Vĩnh Phúc: Tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa

Thực hiện Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng, những năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã được triển khai hiệu quả, đúng quy định.

Ảnh minh họa. (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Ảnh minh họa. (Nguồn: vinhphuc.gov.vn)

Theo báo cáo của Sở VHTTDL Vĩnh Phúc, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 814/CT-TTg ngày 12/12/1995 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được những kết quả ghi nhận.

Cụ thể, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý các hoạt động văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ngăn chặn bài trừ có hiệu quả sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì và phối hợp với các cơ quan, đơn vị tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện các Chương trình, kế hoạch, quy hoạch, đề án phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát chuẩn hóa thủ tục hành chính. 100% các văn bản ban hành đảm bảo đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý văn hóa.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động karaoke, vũ trường được tăng cường, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tuyên truyền, triển khai hướng dẫn kịp thời và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến các tổ chức, cá nhân đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hạn chế những hành vi vi phạm có thể xảy ra. Trong những năm qua, hoạt động kinh doanh karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, quảng cáo dần đi vào nề nếp, các chủ cơ sở kinh doanh đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật, nhiều cơ sở đã có sự đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ và trang thiết bị phục vụ. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa nói chung và hoạt động kinh doanh karaoke, nhà nghỉ, khách sạn nói riêng được chú, các hiện tượng tiêu cực từng bước được hạn chế. Công tác thẩm định, cấp phép hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, đặc biệt là karaoke, vũ trường được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 560 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đã được cấp giấy phép. Hầu hết các điểm kinh doanh karaoke đều là điểm giải trí lành mạnh, địa điểm kinh doanh đặt tại các trung tâm phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa - xã hội của địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.

Công tác quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ quy định biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05/10/2012 của Chính phủ. Trung bình mỗi năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận khoảng 40 hồ sơ biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật trung ương, đơn vị nghệ thuật thuộc các tỉnh bạn đến tổ chức biểu diễn trên địa bàn tỉnh. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ thông báo biểu diễn nghệ thuật được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường phối hợp trong quản lý văn hóa phẩm giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm, kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm văn hóa độc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại qua cửa khẩu. Từ năm 2010 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận và cấp phép 40 hồ sơ nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh và xác nhận danh mục sản phẩm có nội dung vui chơi giải trí nhập khẩu cho các công ty xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

Đối với lĩnh vực điện ảnh, chiếu bóng, mặc dù những năm qua, thực trạng chiếu phim và cơ sở vật chất phục vụ chiếu phim gặp nhiều khó khăn, nhưng Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng (nay sáp nhập với Trung tâm văn hóa tỉnh) vẫn đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu buổi chiếu phục vụ tại các xã, thị trấn phục vụ đối tượng chính sách. Hàng năm, đã tổ chức 48 buổi chiếu phục vụ nhiệm vụ chính trị thu hút 1.200 lượt khán giả, 344 buổi chiếu phim miền núi và nông thôn, phục vụ khoảng 66.250 lượt khán giả, đạt 100% kế hoạch được giao. Các đội chiếu phim lưu động đã kết hợp tốt giữa nhiệm vụ chuyên môn với tuyên truyền nhiệm vụ chính trị cho địa phương, biết lồng ghép chương trình để nội dung buổi chiếu phim đa dạng, phong phú và thu hút nhân dân đến xem, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân các xã miền núi trong tỉnh.

Cùng với việc xây dựng và đào tạo con người, vấn đề xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, không có tệ nạn xã hội được các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh quan tâm, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường, phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" được phát huy, mở rộng và nâng cao về chất lượng và hiệu quả, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp cộng đồng dân cư. Qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức và nêu cao vai trò của gia đình trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Về công tác phối hợp liên ngành, tổ chức lực lượng trong xử lý vi phạm: Công tác phối hợp liên ngành, tổ chức lực lượng trong xử lý vi phạm trong những năm qua chủ yếu là do Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở thành lập, có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch. Đồng thời cử thành viên (Thanh tra Sở) tham gia phối hợp trong việc kiểm tra liên ngành 178 của tỉnh tiến hành các hoạt động kiểm tra, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội theo Chỉ thị 814/CT-TTg, kế hoạch của Ban chỉ đạo 138/VP và Thường trực đội 178 đề ra. Qua đó đã làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân trên lĩnh vực động trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, hoạt động, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin, tệ nạn mại dâm và các dịch vụ khác dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các Sở, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị như: Công an tỉnh, Sở Lao đông, Thương binh và Xã hội và các cơ quan có liên quan, cùng các huyện, thành phố tích cực chủ động tuyên truyền, thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch, tạo môi trường văn hóa ổn định, lành mạnh.

Hàng năm, Sở VHTTDL ban hành kế hoạch công tác thanh tra, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kịp thời chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm trên các lĩnh vực quản lý của ngành, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, thể thao và du lịch./.

Anh Vũ

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/vinh-phuc-tang-cuong-quan-ly-thiet-lap-trat-tu-ky-cuong-trong-cac-hoat-dong-van-hoa-va-dich-vu-van-hoa-2020102311120382.htm