

“Lệch thị” trong báo chí hiện nay cũng là một biểu hiện ảnh hưởng đến vai trò, nhiệm vụ của báo chí, để hoàn thành trách nhiệm với xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo, phát huy được vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội, người làm báo cần phải hiểu đúng đắn về “lệch thị” và hệ lụy của “lệnh thị” để “nắn dòng” thông tin sai lệch, tạo dựng niềm tin cho công chúng.

Phúc Vĩnh - Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-tap-huan-ve-%E2%80%9Cquy-tac-su-dung-mang-xa-hoi-cua-nguoi-lam-bao%E2%80%9D-71240