Vĩnh Phúc: Tam Đảo nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện Nông thôn mới

Sau 8 năm triển khai xây dựng, đến nay, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) đã có 8/8 xã đều đã cán đích Nông thôn mới (NTM), đạt 100% kế hoạch.

Đường giao thông nội đồng tại thôn Mấu, xã Tam Quan (Tam Đảo) được đổ bê tông sạch đẹp.

Ảnh: Dương Chung

Được thành lập cuối năm 2003, huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hiện có 8 xã, 1 thị trấn. Diện tích hơn 236 km2, trong đó có 120 km2 thuộc một phần Vườn quốc gia Tam Đảo. Là huyện miền núi, địa hình không bằng phẳng, dân cư thưa thớt, trình độ canh tác và sinh hoạt lạc hậu, đó chính là cái khó lớn nhất của huyện bước vào xây dựng NTM. Hơn nữa, khoảng hơn 40% dân số nơi đây là đồng bào dân tộc thiểu số nên nhận thức của người dân về xây dựng NTM chưa được cao. Ngoài ra, giá trị sản xuất bình quân chỉ đạt 27,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đạt 22,53%; tiêu chí NTM đạt thấp.

Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tạo sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để chung sức, chung lòng, tích cực xây dựng NTM.

Tam Đảo tập trung khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống di tích đa dạng mang giá trị lịch sử, tâm linh để phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ. Đồng thời, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: Bí xanh, su su, cây dược liệu... Đặc biệt, tận dụng tiềm năng đất đồi rừng, huyện chỉ đạo nhân dân tích cực trồng, bảo vệ, chăm sóc rừng, kết hợp nuôi ong, dê, lợn rừng và phát triển đàn bò; tận dụng miền khí hậu vùng núi để đầu tư mô hình nuôi cá tầm, cá hồi và các giống thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô tập trung gắn với thị trường đã được UBND tỉnh Vĩnh phúc phê duyệt. Đó là mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Hồ Sơn với diện tích 40 ha và thị trấn Tam Đảo với diện tích 35 ha.

Nông dân xã Tam Quan được vay vốn giải quyết việc làm để mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi gà đẻ, phát triển kinh tế.

Ảnh: Hà Trần

Trên địa bàn huyện đã có nhiều cá nhân, hộ gia đình, tổ chức đã ký hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể: Mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã chăn nuôi Tam Đảo xã Yên Dương: HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Nippon Zuki Việt Nam có trụ sở tại huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình đã thực hiện được 4 năm với nội dung chính là HTX sẽ được công ty cung cấp giống thỏ, thức ăn công nghiệp chăn nuôi thỏ, các loại vắc xin phòng bệnh và thuốc chữa bệnh khi cần thiết. Công ty cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng chống dịch bệnh. Hợp tác xã có nhiệm vụ tổ chức sản xuất theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Công ty Nippon Zuki, khi có sản phẩm đến tuổi xuất bán và đạt yêu cầu theo quy định thì công ty sẽ thu mua 100% sản phẩm của các thành viên hợp tác xã. Thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa hợp tác xã rau an toàn Thanh Hà với một số chủ cơ sở, hộ kinh doanh cung cấp thức ăn cho các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, các trường học... Bên cạnh đó, huyện Tam Đảo đã hình thành được một số chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp như: Dược liệu; nấm sạch; rau củ quả, ớt ...tại 8 xã trên địa bàn huyện.

Nhờ những giải pháp đồng bộ, sau 8 năm, Tam Đảo đã huy động gần 1.000 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Hiện 8/8 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư, xây dựng một các đồng bộ. Hệ thống giao thông, thủy lợi, kênh mương tưới tiêu, hệ thống điện, công trình viễn thông, các công trình phúc lợi công cộng, hạ tầng giáo dục, y tế, các công trình văn hóa, chợ nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại.

Toàn huyện có tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 87,5%. Gần 76% hộ dân sử dụng nước sạch và trên 94,5% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Trên địa bàn huyện có 2 lò đốt rác đi vào hoạt động, xử lý đáng kể lượng rác thải ra mỗi ngày. Hằng năm, trên 91% lao động được giải quyết việc làm, trong đó, trên 32% lao động qua đào tạo. Số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 4,63% năm 2018. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo.

Mục tiêu thời gian tới của Tam Đảo là củng cố, nâng cao chất lượng toàn diện các tiêu chí xã, huyện NTM theo quy định và yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2020, 60% số xã trên địa bàn huyện đạt nông thôn mới bền vững, phấn đấu có từ 1 - 2 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu... Đến năm 2020, giá trị sản xuất bình quân đầu người là 57-61 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống dưới 3,5%.

Lê Hoàn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tam-dao-vinh-phuc--tam-dao-san-sang-can-dich-nong-thon-moi-70207