Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác đối thoại chính sách pháp luật

Sáng 25/8, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 209/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2016-2020 và triển khai Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 10/8/2020 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và thực hiện Kết luận số 80-KL của Ban Bí thư.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh. Về phía tỉnh Vĩnh Phúc, có Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Văn Bắc cùng đại diện lãnh đạo các Sở ban, ngành trong tỉnh.

PBGDPL phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND, các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra đã cơ bản được thực hiện đáp ứng yêu cầu. Công tác PBGDPL đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Có 5/8 mục tiêu đạt mục tiêu cụ thể của Nghị quyết đề ra: Mục tiêu nạn nhân bạo lực gia đình được tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình qua các hình thức vượt 10% mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Công tác quản lý nhà nước về PBGDPL được chú trọng và tăng cường hơn. Công tác chỉ đạo của các cấp, các ngành được quan tâm, hàng năm đã xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo và tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Việc triển khai nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật được chỉ đạo triển khai hướng mạnh về cơ sở. Nội dung PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp hơn với từng đối tượng, địa bàn. Hình thức PBGDPL đã được thực hiện đa dạng, phong phú, sáng tạo đem lại hiệu quả thiết thực. Nội dung tuyên truyền đã bám sát vào nhiệm vụ kinh tế, chính trị - xã hội tại địa phương…

Hiệu quả của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh tác động xã hội to lớn, góp phần nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân giúp cho chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực thi trong thực tiễn, hạn chế vi phạm pháp luật; giảm bớt tình trạng khiếu nại, tố cáo không có căn cứ, kéo dài, vượt cấp, xây dựng môi trường sống lành mạnh trong cộng đồng dân cư góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm luôn đạt ở mức cao so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và cao hơn cả nước. Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh luôn được các nhà đầu tư đánh giá cao, nhiều năm liền Vĩnh Phúc đứng trong tốp đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Chính sách an sinh xã hội cũng được triển khai đồng bộ. Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội khác cũng đều đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đến nay có 112/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, được xếp vào nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước trong xây dựng nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Tình hình tội phạm về trật tự xã hội, tai nạn giao thông năm sau đều giảm hơn năm trước.

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bắc, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc đã Phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 10/8/2020 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU. Mục đích kịp thời tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 41-CT/TU nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, nâng cao ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân…

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho PBGDPL

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự tham gia, phối hợp của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác PBGDP. Với những kết quả đạt được thời gian qua, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất nhân rộng mô hình công tác của Vĩnh Phúc ra cả nước.

Cơ bản nhất trí với nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Hội nghị, theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, trong công tác thực hiện PBGDPL, cần lấy người dân làm trung tâm, từ đó tạo dựng được niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật, thực thi pháp luật. Cần tăng cường công tác đối thoại chính sách pháp luật, giải đáp pháp luật, trong đó quan tâm giải đáp về những vướng mắc pháp luật phổ biến trong áp dụng pháp luật, kể cả của cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân.

Tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cán bộ đảng viên ở cơ sở trong công tác PBGDPL, các đoàn thể cơ sở… vì đây là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với công dân từ đó tạo hiệu quả cho công tác PBGDPL đối với toàn dân. Đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, trong đó phát triển các ứng dụng rộng rãi trên thiết bị di động để tăng cường PBGDPL tới từng người dân…

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, sự nỗ lực của ngành tư pháp tỉnh Vĩnh Phúc, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh tin tưởng rằng trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác PBGDPL mà cụ thể là thực hiện thành công Chỉ thị số 41 của Tỉnh ủy, tiếp tục đưa công tác PBGDPL hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới.

Còn Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Vinh đề nghị trong giai đoạn tới cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo PBGDPL để các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 41 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW và thực hiện Kết luận số 80-KL của Ban Bí thư.

Rà soát việc triển khai các chương trình, đề án PBGDPL của trung ương và tỉnh đảm bảo đồng bộ thống nhất, trọng tâm, trọng điểm trên các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn mới; Tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của pháp luật về các hành vi bị nghiêm cấm, chế tài xử lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tăng cường nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật các lĩnh vực an ninh quốc phòng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm…

Phát biểu đáp từ, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở tư pháp Nguyễn Văn Bắc cho biết ngay sau Hội nghị này, Sở tư pháp, Hội đồng PBGDPL tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan tới công tác PBGDPL, triển khai kết hợp chặt chẽ công tác này nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với tổ chức thi hành pháp luật. Công tác PBGDPL trở thành cầu nối vững chắc kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng chính sách pháp luật của nhà nước vào cuộc sống.

Kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho rằng để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong thời gian tới cần quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 80, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32 và Chỉ thị số 41… về công tác PBGDPL, xác định đây là công tác quan trọng và nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, đơn vị, cơ quan. Cần tạo ra sự lan tỏa trong quần chúng nhân dân về nhận thức và hành động cụ thể trong việc chấp hành pháp luật.

Trong giai đoạn tiếp theo cần ưu tiên về nguồn lực, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, cách làm hướng mạnh về cơ sở phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Các mục tiêu, nhiệm vụ trong công tác PBGDPL trong thời gian tới phải được cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của từng cơ quan, đơn vị và đến với từng người dân.

Cần gắn các phong trào thi đua và phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, có kiểm tra đánh giá kết quả để bảo đảm kịp thời đưa pháp luật vào đời sống xã hội, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân, tạo thói quen và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân và người dân…

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/vinh-phuc-tang-cuong-cong-tac-doi-thoai-chinh-sach-phap-luat-538895.html